Mai Thúc Loan (Thế kỷ VIII)

Tên tuổi của vị anh hùng dân tộc Mai Thúc Loan (sau khi xưng đế gọi là Mai Hắc Đế) gắn liền với cuộc khởi nghĩa Hoan Châu chống lại ách đô hộ của nhà Đường hồi thế kỷ thứ VIII.

Tuy tên tuổi của Mai Thúc Loan gắn liền với cuộc khởi nghĩa Hoan Châu, gắn với kinh đô Vạn An (huyện Nam Đàn, Nghệ An) – nơi ông sinh ra, lớn lên, xây dựng căn cứ chống giặc, nhưng mẹ ông là người Mai Phụ, Lộc Hà.

Tương truyền, có một người con gái làm nghề nấu muối, không có chồng mà sinh con. Bị dân làng buộc tội, họ hàng bà con khinh rẻ, quá tủi nhục, bà phải lén ôm con trốn ra vùng Ngàn Hống rồi lưu lạc đến thôn Ngọc Trừng, huyện Nam Đường (nay là huyện Nam Đàn - Nghệ An), được dân làng giúp đỡ cưu mang ngày ngày mò cua bắt ốc, làm thuê cuốc mướn nuôi con khôn lớn, đứa con được đặt tên là Mai Thúc Loan.

Mai Thúc Loan là người thông minh lại có sức khoẻ hơn người nên rất được mến phục. Thời ấy, nhà Đường đang đô hộ nước ta, chúng ra sức vơ vét, bóc lột nhân dân ta. Theo định lệ của Đường Huyền Tông, ngoài các sản vật quý, châu Hoan phải cống nạp các loại quả quý hiếm mà phương Bắc không có như cam, hồng, nhãn và nhất là vải.

Trong một lần Mai Thúc Loan dẫn một đoàn phu gánh vải đi nộp cho bọn quan đô hộ, dọc đường mệt mỏi và quá khát nước nên lấy mấy quả vải ăn cho đỡ khát, liền bị bọn lính áp tải chửi mắng và đánh đập tàn bạo. Nổi bất bình dồn nén bấy lâu nay có dịp bùng phát, hàng trăm phu đoàn đồng loạt xông vào đánh cho bọn lính hoảng loạn bỏ chạy. Mai Thúc Loan kêu gọi đoàn phu không nộp vải cho bọn quan đô hộ nữa, mà quay về làng tìm cách chống cự.

Lúc đầu phong trào kháng chiến chỉ bó hẹp trong mấy làng nhưng khi được biết Mai Thúc Loan làm thủ lĩnh, dân các nơi khác và một số hào kiệt cũng đi theo. Khi đã chuẩn bị đủ điều kiện, Mai Thúc Loan kéo quân đến lỵ sở Châu Hoan đánh đuổi bọn quan lại, giải phóng quê hương mình.

Để định kế lâu dài, Mai Thúc Loan lên ngôi Hoàng đế vào năm 722. Vì ông có nước da ngăm đen nên người ta thường gọi ông là vua Đen họ Mai (Mai Hắc Đế). Uy danh của vua ngày càng lớn lại quy tụ thêm được nhiều hào kiệt nên chẳng bao lâu phong trào khởi nghĩa lan rộng ra khắp Giao Châu. Ông đã cho xây dựng thành Vạn An làm căn cứ địa.

Sau khi xưng đế, Mai Thúc Loan truyền hịch kêu gọi dân chúng đồng lòng đứng dậy lật đổ ách thống trị của nhà Đường. Nghĩa quân ngày càng lớn mạnh làm cho quan quân đô hộ vô cùng hoảng sợ. Khi Mai Hắc Đế kéo quân ra giải phóng thành Tống Bình chỉ đánh vài trận, giặc đã thua to và kéo chạy về nước, toàn lãnh thổ sạch bóng quân thù, các loại tô thuế cống nạp sưu dịch được xoá bỏ, trăm họ yên vui.

Ít lâu sau, nhà Đường đã đem quân phản công chiếm lại thành Tống Bình, Mai Thúc Loan buộc phải rút về thành Vạn An để bảo toàn lực lượng. Nghĩa quân đã anh dũng chống trả nhiều cuộc tấn công của giặc. Khi cuộc chiến đấu đang diễn ra quyết liệt thì nhà vua băng hà, lực lượng nghĩa quân suy yếu dần, mất sức chiến đấu và cuối cùng tan rã.

Triều đình Vạn An của vua Mai chỉ tồn tại trong vòng mười năm nhưng lúc bấy giờ là thời kỳ đỉnh cao của chế độ phong kiến Trung Quốc. Cuộc khởi nghĩa Hoan Châu do Mai Thúc Loan lãnh đạo bùng nổ và giành thắng lợi cho thấy sự khát khao về ý thức độc lập, tự chủ của nhân dân ta. Điều đó thể hiện qua việc Mai Thúc Loan xưng đế và xây dựng một triều đình độc lập nhằm thoát khỏi ách đô hộ của ngoại bang. Việc xưng Đế mà không phải xưng Vương thể hiện thái độ cự tuyệt với ách đô hộ của nhà Đường để xây dựng một chính quyền tự chủ.


Đối tượng: +) Tạo:HocVan+) Duyệt:Duong+) Giữ:Duong Trạng thái: Phó Tổng biên tập Thời gian: +) Tạo:17/08/2009 09:05+) Sửa:20/08/2009 16:39+) Đăng:

Hà Tĩnh Online

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast