Bảo tồn yếu tố gốc trong trùng tu, tôn tạo di tích ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Yếu tố gốc được coi là hồn cốt, phản ánh lịch sử hình thành, quá trình tồn tại của một di tích. Vì vậy, việc bảo tồn yếu tố gốc khi trùng tu, tôn tạo di tích là điều hết sức cần thiết.

Phóng viên Báo Hà Tĩnh đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tùng Lĩnh - Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở VH-TT&DL) về vấn đề này.

Bảo tồn yếu tố gốc trong trùng tu, tôn tạo di tích ở Hà Tĩnh

Ông Nguyễn Tùng Lĩnh - Trưởng phòng Quản lý văn hóa, Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh.

- Hà Tĩnh là địa phương có bề dày lịch sử, văn hóa và truyền thống cách mạng nên số lượng các di tích lớn. Vậy, hiện trạng các công trình di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh hiện nay như thế nào, thưa ông?

Hệ thống di tích ở Hà Tĩnh tuy không có tầm vóc lớn so với nhiều địa phương khác nhưng khá đa dạng về loại hình (lịch sử, cách mạng, danh nhân, kiến trúc mỹ thuật, danh lam thắng cảnh...), phong phú về chất liệu (xây bằng đất, đá, gạch, gỗ...) và đóng vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển của lịch sử, văn hóa dân tộc.

Bảo tồn yếu tố gốc trong trùng tu, tôn tạo di tích ở Hà Tĩnh

Đền Vĩnh Tuy - xã Phù Lưu - huyện Lộc Hà vừa được xếp hạng di tích lịc sử - văn hóa cấp tỉnh. (Ảnh Thiên Vỹ).

Đến nay, toàn tỉnh đã kiểm kê được trên 1.800 di tích lịch sử - văn hóa, danh thắng, trong đó, 623 di tích được xếp hạng: 2 di tích quốc gia đặc biệt, 86 di tích cấp quốc gia và 535 di tích cấp tỉnh.

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, liên tục bị thiên tai, chiến tranh và ý thức của con người tàn phá, nhiều di sản bị mất mát, hư hỏng, nhiều di tích chỉ còn là phế tích.

- Xin ông cho biết công tác bảo tồn di tích trên địa bàn tỉnh hiện nay đang được tiến hành như thế nào?

Với sự nỗ lực trong công tác bảo tồn qua nhiều thế hệ, nhất là từ khi có Luật Di sản văn hóa, hệ thống di sản văn hóa cả vật thể và phi vật thể trên địa bàn Hà Tĩnh đã từng bước được khảo sát, nghiên cứu, xếp hạng, trùng tu, phục dựng.

Bảo tồn yếu tố gốc trong trùng tu, tôn tạo di tích ở Hà Tĩnh

Đền Voi Phục - xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà có nhiều hạng mục xuống cấp (Ảnh Thạch Quý).

Công tác xã hội hóa nguồn lực trùng tu, tôn tạo được thực hiện khá tốt. Giai đoạn 2015-2020, toàn tỉnh đã huy động được hàng nghìn tỷ đồng từ các địa phương, dòng họ, cá nhân để phục vụ cho việc trùng tu, tôn tạo, bảo vệ di tích. Tiêu biểu như các công trình: chùa Đại Hùng, chùa Hang (TX Hồng Lĩnh), tượng đài Mai Hắc Đế (Lộc Hà), đền thờ La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp (Can Lộc), Văn Miếu (TP Hà Tĩnh)...

Tuy nhiên, ở một số địa phương, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Đội ngũ cán bộ chuyên ngành văn hóa nói chung và di sản văn hóa nói riêng ngày càng hẫng hụt, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, chuyên gia am hiểu về kỹ thuật chế tác và bảo quản, lưu giữ mộc bản.

Bảo tồn yếu tố gốc trong trùng tu, tôn tạo di tích ở Hà Tĩnh

Đình Trung - thôn Châu Trung - xã Tùng Ảnh (Đức Thọ) được trùng tu, tôn tạo đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người dân địa phương. (Ảnh Hoàng Nguyên).

Vẫn còn tình trạng một số đơn vị quản lý di tích tự ý xây dựng, phục dựng di tích khi chưa có ý kiến của cơ quan chuyên môn, ảnh hưởng đến việc bảo tồn yếu tố gốc của di tích. Công tác lập quy hoạch tổng thể đầu tư tu bổ di tích, lập quy hoạch khảo cổ, cắm mốc địa giới di tích ở hầu hết các địa phương triển khai còn chậm...

- Để khắc phục những hạn chế đó và bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị văn hóa của di tích trong đời sống tinh thần của người dân thì cần phải làm gì, thưa ông?

Mỗi di tích mang một đời sống văn hóa, phản ánh một quá trình lịch sử hình thành riêng nên cần có những cách thức bảo tồn, trùng tu khác nhau. Yếu tố gốc được coi là hồn cốt của di tích, do đó, công tác bảo tồn phải gắn với giữ gìn tối đa yếu tố gốc.

Muốn làm được điều đó đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn, am hiểu về lịch sử, văn hóa, di tích. Thời gian qua, ngành VH-TT&DL cũng đã tổ chức nhiều đợt tập huấn, trao đổi chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý di tích trên địa bàn. Tuy nhiên, để bổ sung đội ngũ nhân lực kế cận lâu dài cho lĩnh vực di sản văn hóa thì cần có chính sách thu hút nhân tài có trình độ chuyên môn cao.

Bảo tồn yếu tố gốc trong trùng tu, tôn tạo di tích ở Hà Tĩnh

Các chuyên gia đánh giá cấu kiện phục vụ quá trình trùng tu Khu Lưu niệm Nguyễn Du. (Ảnh tư liệu).

Cấp ủy, chính quyền địa phương nơi có di tích cần triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về lĩnh vực di sản văn hóa, đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các tầng lớp nhân dân trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, để di sản trở thành những sản phẩm đặc trưng của quê hương, gắn kết với phát triển du lịch, từ đó góp phần thúc đẩy KT-XH của tỉnh phát triển.

Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với việc sử dụng các nguồn vốn của Nhà nước, nguồn xã hội hóa, nguồn thu công đức trong trùng tu, tôn tạo di tích. Ngành văn hóa phải đẩy mạnh việc tư liệu hóa, số hóa di tích để việc xếp hạng và quản lý các di tích chính xác, khoa học hơn; tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với các nghệ nhân và những tập thể, cá nhân có nhiều cống hiến trong lĩnh vực bảo tồn di sản.

Xin cảm ơn ông!

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast