Nhiều thách thức trong sản xuất vụ hè thu 2014 (Bài 2): Cảnh báo tùy tiện sử dụng giống

(Baohatinh.vn) - Sự cố lô giống VTNA2 thiếu chất lượng hồi đầu vụ xuân khiến cho giống lúa này bị “đánh bật” ra khỏi nhóm giống cơ cấu chủ lực của tỉnh từ vụ hè thu 2014. Với diện tích phổ rộng chiếm tỷ lệ cơ cấu lớn nhất tỉnh (gần 20% tổng diện tích gieo cấy) thì việc chấm dứt ngay là điều không dễ với các địa phương nếu thiếu sự quản lý chặt chẽ đầu vào khâu giống...

>> (Bài 1): Thời vụ “căng”!

“Thẻ đỏ” cho VTNA2…

Bắt đầu làm quen từ nhiều năm trước nhưng phải đến vụ đông xuân 2011-2012, giống VTNA2 do Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An cung ứng mới thực sự ghi dấu ấn trên đồng ruộng Hà Tĩnh. Và, từ vụ hè thu 2012, cùng với 3 loại giống có thời gian sinh trưởng ngắn ngày khác, giống lúa thuần này được tỉnh lựa chọn vào nhóm cơ cấu chủ lực, thực hiện nhiệm vụ “cứu tinh” trên đồng ruộng. Đặc điểm nổi trội nhất là giống có thời gian sinh trưởng dưới 100 ngày, năng suất đạt khá (55-57 tạ/ha) và chất lượng gạo dẻo nhẹ, khá ngon. Một số địa phương có diện tích sử dụng giống VTNA2 lớn như: Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc…

CXT 30 được đánh giá là giống lúa triển vọng trong vụ hè thu
CXT 30 được đánh giá là giống lúa triển vọng trong vụ hè thu

Phải nói rằng, nhờ chính sách hỗ trợ 50% giá giống cho nhóm giống chủ lực của tỉnh cùng với chiến thuật làm ăn khôn khéo của nhà cung ứng mà VTNA2 đã sớm chinh phục và chiếm được lòng tin của bà con nông dân thời điểm đó. Tiếng vang từ cánh đồng mẫu lớn 426 ha sử dụng 100% giống lúa VTNA2 ở Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) và hàng trăm cánh đồng mẫu khác ở các địa phương trong tỉnh thành công đã củng cố vững chắc uy tín của giống lúa này. Thậm chí, vụ hè thu 2013 xảy ra hiện tượng “cháy giống” vì nhu cầu quá cao.

Tuy nhiên, khi đang ở “đỉnh cao” (vụ xuân 2014 có trên 9.000 ha đăng ký sử dụng VTNA2) thì bất ngờ, hơn 80 tấn giống (tương đương 1.600 ha) bị thu hồi vào tận ngày xuống giống vì nảy mầm kém. Sự việc này đã xé lẻ nhiều cánh đồng mẫu của 7 địa phương liên quan, đẩy nông dân vào thế bị động và vô hình trung phá vỡ cơ cấu giống của tỉnh. Dù phía công ty cho rằng, sự cố này là do sơ suất trong quy trình sấy nhưng theo nhiều chuyên gia về ngành giống thì đây chính là “lỗ hổng” nghiêm trọng trong khâu kiểm soát chất lượng giống của doanh nghiệp trước khi đưa vào thị trường. Tất nhiên, VTNA2 bị “tuýt còi” trên đồng ruộng Hà Tĩnh kể từ vụ hè thu 2014.

Tránh tùy tiện sử dụng giống…

Bỏ giống VTNA2, nhóm giống chủ lực vụ hè thu 2014 chỉ còn lại HT1, N98, TH3-3, KD 18, XM 12, KD ĐB; ở các trà chạy lụt, vùng trũng bố trí PC6, P6 đột biến; vùng thâm canh truyền thống cơ cấu nhị ưu 838. Theo đó, mỗi huyện bố trí 4-5 loại giống, mỗi xã không quá 3 loại giống nhằm tạo nên những cánh đồng “đồng giống, đồng thời vụ và đồng quy trình kỹ thuật” phục vụ sản xuất khối lượng hàng hóa lớn. Nói là thế nhưng đối với giống lúa thì thường “khó vào, khó ra”, có nghĩa để chiếm đồng ruộng thì giống lúa đó phải mất 2-3 năm trời chinh phục, nhưng ngược lại cũng phải mất chừng ấy thời gian nếu muốn loại bỏ hoàn toàn một loại giống không còn tính năng ưu việt. Giống VTNA2 không nằm ngoài ngoại lệ này.

Ông Ngô Văn Tân - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà cho biết: “Mặc dù huyện không đưa vào cơ cấu cho vụ hè thu 2014 nhưng nhu cầu sử dụng giống VTNA2 trong dân vẫn rất cao. Hiện nay, huyện đang chỉ đạo các địa phương quán triệt sâu rộng chủ trương, tuyệt đối không được tùy tiện sử dụng giống lúa ngoài cơ cấu”. Bày tỏ quan ngại về thực trạng sử dụng giống hiện nay, Phó phòng Nông nghiệp huyện Cẩm Xuyên cũng cho rằng, rất khó để “cắt” ngay việc sử dụng giống VTNA2 vì mức ảnh hưởng của nó quá lớn trên đồng ruộng. Và, thực tế là giống ở trong dân rất nhiều, họ tự để giống và sử dụng cho những ruộng ngoài quy hoạch cánh đồng mẫu. Chẳng riêng gì nông dân Cẩm Xuyên, mới đây, khi chúng tôi về một xã của huyện Can Lộc, một HTX nông nghiệp vẫn sản xuất giống VTNA2 như thường. Chắc chắn sẽ không ít hộ sản xuất trên toàn tỉnh tự “xé rào” phá vỡ cơ cấu của tỉnh nếu sự quản lý đầu vào giống của cơ quan chuyên môn và các địa phương thiếu quyết liệt.

Sản xuất thử, khảo nghiệm các giống mới cũng là con đường dẫn đến sự tùy tiện về giống lúa. Đây là giai đoạn “trăm hoa đua nở”, các nhà cung ứng đang thực hiện cuộc chạy đua bất phân thắng bại về ngành sản xuất giống. Ông Bùi Quang Hoàn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Thực trạng nhiều năm, cứ đầu vụ, nhà cung ứng lại đưa giống về các địa phương xây dựng mô hình khảo nghiệm mà không báo với cơ quan chuyên môn. Thiếu sự phối hợp dẫn đến công tác kiểm tra, giám sát chất lượng đầu vào mới chỉ thực hiện ở “phần ngọn”, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc về năng suất, chất lượng cây trồng; làm manh mún, xé lẻ đồng ruộng”. Sự thật là, hằng năm kể cả những công ty đăng ký sản xuất khảo nghiệm qua con đường chính thống thì cũng không “lọt” được bao nhiêu dù số lượng đăng ký rất nhiều. Trường hợp khác, sản xuất quy mô khảo nghiệm rất “ngon lành” nhưng khi yêu cầu mở rộng thì nhà cung ứng giống không đáp ứng đủ!

(còn nữa)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast