Khai mạc liên hoan dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh lần thứ II – 2013

Tối 17/8, Lễ đón nhận Bằng công nhận Di sản văn hóa cấp Quốc gia và Liên hoan dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh lần thứ II đã khai mạc tại Trung tâm văn hóa điện ảnh Hà Tĩnh.

Tổng biên tập Báo Nhân dân Thuận Hữu, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, Tư lệnh Bộ đội biên phòng Việt Nam Võ Trọng Việt, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Thế Kỷ, Thứ trưởng Bộ VH – TT & DL Vương Duy Biên; đại diện ngân hàng ADB, lãnh đạo 2 tỉnh và 21 CLB dân ca đến từ hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh tham dự lễ khai mạc

Diễn văn khai mạc nhấn mạnh, Nghệ An và Hà Tĩnh là những vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hoá. Vượt lên những khắc nghiệt của thiên nhiên, cư dân Nghệ Tĩnh đã sớm xây dựng đời sống văn hóa tinh thần phong phú, trong đó có làn điệu dân ca ví, giặm. Với ca từ mộc mạc, dung dị, âm điệu thiết tha, sâu lắng dân ca ví giặm phản ánh những cung bậc cảm xúc cũng như cốt cách con người Nghệ Tĩnh. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, dân ca ví giặm đã song hành trong đời sống, là bầu sữa ngọt nuôi dưỡng nên những danh nhân nổi tiếng của quê hương.

Thời gian qua, dân ca ví giặm đã được chính quyền, nhân dân 2 tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh miệt mài bảo tồn và lưu giữ dưới nhiều hình thức, được UNESCO đánh giá cao. Trong thời gian tới, cùng với việc hoàn chỉnh hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại, 2 tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh sẽ tiếp tục việc bảo tồn, lưu giữ và phát huy các giá trị của dân ca ví giặm trong đời sống nhân dân.

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Vương Duy Biên trao Bằng chứng nhận di sản cấp Quốc gia (dân ca ví giặm) cho lãnh đạo 2 tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Vương Duy Biên trao Bằng chứng nhận di sản cấp Quốc gia (dân ca ví giặm) cho lãnh đạo 2 tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ VH–TT & DL Vương Duy Biên đánh giá cao vai trò lịch sử và văn hóa của dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Thứ trưởng cũng biểu dương những nỗ lực bền bỉ trong việc truyền dạy dân ca ví, giặm của nghệ nhân và nhân dân 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, trách nhiệm của lãnh đạo và các nhà chuyên môn 2 tỉnh trong việc bảo tồn và phát huy di sản dân ca ví, giặm.

Thứ trưởng Bộ VH – TT & DL cũng đề nghị nhân dân 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh tiếp tục phát huy những truyền thống tốt đẹp của quê hương Nghệ Tĩnh, chung sức đồng lòng giành được nhiều thành tựu hơn nữa trong các lĩnh vực văn hóa, xã hội, tiếp tục phát huy và bảo tồn, đưa di sản dân ca ví, giặm không chỉ xứng đáng là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia mà còn là di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại.

Ca sỹ Phương Thảo trong một bài hát mang âm hưởng dân ca ví giặm

Ca sỹ Phương Thảo trong một bài hát mang âm hưởng dân ca ví giặm

Tại đêm khai mạc, Thứ trưởng Bộ VH – TT & DL đã trao Bằng chứng nhận di sản văn hóa cấp Quốc gia cho đại diện hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Nhân dịp này, 6 nghệ nhân dân gian tiêu biểu của 2 tỉnh cũng đã được tuyên dương, trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp bảo tồn, phát triển dân ca ví, giặm.

Các nghệ nhân 2 tỉnh nhận kỷ niệm chương

Các nghệ nhân 2 tỉnh nhận kỷ niệm chương

Với chủ đề “Đôi bờ ví, giặm”, thông qua 3 phần: Ca cảnh Đôi bờ sông ví, giặm; Các tiết mục cải biên, phát triển; Mùa trăng sông Lam - sông La, các nghệ nhân, nghệ sỹ và ca sỹ đã đem đến cho khán giả chương trình nghệ thuật đặc sắc.

Liên hoan dân ca ví, giặm xứ Nghệ 2012 sẽ diễn ra đến hết ngày 19/8 với nhiều hoạt động như chương trình biểu diễn của các CLB, chương trình giao lưu tại Tp Hà Tĩnh, Can Lộc, Cẩm Xuyên, Hồng Lĩnh, Hưng Nguyên, Nghi Lộc…

Đây là sự kiện văn hóa nhằm tiếp tục bảo tồn và phát huy các giá trị tiêu biểu của các thể hát và trò diễn xướng dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh; là dịp để các CLB 2 tỉnh gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm tiếp tục đẩy mạnh phong trào hát dân ca ví, giặm trong các tầng lớp nhân dân, các tổ chức đoàn thể, trường học… Liên hoan còn nhằm hướng tới sự kiện UNESCO công nhận dân ca ví, giặm là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Từ 30/5 đến 30/6, Liên hoan Dân ca ví, giặm xứ Nghệ đã diễn ở các cụm với sự tham gia của trên 400 diễn viên với nhiều lứa tuổi. Song song với đó, tại hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh cũng đã diễn ra nhiều hoạt động hoạt động tuyên truyền, cổ vũ về liên hoan; giới thiệu và tôn vinh những giá trị vốn có và giá trị tiêu biểu dân ca xứ Nghệ nhằm đẩy mạnh phong trào xây dựng câu lạc bộ dân ca gắn với xây dựng nông thôn mới; làm cho phong trào nhà nhà hát dân ca, người người biết hát dân ca phát triển rộng khắp, góp phần phát triển kinh tế xã hội.

Ban tổ chức cũng quy định mỗi chương trình dự thi của các CLB có thời gian tối đa 30 phút, trong đó tỷ lệ lời cổ và cải biên là như nhau (50%). Chủ đề các tiết mục dự thi nhằm ca ngợi tình yêu quê hương, con người, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, phản ánh đặc trưng văn hóa tiêu biểu của 2 tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An. Hình thức thể hiện là hát đơn, hát đôi, hoạt ca, hoạt cảnh; Trang phục, đạo cụ phải gắn với nội dung, tính chất của làn điệu, phù hợp với môi trường và không gian diễn xướng

.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast