Giám đốc doanh nghiệp và cán bộ tín dụng cùng sa lưới

Cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ - Công an tỉnh Hà Tĩnh vừa phá chuyên án mang bí số "211-KHN"; ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 đối tượng là chủ doanh nghiệp và cán bộ tín dụng xã để tiếp tục điều tra, làm rõ.

Lừa người thân mượn sổ đỏ thế chấp ngân hàng vay số tiền lớn:

Làm ăn thua lỗ, cầu cứu người thân...

Cuối năm 2008, Nguyễn Minh Hải (SN 1972) - Giám đốc Công ty CP Thương mại - Công nghiệp (CPTM-CN) Thịnh Phát (Hà Nội), do làm ăn thua lỗ dẫn đến nợ các ngân hàng tại Hà Nội và một số cá nhân với số lượng lớn. Trong một lần về thăm quê, với ý định huy động vốn mang ra Hà Nội trả nợ, Nguyễn Minh Hải đã nhờ một người bạn học thời phổ thông ở cùng xã giới thiệu mình làm quen với Trần Trung Kiên - cán bộ tín dụng và Nguyễn Thị Hương - Giám đốc Phòng giao dịch Đức Trung, Đức Thọ (Hà Tĩnh) để tìm cách vay vốn.

Theo đó, để có tài sản thế chấp vay tiền của Ngân hàng NN&PTNT Đức Thọ tại phòng giao dịch Đức Trung, Nguyễn Minh Hải đã trực tiếp gặp 12 hộ dân (hầu hết là anh em họ hàng - PV) mượn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhờ những hộ này đứng tên trong hồ sơ vay tiền ngân hàng giúp Hải có thêm vốn kinh doanh nhập khẩu hàng hóa.

Nguyễn Minh Hải trên đường về trại giam
Nguyễn Minh Hải trên đường về trại giam

Do có quan hệ là anh em ruột thịt, họ hàng và bạn bè thân nên những người này tự nguyện giúp Nguyễn Minh Hải và không đưa ra bất cứ điều kiện gì. Tất cả chỉ thỏa thuận bằng miệng là "Hải chịu trách nhiệm thanh toán nợ gốc và lãi cho ngân hàng".

Trong khoảng thời gian từ tháng 12/2008 - 12/2009, định kỳ hàng tháng vị giám đốc này đều chuyển tiền về tài khoản của cô em gái ruột của mình mở tại Phòng giao dịch Đức Trung để thanh toán tiền gốc và lãi hàng tháng cho 4 hộ với số tiền 1,8 tỷ đồng.

Đến việc thông đồng lập hồ sơ khống

Thấy việc vay vốn khá thuận lợi nên Nguyễn Minh Hải đã tìm cách thông đồng với cán bộ ngân hàng nhờ "chỉ giáo" nhằm tiếp tục "lập hồ sơ thế chấp tài sản" gồm đất và nhà ở cũng của 12 hộ dân nói trên để sản xuất đồ mộc, làm nhà ở (?). Cụ thể như: kê khai khống hợp thức hóa tài sản của anh V. cho vay 2 lần tổng cộng 1,1 tỷ đồng, của ông D. 1,2 tỷ đồng, của anh T. 1,1 tỷ đồng ... Với tài "biến hóa'' này, trong khoảng thời gian từ tháng 11/2008 - 4/2009, phòng giao dịch Đức Trung đã cho Hải vay tổng số tiền lên tới 14,5 tỷ đồng. Quá trình sử dụng tiền vay, Hải đã hoàn trả 1,8 tỷ đồng, còn nợ gốc 12,7 đồng.

Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2010 đến nay, Nguyễn Minh Hải không có tiền chuyển về thanh toán dẫn đến dư nợ quá hạn với số lượng lớn, không thể thu hồi. Theo báo cáo của Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam Chi nhánh Hà Tĩnh, tính đến tháng 3/2011, tiền gốc và lãi mà Nguyễn Minh Hải đã vay là 14,39 tỷ đồng.

Nguyễn Thị Hương Trần Trung Kiên Nguyễn Thị Hương Trần Trung Kiên
Nguyễn Thị Hương Trần Trung Kiên

Tiếp xúc với các hộ dân đã cho Nguyễn Minh Hải mượn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất làm tài sản thế chấp, hầu hết mọi người khá bức xúc. Vì tin Hải mà các gia đình liên tục bị ngân hàng đòi nợ và áp dụng các biện pháp cưỡng chế, niêm phong, phát mại tài sản để thu hồi nợ. Song, các hộ dân này cũng ý thức được trách nhiệm của mình vì đã nhẹ dạ cả tin đưa tài sản của gia đình ra thế chấp cho người khác vay tiền ngân hàng nên mới ra tình cảnh này.

Tại cơ quan điều tra, bước đầu Nguyễn Minh Hải khai nhận: Toàn bộ số tiền vay được tại phòng giao dịch Đức Trung, Công ty CP TM - CN Thịnh Phát đã trả 4 tỷ đồng nợ thuế nhập khẩu và thuế VAT năm 2008 và trả 5 tỷ đồng tiền nợ một ngân hàng ở Hà Nội, số tiền còn lại nhập quỹ và sử dụng vào hoạt động của Công ty. Để vay được số tiền nói trên, Hải đã nhiều lần "lót tay" cho Trần Trung Kiên tổng cộng 140 triệu đồng, Nguyễn Thị Hương 95 triệu đồng.

Được biết, Công ty CP TM-CN Thịnh Phát do Nguyễn Minh Hải làm giám đốc đã ngừng hoạt động, toàn bộ tài sản của gia đình và công ty đã bán và thế chấp nhưng vẫn còn nợ trên 10 tỷ đồng không có khả năng thanh toán.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast