Kỳ Đồng xây dựng phố ở trong làng, hướng tới “đô thị xanh”

(Baohatinh.vn) - Là địa bàn đứng chân của trung tâm huyện lỵ Kỳ Anh (Hà Tĩnh), xã Kỳ Đồng đang huy động các nguồn lực để tiếp tục thực hiện các tiêu chí xã NTM nâng cao gắn với đẩy mạnh xây dựng các tiêu chuẩn văn minh đô thị.

Kỳ Đồng xây dựng phố ở trong làng, hướng tới “đô thị xanh”

Một góc khu vườn mẫu của gia đình ông Nguyễn Tiến Kỳ

Là một trong những khu vườn mẫu đã đạt chuẩn của địa phương, sau hơn 2 năm xây dựng, khuôn viên của gia đình ông Nguyễn Tiến Kỳ ở thôn Hồ Vân Giang, xã Kỳ Đồng đang từng ngày hình thành dáng vóc của mô hình “nhà trong vườn, vườn trong nhà”, hướng tới xây dựng “đô thị xanh” mà xã Kỳ Đồng đang tập trung thực hiện.

Với diện tích gần 3.000 m2, sau hơn 2 năm triển khai xây dựng vườn mẫu, vừa sản xuất vừa xây dựng, khu vườn của ông hiện nay đa dạng các loại sản phẩm như: chuối lùn, ổi Thái Lan, mít, hồng xiêm, hoa thiên lý và nhiều loại rau củ quả… Nhờ năng động trong tiếp cận thị trường, các sản phẩm của ông đều được tiêu thụ thường xuyên với thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

Kỳ Đồng xây dựng phố ở trong làng, hướng tới “đô thị xanh”

Chỉ chưa đầy 2 năm tuổi, hàng chục cây ổi của ông Kỳ đã bắt đầu cho thu hoạch

Không chỉ thu nhập cao, khu vườn còn được ông Kỳ quy hoạch, bố trí các loại cây trồng, hệ thống hàng rào xanh, cây cảnh hài hòa, hợp lý, gắn kết với nhau trong một tổng thể đầy sắc xanh; cùng với công trình nhà ở, vừa tạo được sự mới mẻ của không gian đô thị, vừa giữ được nét đẹp truyền thống của làng quê Việt.

Ông Nguyễn Tiến Kỳ phấn khởi chia sẻ: “Thực hiện xây dựng NTM, đô thị văn minh, người dân năng động hơn để sản xuất ra sản phẩm hàng hóa và làm giàu trên chính mảnh vườn của mình. Khi có thu nhập rồi thì phải làm đẹp, đẹp vườn, đẹp nhà để góp phần làm đẹp cho thôn xóm”.

Vườn của ông Kỳ là một trong số hàng chục vườn mẫu và vườn hộ của xã Kỳ Đồng, hiện đang tập trung phát triển theo mô hình “nhà trong vườn, vườn trong nhà”. Đến nay, Kỳ Đồng đã xây dựng được 25 vườn mẫu. Ngoài làm đẹp cho không gian NTM, đô thị văn minh, kinh tế vườn, đặc biệt là các vườn mẫu đã cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Kỳ Đồng xây dựng phố ở trong làng, hướng tới “đô thị xanh”

Chuối là một trong những sản phẩm đặc trưng và cho thu nhập cao, được người dân Kỳ Đồng phát triển mạnh

“Quá trình phát triển kinh tế vườn, với sự hướng dẫn, chỉ đạo của xã, người dân ở đây đã từng bước thay đổi cách nghĩ, cách làm, dần chuyển từ sản xuất manh mún, tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa; đồng thời nâng cao năng lực quảng bá sản phẩm, mở rộng kinh doanh trên nhiều hình thức, kể cả tham gia bán qua mạng, biết nâng cao chất lượng sản phẩm để hình thành thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm…

Ngay trong phát triển sản xuất nông nghiệp, thông qua khâu lưu thông hàng hóa, người dân đang dần biến mình thành những người hoạt động phi nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, Kỳ Đồng đang tập trung chỉ đạo theo hướng này”, ông Võ Tá Cương - Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Đồng cho biết.

Kỳ Đồng xây dựng phố ở trong làng, hướng tới “đô thị xanh”

Những giàn hoa thiên lý vừa tạo bóng mát, làm đẹp cảnh quan và cũng là một nguồn thu đáng kể hằng ngày và quanh năm của nhiều hộ dân Kỳ Đồng.

Kể từ khi trở thành trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của huyện, với sự chuyển động nhanh chóng từ nền kinh tế thuần nông sang xây dựng văn minh đô thị, đội ngũ lao động ở xã Kỳ Đồng cũng có sự chuyển dịch khá nhanh từ lao động nông nghiệp sang lao động phi nông nghiệp. Đến thời điểm này, toàn xã có 1.756 lao động phi nông nghiệp trên tổng số 2.967 lao động, chiếm tỷ lệ 60%.

Nếu như trước khi thành lập huyện mới, Kỳ Đồng chỉ có khoảng 100 hộ tham gia hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ thì nay đã có trên 400 hộ. Tỷ trọng thương mại - dịch vụ đạt trên 43%, công nghiệp, xây dựng đạt 32%. Năm 2019, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 36 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 3,17%.

Kỳ Đồng xây dựng phố ở trong làng, hướng tới “đô thị xanh”

Tốc độ đô thị hóa ở xã Kỳ Đồng được đánh giá là khá nhanh

Từ khi Kỳ Đồng trở thành trung tâm của huyện, riêng thôn Đồng Phú (thôn trung tâm) đã có sự chuyển đổi nhanh chóng về diện mạo; người dân cũng sớm thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm theo hướng cư dân đô thị.

Với 387 hộ dân, từ chỗ trên 80% hộ dân sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp, thì sau 5 năm thành lập huyện mới, thôn đã có trên 200 hộ (đạt trên 50%) tách khỏi sản xuất nông nghiệp, tham gia lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ và làm nghề phụ.

Kỳ Đồng xây dựng phố ở trong làng, hướng tới “đô thị xanh”

Trung tâm hành chính xã Kỳ Đồng

“Thời gian qua, thôn đã tập trung tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách của xã về xây dựng NTM, đô thị văn minh trong Nhân dân. Điều đáng phấn khởi là người dân thích nghi rất nhanh với điều kiện mới; năng động, sáng tạo và nhanh nhạy trong nắm bắt các cơ hội phát triển sản xuất, kinh doanh” - Bí thư Chi bộ thôn Đồng Phú Nguyễn Quang Hào chia sẻ.

Kỳ Đồng xây dựng phố ở trong làng, hướng tới “đô thị xanh”

Hệ thống giao thông Kỳ Đồng đảm bảo yêu cầu kết nối với các vùng trong huyện, trong tỉnh

Với lợi thế được tỉnh phê duyệt quy hoạch chung đô thị mới giai đoạn từ nay đến năm 2035 và Đồ án quy hoạch phân khu trung tâm đô thị Kỳ Đồng, xã đã tập trung huy động các nguồn lực; tranh thủ sự ủng hộ, vào cuộc của Nhân dân để xây dựng, mở rộng hệ thống giao thông đô thị đạt chuẩn, đảm bảo yêu cầu kết nối với các vùng trong huyện, trong tỉnh.

Đến thời điểm này, tỷ lệ đất giao thông trong đô thị so với đất xây dựng đạt 15,2%, đường giao thông có chiều rộng trên 7,5m hiện có 8,2 km…

Kỳ Đồng xây dựng phố ở trong làng, hướng tới “đô thị xanh”

Mương thoát nước được xây dựng ở tất cả các khu dân cư.

Với một nền tảng sản xuất, kinh doanh năng động, hiệu quả, một kết cấu hạ tầng phát triển trên cơ sở quy hoạch mang tầm chiến lược, bền vững, đặc biệt là sự năng động, sáng tạo của người dân, tương lai không xa Kỳ Đồng sẽ là một khu dân cư NTM kiểu mẫu, một đô thị văn minh; xứng tầm là địa phương đứng chân của trung tâm chính trị - kinh tế và văn hóa của huyện mới Kỳ Anh.

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast