Bí ẩn “hàng rào sống” 4 lớp bảo vệ Tổng thống Nga Putin

Tổng thống Vladimir Putin được bảo vệ bởi 4 lớp an ninh đặc biệt với các đặc vụ được huấn luyện bài bản, có khả năng ứng phó với mọi tình huống nguy hiểm và bảo đảm an toàn cho nhà lãnh đạo Nga ở bất kỳ nơi nào ông đặt chân đến.

Bí ẩn “hàng rào sống” 4 lớp bảo vệ Tổng thống Nga Putin

Đội đặc vụ bảo vệ Tổng thống Putin trong một sự kiện tại Vienna, Áo (Ảnh: TASS).

Nhiệm vụ bảo vệ chính cho Tổng thống Vladimir Putin được giao phó cho Cơ quan Bảo vệ Liên bang Nga (FSO). Thực tế cho thấy không có bất kỳ dữ liệu công khai hay báo cáo chính thức nào về hoạt động của FSO. Vì gần như không có lực lượng an ninh nào của Nga được giữ bí mật cao như FSO, nên các thông tin liên quan tới hoạt động của FSO đều chỉ dựa trên sự phỏng đoán.

Gốc rễ của FSO bắt nguồn từ một nhánh của Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB) - cơ quan an ninh với quyền lực rất mạnh thời Liên Xô. Khi đó, nhánh này chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn cho các quan chức cấp cao của Nga, tương tự FSO bây giờ.

Trong suốt 16 năm, FSO do Tướng Yevgeny Murov, một đồng minh lâu năm của Tổng thống Vladimir Putin, dẫn đầu. Tới tháng 5/2016, Tổng thống Putin đã chấp thuận đơn từ chức của ông Murov và bổ nhiệm cấp phó là ông Muscovite Dmitry Kochnev vào vị trí lãnh đạo FSO. Tướng Murov, một trong những người có tầm ảnh hưởng lớn nhất tại Nga, đã đảm nhận ví trí lãnh đạo FSO chỉ 11 ngày sau khi ông Putin lên làm tổng thống và giữ vị trí này kể từ thời điểm đó.

Thông tin về người kế nhiệm Tướng Murov tại FSO hiện không có nhiều. Ông Dmitry Kochnev được xem là người “không tiểu sử” vì gần như không tìm thấy bất kỳ dòng thông tin nào về ông trên các trang web của FSO cũng như của Điện Kremlin. Một trong số những thông tin hiếm hoi được tiết lộ là ông Kochnev đã lãnh đạo Cơ quan An ninh Tổng thống, một đơn vị của FSO, từ cuối năm 2015.

Có nhiều giai thoại xung quanh sứ mệnh bảo vệ yếu nhân của FSO. Trong vòng 15 năm, cơ quan này được đồn đoán đã sử dụng một nhân vật có ngoại hình giống Tổng thống Putin để giúp “đóng thế” nhà lãnh đạo Nga trong các hoạt động nguy hiểm như lặn dưới đáy hồ hay lái máy bay chiến đấu.

FSO hiện có khoảng 20.000-30.000 đặc vụ mặc đồng phục và vài nghìn nhân sự mặc thường phục. Con số này lớn hơn nhiều so với giai đoạn trước khi ông Putin lên làm Tổng thống. FSO có nhiệm vụ bảo vệ vali hạt nhân Cheget, biểu tượng quyền lực của các đời tổng thống Nga. Bên trong vali này được cho là chứa các thiết bị liên lạc, cho phép Tổng thống Nga ra lệnh một cuộc tấn công hạt nhân vào bất cứ mục tiêu nào trên thế giới.

Yêu cầu khắt khe đối với đặc vụ Tổng thống

Bí ẩn “hàng rào sống” 4 lớp bảo vệ Tổng thống Nga Putin

Tổng thống Putin được bảo vệ trong cuộc tuần hành ở Moscow năm 2016 (Ảnh: TASS).

Để trở thành một thành viên của FSO, các ứng viên phải đạt đủ tiêu chuẩn về ngoại hình và phải trải qua quá trình huấn luyện khắt khe trước khi đủ khả năng ứng phó với các tình huống nguy cấp trong quá trình bảo vệ Tổng thống.

Các đặc vụ FSO thường mặc áo vest đen và đeo tai nghe, song cũng có lúc họ mặc thường phục và trà trộn vào đám đông. Chỉ những người đáng tin cậy nhất mới được chọn làm đặc vụ FSO.

Tuy vậy, một số đặc vụ FSO vẫn không tránh khỏi những cám dỗ đời thường và đăng một vài bức ảnh “tự sướng” chụp lúc đang làm việc lên mạng xã hội. Sau đó, các phóng viên đã liên tục khai thác những bức ảnh này cũng như các thông tin đời tư về đặc vụ FSO.

Các đặc vụ FSO không chỉ bảo vệ Tổng thống Nga mà còn bảo đảm an ninh cho nhiều nhân vật quan trọng khác như thủ tướng, chủ tịch cơ quan lập pháp, ngoại trưởng, bộ trưởng quốc phòng, giám đốc cơ quan an ninh liên bang, chủ tịch hội đồng an ninh, chủ tịch hội đồng bầu cử trung ương… Ngoài ra, các thẩm phán, nhân chứng, quan chức và các địa điểm quan trọng ở Nga như Điện Kremlin hay tòa nhà Quốc hội cũng được FSO bảo vệ.

Các đặc vụ FSO cũng có quyền tiến hành các hoạt động điều tra, tác chiến, nghe lén, khám xét thư từ, bắt giữ công dân, lục soát nơi ở và trưng dụng xe ô tô. Ngoài bảo vệ các tòa nhà chính phủ và các công trình quan trọng tại Nga, FSO cũng kiểm soát các tuyến đường dẫn tới các địa điểm này. Cơ quan này kiểm soát nhiều tuyến đường ở thủ đô Moscow và để mắt luôn tới những người dân sống ở các khu vực đó.

FSO cũng chịu trách nhiệm theo dõi và cung cấp các thông tin về tình hình kinh tế xã hội tại các vùng miền của Nga cho các quan chức cấp cao của chính phủ. Do vậy, nếu một trong số các tỉnh trưởng tại Nga bất ngờ nộp đơn xin từ chức với lý do không còn tự tin vào năng lực lãnh đạo, rất có thể chính FSO là đơn vị đứng sau tác động tới quyết định của vị tỉnh trưởng này.

Một trong số các hoạt động cho thấy sự mở rộng quyền lực của FSO gần đây là việc cơ quan này thiết lập và phát triển mạng lưới Internet dành riêng cho các công chức nhà nước. FSO cũng chịu trách nhiệm quản lý các kênh liên lạc được mã hóa tại Nga.

Một yêu cầu đặc biệt là các thành viên của FSO phải có kỹ năng dự đoán và ngăn chặn mối đe dọa và thực hiện trong âm thầm không gây sự chú ý. Một yêu cầu khác là những người nộp đơn tham gia đội đặc vụ không được quá 35 tuổi, cao từ 1,75-1,90 m và nặng từ 75-90 kg.

Các đặc vụ riêng của Tổng thống Nga cũng phải hiểu ngoại ngữ và có kiến thức chính trị cơ bản, đủ để biết người tiếp cận Tổng thống là ai và những người này nên được đối xử như thế nào.

Các đặc vụ của Tổng thống Putin cũng được rèn luyện để có sức chịu đựng cao. Họ được huấn luyện để có khả năng chịu lạnh ngay cả khi mặc áo khoác mỏng, vì áo khoác dày có thể ảnh hưởng tới chuyển động của cơ thể, và không đổ mồ hôi khi nóng.

Bốn lớp an ninh bảo vệ Tổng thống

Bí ẩn “hàng rào sống” 4 lớp bảo vệ Tổng thống Nga Putin

Tổng thống Putin tại thành phố Tambov, Nga năm 2012 (Ảnh: TASS).

Đối với các chuyến công du của Tổng thống Nga, khoảng 1-2 tháng trước đó, các đặc vụ FSO bắt đầu thu thập thông tin về địa phương nơi ông Putin sẽ đến, thậm chí tới tận nơi “thực địa” để có kế hoạch bảo vệ tốt nhất cho ông chủ Điện Kremlin. Họ sẽ phân tích mọi khả năng có thể xảy ra như các hoạt động tội phạm, bất ổn xã hội, thậm chí đánh giá khả năng xảy ra thiên tai tại nơi diễn ra sự kiện như động đất, lũ lụt.

Đội ngũ an ninh sẽ đảm bảo tại nơi ông Putin xuất hiện, mọi vật dụng sẽ được sửa chữa cẩn thận, để khi Tổng thống tới đó, không một kỹ thuật viên hay nhân viên sửa chữa nào phải xuất hiện và tiếp cận gần ông Putin. Một thiết bị đặc biệt của đội giám sát sẽ gửi tín hiệu tới tất cả điện thoại thông minh và thiết bị gần vị trí của ông Putin để theo dõi và phát hiện bất cứ hoạt động nào khả nghi.

Chỉ sau khi các bước chuẩn bị được đảm bảo an toàn, ông Putin mới di chuyển tới và đội an ninh sẽ bắt tay vào quá trình tác nghiệp ngay lập tức. Mỗi khi xuất hiện trước công chúng, Tổng thống Putin được bảo vệ bởi ít nhất 4 lớp an ninh.

Lớp đầu tiên là các đặc vụ của Tổng thống. Những người có vẻ ngoài lạnh lùng này đóng vai trò là “lá chắn thép” di động cho Tổng thống.

Lớp thứ hai là những đặc vụ mặc thường phục trà trộn trong đám đông. Họ có nhiệm vụ phát hiện những đối tượng khả nghi có thể tàng trữ vũ khí.

Lớp thứ ba bao quanh đám đông để ngăn chặn bất cứ đối tượng khả nghi nào tiếp cận nguyên thủ.

Lớp thứ tư là nhóm xạ thủ bắn tỉa ẩn mình trên các tòa nhà cao tầng để sẵn sàng ngăn chặn các mối đe dọa sự an nguy của Tổng thống.

Theo truyền thông phương Tây, các đặc vụ của ông Putin được trang bị súng Gyurza có thể bắn 40 viên đạn/phút. Đạn của Gyurza có thể xuyên thủng áo giáp chống đạn trong phạm vi 50 m, trong khi kích thước của chúng lại khá nhỏ gọn.

Một chi tiết đặc biệt là đặc vụ luôn để 2 tay phía trước và tay trái thường giơ lên một nửa. Đây là yêu cầu đặc biệt vì họ luôn phải trong tình trạng báo động. Các đặc vụ phải sẵn sàng che chắn cho Tổng thống Nga khi tình huống nguy hiểm xảy ra. Những chiếc vali họ cầm theo sẽ có tác dụng như “tấm khiên” bảo vệ cho Tổng thống trước làn đạn của kẻ tấn công.

Nếu một vụ nổ súng xảy ra gần Tổng thống Nga, đó là dấu hiệu cho thấy đội ngũ an ninh đã bị “vỡ” vòng vây bảo vệ ở bên ngoài. Lúc này, các đặc vụ vòng trong cùng sẽ bung một chiếc ô đặc biệt được làm từ sợi kevlar. Chiếc ô này rất chắc chắn và có thể bảo vệ Tổng thống khỏi các vật thể bay lao tới. Nếu Tổng thống xuất hiện ở những khu vực tương đối rộng lớn, nhóm đặc vụ sẽ triển khai thêm các thiết bị bảo vệ đặc biệt khác như khiên chống đạn.

Trong mỗi chuyến đi của Tổng thống Putin có hàng trăm đặc vụ tham gia bảo vệ, trong đó 12 đặc vụ có vũ trang liên tục đảm bảo an ninh cho nhà lãnh đạo Nga. Đoàn xe của Tổng thống Putin thường có từ 5-7 ô tô hộ tống cùng với 3-4 ô tô tuần tra cao tốc.

Bí ẩn “hàng rào sống” 4 lớp bảo vệ Tổng thống Nga Putin

Các đặc vụ theo sát Tổng thống Putin trong cuộc gặp với công chúng hồi tháng 1/2020 (Ảnh: Kremlin.ru).

Mỗi khi Tổng thống Putin bước ra ngoài, luôn có một thiết bị phát tín hiệu GPS giả hay nói cách khác là gây nhiễu hệ thống định vị toàn cầu với mức độ cực lớn. Điều này được cho là nhằm bảo vệ an toàn cho người đứng đầu chính phủ Nga trước các âm mưu tấn công bằng vũ khí sử dụng hệ thống định vị như máy bay không người lái.

Hệ thống này sẽ phát tín hiệu GPS giả là vị trí của các sân bay thương mại địa phương. Đó là vì các máy bay không người lái thương mại thường được lập trình với cơ chế an toàn, buộc chúng tự động hạ cánh hoặc hủy chương trình khi đi vào không phận của một sân bay thương mại.

Hồi tháng 9/2016, khi Tổng thống Putin cùng Thủ tướng Dmitry Medvedev tới eo biển Kerch để thị sát dự án xây cầu nối Nga với bán đảo Crimea, hệ thống định vị của các tàu ở khu vực này bất ngờ hiển thị kết quả định vị là ở sân bay Simferopol cách đó hơn 200 km. 2 năm sau, khi ông Putin quay trở lại đây, một lần nữa, hệ thống định vị của các tàu trong khu vực lại cho kết quả định vị ở sân bay Anapa nằm trong đất liền Nga.

Công việc bảo vệ Tổng thống Nga được mô tả là “rất căng thẳng”, đó là lý do các đặc vụ được phép rời khỏi lực lượng sau 35 tuổi.

Theo RBTH/RT/Sputnik/Dantri

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast