Ngân hàng Hà Tĩnh cảnh báo chiêu trò “móc túi” thời điểm cuối năm

(Baohatinh.vn) - Cận tết Nguyên đán là thời điểm các đối tượng “tung” nhiều chiêu trò “móc túi” người dân. Để tránh sự vụ đáng tiếc, các tổ chức tín dụng tại Hà Tĩnh đã cảnh báo nhiều chiêu thức tinh vi.

Sáng 27/12/2021, chị H. (phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh) đến ngân hàng Agribank Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh tất toán sổ tiết kiệm 100 triệu đồng.

Chiều cùng ngày, chị lại mang 4 sổ tiết kiệm với tổng trị giá 383 triệu đồng đến “nhà băng” làm thủ tục rút tiền. Trước yêu cầu rút toàn bộ số tiền cùng lúc, cán bộ tín dụng gặng hỏi lý do thì được chị H. tiết lộ: “Chị gái tôi nhắn tin qua tài khoản facebook, rủ mang tiền cho người khác vay để kiếm lời. Chị bảo cứ 10 triệu đồng sẽ được họ trả lãi 1 triệu đồng. Nghe vậy, tôi đã rút 100 triệu đồng gửi qua tài khoản Techcombank cho chị gái để kiếm lời”.

Ngân hàng Hà Tĩnh cảnh báo chiêu trò “móc túi” thời điểm cuối năm

Nhân viên Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh hướng dẫn khách hàng cách thức giao dịch an toàn.

Nghi ngờ khách hàng bị lừa đảo, cán bộ Agribank đã cánh báo cho chị H. các chiêu trò chiếm đoạt tài sản qua mạng và đề nghị chị xác minh lại thông tin.

Tối cùng ngày, chị H. liên lạc được với chị gái thì hay tin tài khoản mạng xã hội của chị gái đã bị kẻ gian “hack”. Vì nhẹ dạ, cả tin, chị H. đã “mất oan” 100 triệu đồng.

Theo lãnh đạo Agribank Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh, thời gian qua, đơn vị đã phát hiện, kịp thời ngăn chặn nhiều vụ lừa đảo, chiếm đoạt tiền của khách hàng, trong đó có những vụ lên đến hàng trăm triệu đồng. Thủ đoạn phổ biến nhất mà các đối tượng sử dụng là: hack tài khoản Facebook, Zalo, tạo nick ảo Facebook để mạo danh người nhà, bạn bè thân thiết hoặc các dịch vụ tặng quà để lừa khách hàng chuyển tiền; giả danh công an để hù dọa khách hàng có liên quan đến các vụ án ma túy; chỉnh sửa hóa đơn chuyển tiền ngân hàng…

Ngân hàng Hà Tĩnh cảnh báo chiêu trò “móc túi” thời điểm cuối năm

Khách hàng đến giao dịch tại Vietcombank Hà Tĩnh.

Thời điểm cận tết Nguyên đán, cán bộ ngân hàng Vietcombank Hà Tĩnh cũng phát hiện, ngăn chặn thành công nhiều vụ lừa đảo chuyển tiền qua mạng.

Mới đây, Vietcombank Hà Tĩnh tiếp nhận thông tin khách hàng ở Cẩm Xuyên nhận được cuộc gọi từ một người xưng là cán bộ ngân hàng Vietcombank. Người này thông báo khách hàng đã trúng thưởng 150 triệu đồng từ một chương trình của ngân hàng, đồng thời yêu cầu cấp số chứng minh thư nhân dân và nộp 10 triệu đồng tiền phí qua điểm giao dịch Viettel để nhận thưởng. Rất may, cán bộ tín dụng đã giải thích cho khách hàng và ngăn chặn thành công vụ lừa đảo.

Tuy nhiên, cũng có những khách hàng “dính bẫy” và “mất tiền oan”. Gần đây nhất, có trường hợp khách hàng bán hàng online sử dụng tài khoản Vietcombank. Đối tượng lừa đảo xưng là khách hàng ở nước ngoài, quyết định mua hàng và trả tiền qua tài khoản. Đối tượng lừa đảo yêu cầu khách hàng xác nhận giao dịch bằng cách truy cập vào link có chứa mã độc và chiếm đoạt gần 10 triệu đồng của khách hàng.

Ngân hàng Hà Tĩnh cảnh báo chiêu trò “móc túi” thời điểm cuối năm

Cận tết Nguyên đán là thời điểm các đối tượng “tung” nhiều chiêu trò “móc túi” người dân.

Trên thực tế, hành vi lừa đảo nhằm đánh cắp tiền từ tài khoản cá nhân đã được Vietcombank thường xuyên cảnh báo. Tuy nhiên, thời điểm tết cận kề, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, mọi giao dịch ưu tiên cho trực tuyến thì loại tội phạm này lại có cơ hội “ngoi lên”.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà – Trưởng phòng Dịch vụ khách hàng Vietcombank Hà Tĩnh cho hay: “Để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng, Vietcombank Hà Tĩnh đẩy mạnh khuyến cáo khách hàng không truy cập vào các đường link lạ ngoài trang web chính thống của Vietcombank; khách hàng không tiết lộ thông tin cá nhân (tên đăng nhập, mật khẩu…) cho bất cứ ai; chỉ đăng nhập qua các thiết bị đáng tin cậy; đăng xuất ngay sau khi kết thúc phiên giao dịch hoặc khi không sử dụng; không nên sử dụng các thông tin cá nhân cơ bản (ngày, tháng, năm sinh, số điện thoại...) đặt mật khẩu; đổi mật khẩu khi nghi ngờ bị lộ…".

Ngân hàng Hà Tĩnh cảnh báo chiêu trò “móc túi” thời điểm cuối năm

HDBank Hà Tĩnh tăng cường cảnh báo khách hàng các hình thức lừa đảo.

Với hơn 10.000 khách hàng thường xuyên giao dịch, HDBank Hà Tĩnh cũng luôn hướng dẫn cách thức giao dịch an toàn.

Ông Nguyễn Xuân Lịch – Phó Giám đốc HDBank Hà Tĩnh cho biết: “Nhiều khách hàng trong hệ thống HDBank đã bị “sập bẫy” lừa đảo. Bởi vậy, chúng tôi khuyến cáo khách hàng không chuyển tiền cho bất cứ ai giả danh là cán bộ ngân hàng, công an, điện lực... (trường hợp chuyển phải xác minh đầy đủ thông tin đối tượng thụ hưởng). Nếu khách hàng nhận được số tiền của người khác chuyển tới tài khoản của mình, cần xác minh đó là nguồn tiền của ai, từ đâu trước khi chuyển trả lại. Ngoài ra, khách hàng chuyển tiền qua tài khoản cần nhập đúng số tài khoản và đối chiếu tên tài khoản để tránh trường hợp chuyển nhầm. Nếu khách hàng chuyển tiền nhầm vào tài khoản lạ cần báo ngay cho ngân hàng để được hỗ trợ xử lý".

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thời gian qua, các đối tượng lừa đảo đã sử dụng nhiều hình thức chiếm đoạt tài sản người dân. Trong đó, những chiêu trò phổ biến như: Đối tượng chuyển một khoản tiền nhỏ vào tài khoản kách hàng, sau đó mạo danh ngân hàng thông báo giao dịch chuyển tiền bị treo và yêu cầu khách hàng truy cập vào đường link trong tin nhắn để tra soát giao dịch… nhằm lừa đảo khách hàng cung cấp thông tin bảo mật của dịch vụ ngân hàng điện tử, sau đó chiếm quyền kiểm soát tài khoản của khách hàng.

Ngân hàng Hà Tĩnh cảnh báo chiêu trò “móc túi” thời điểm cuối năm

Khách hàng giao dịch online cần cẩn trọng, tránh “sập bẫy” các đối tượng lừa đảo.

Trường hợp khác, đối tượng gửi tin nhắn mạo danh thương hiệu ngân hàng để thông báo tài khoản của khách hàng có dấu hiệu hoạt động bất thường và hướng dẫn khách hàng xác nhận thông tin, thay đổi mật khẩu… thông qua truy cập đường link giả mạo gửi kèm trong tin nhắn; qua đó, lừa đảo khách hàng tiết lộ các thông tin bảo mật của dịch vụ ngân hàng điện tử để chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.

Ngoài ra, đối tượng mạo danh nhân viên nhà mạng liên hệ và đề nghị hỗ trợ chuyển đổi sim 3G thành 4G qua điện thoại bằng cách nhắn tin theo cú pháp nhưng thực chất là yêu cầu chuyển đổi sim của đối tượng lừa đảo. Nếu khách hàng làm theo hướng dẫn, đối tượng sẽ chiếm đoạt quyền sử dụng số điện thoại. Trường hợp số điện thoại được khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử và nhận thông tin giao dịch, mã OTP thì có thể gây rủi ro mất tiền trên tài khoản của khách hàng… Do vậy, khách hàng cần trang bị các kỹ năng giao dịch tài chính an toàn; cảnh giác trước những thủ đoạn tội phạm mới để tránh thiệt thòi.

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast