Có gì khác biệt giữa "4 đỉnh Olympic" về thi sắc đẹp thế giới?

Với đa số công chúng, các cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Trái đất và Hoa hậu Quốc tế đều chỉ là những màn đọ sức giữa nhiều người đẹp tới từ khắp nơi trên thế giới, chẳng có gì khác biệt lắm so với nhau.

Nhưng với những ai đam mê thì đây chính là bộ tứ quyền lực trong làng thi sắc đẹp. Cả bốn đều có chiếc vương miện hoa hậu mà người đẹp nào cũng muốn sở hữu. Và dù đều là thi sắc đẹp, bốn cuộc thi này cũng không giống hệt nhau.

1. Hoa hậu Thế giới: Sắc đẹp có mục đích

Hoa hậu Thế giới (Miss World) hiện là cuộc thi sắc đẹp lâu đời nhất thế giới. Đây là “đứa con” của chuyên gia quan hệ công chúng Eric Morley, ra đời vào năm 1951 trong khuôn khổ cuộc triển lãm Festival of Britain.

Ban đầu Morley chỉ định tổ chức cuộc thi một lần rồi thôi. Nhưng sau đó ông đã biến Hoa hậu Thế giới thành sự kiện thường niên khi nghe tin về cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ sắp diễn ra.

Đêm chung kết luôn diễn ra dưới sự quản lý của Tổ chức Hoa hậu Thế giới, nơi đã quyên góp được hàng trăm triệu đô la cho các chương trình từ thiện dưới khẩu hiệu “Sắc đẹp có mục đích”.

Nếu chỉ tính riêng trên phương diện con số thí sinh tham gia thì Hoa hậu Thế giới là cuộc thi sắc đẹp lớn nhất toàn cầu. Mỗi năm đều có hơn 100 thí sinh tham gia cuộc thi này.

Có gì khác biệt giữa "4 đỉnh Olympic" về thi sắc đẹp thế giới? ảnh 1

Á hậu ba Phạm Hồng Thúy Vân (trái) bên cạnh Hoa hậu Venezuela Edymar Martinez và những người đẹp khác trong đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu Quốc tế

2. Hoa hậu Quốc tế: Tình yêu, hòa bình và sự phấn khích với thế giới

Long Beach, California (Mỹ) là nơi tổ chức cuộc thi Hoa hậu Quốc tế (Mis Intrenational) trong 8 năm đầu tiên, kể từ năm 1960. Sau đó cuộc thi chuyển tới Nhật Bản vào các năm từ 1968 tới 1970 để kỷ niệm hội chợ triển lãm Osaka World Expo. Giai đoạn sau này, cuộc thi đã được tổ chức thường niên ở Nhật Bản.

Hiệp hội văn hóa quốc tế có trụ sở ở Nhật Bản là nơi tổ chức cuộc thi sắc đẹp thường niên này, nhằm cổ súy cho “tình bạn và thiện chí” giữa các quốc gia tham gia sự kiện. Không chỉ là một lễ hội sắc đẹp, cuộc thi Hoa hậu Quốc tế còn biến các thí sinh trở thành những “đại sứ thiện chí của vẻ đẹp”.

3. Hoa hậu Trái đất: Sắc đẹp và trách nhiệm

Được công ty Carousel Productions triển khai từ năm 2001, Hoa hậu Trái đất (Miss Earth) là một cuộc thi sắc đẹp thường niên, tập trung vào nhận thức về các vấn đề môi trường. Cuộc thi đã gây dựng danh tiếng là “sự kiện thi sắc đẹp có liên quan nhất (tới môi trường) và có tầm quan trọng nhất”.

Các thí sinh và người đoạt giải tại cuộc thi này đều tham gia vào những hoạt động tập trung tới sự bảo vệ môi trường, bảo vệ Trái đất như thăm các trường học, tham gia sự kiện trồng cây gây rừng, dọn dẹp bờ biển, dự các buổi hội thảo về môi trường, bên cạnh những hoạt động khác.

Quỹ Hoa hậu Trái đất và những người đoạt giải đã hợp tác với rất nhiều tổ chức bảo vệ môi trường trên thế giới, gồm tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) và Quỹ bảo vệ động vật hoang dã thế giới (World Wildlife Fund).

4. Hoa hậu Hoàn vũ: Đẹp tự tin

Từ một cuộc thi “áo tắm” diễn ra hồi năm 1952, Hoa hậu Hoàn vũ (Miss Universe) đã trở thành cuộc thi sắc đẹp được yêu thích nhất hành tinh. Hoa hậu Hoàn vũ là dự án đầu tư chung giữa nhà tài phiệt Donald J. Trump với tập đoàn NBC Universal, hiện thuộc sở hữu của công ty quản lý tài năng William Morris Endeavor.

Điểm khác biệt lớn nhất của cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ so với những cuộc thi khác là ban tổ chức không có quy định cấm thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ, bất chấp việc điều này đã vấp phải không ít sự phản đối.

Trong một cuộc phỏng vấn vào đầu năm nay, Hoa hậu Hoàn vũ 2014 Paulina Vega nói rằng việc các thí sinh đã qua phẫu thuật thẩm mỹ là điều “chấp nhận được” với cô, chừng nào họ không chỉnh sửa quá mức.

Theo thông tin trên trang web Hoa hậu Hoàn vũ, cuộc thi này đã biến đổi để trở thành một sự kiện mạnh mẽ, thúc đẩy và ủng hộ việc tăng cường cô hội cho các cô gái trẻ.”

Đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ có vẻ chỉ tập trung vào vẻ đẹp, ngoại hình và sự hào nhoáng của các thí sinh. Tuy nhiên người giành vương miện sẽ phải tham gia các hoạt động mà Tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ theo đuổi lâu nay: chống HIV/AIDS và nâng cao nhận thức về ung thư buồng trứng.

Theo TT&VH

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast