Một tình yêu vững bền, một tâm hồn cao đẹp

(Baohatinh.vn) - Thật may mắn khi đúng vào dịp kỷ niệm 55 năm kết nghĩa Hà Tĩnh - Bình Định, tôi được cô bạn Hoài Thu, con dâu người Hà Tĩnh của nữ nhà văn Trần Lệ Thu (quê Tuy Phước, Bình Định) thay mặt tác giả tặng tập nhật ký của mẹ chồng cô viết trong những năm tháng trở về quê hương Bình Định thành lập Đài Phát thanh giải phóng Quân khu V.

Một tình yêu vững bền, một tâm hồn cao đẹp ảnh 1

Bà Trần Lệ Thu là con em Bình Định ra Bắc tập kết sau năm 1954. Gia đình bà lúc đó phải chia đôi, bà theo ba ra miền Bắc, má và các em phải ở lại Bình Định. Trước khi được cử vào Nam công tác, bà là phóng viên, biên tập viên, phó một phòng chuyên môn của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Tình yêu, nỗi nhớ quê hương, gia đình trong bà lại càng mãnh liệt, da diết và thẳm sâu hơn khi trở về, chứng kiến nỗi đau thương tang tóc và sự kiên cường, anh dũng của quê hương. Là một nhà báo, bà đã dũng cảm xông pha chốn lửa đạn, không chút đắn đo, do dự, mặc dầu con trai khi đó mới hơn 5 tuổi.

Trở về quê hương, bàn chân bà đã đặt lên khắp các miền quê của Bình Định, gặp gỡ rất nhiều con người ở nhiều vùng đất. Bằng trái tim đầy yêu thương của một người con với đất mẹ, bằng cái nhìn sắc sảo và nhạy cảm của một nhà báo, với lối viết tự thuật, bà đã ghi lại một cách chân thực và sinh động cuộc sống, chiến đấu của nhân dân Bình Định vào quãng thời gian cuối cùng khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Xen giữa các trang nhật ký là những bài thơ, bức thư bà viết cho ba, cho con, viết về đồng đội, về những vùng đất từng đến, từng đi qua. Từ 300 trang viết ấy toát lên một tình yêu tha thiết, sâu đằm với quê hương, đất nước, bản lĩnh của một nhà báo cách mạng và một tâm hồn cao đẹp của người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng.

Đã là nhật ký, tức là những cảm xúc, suy nghĩ rất riêng của một người, nhưng thời đại chống Mỹ ấy, các nhà báo, nhà thơ đã hòa cái riêng cá nhân vào cái chung của đất nước, dân tộc. Mọi vui buồn, khổ đau, suy nghĩ, hành động, mơ ước, dự định… đều hướng về khát vọng giải phóng dân tộc, đan cài vào niềm vui và nỗi đau của đồng bào, đồng chí. Đúng như tác giả đã tâm sự ở phần cuối sách: “... Cuốn nhật ký này tôi đã cất giữ 40 năm nay, nghĩ nó chỉ là những kỷ niệm buồn vui của riêng mình. Nhưng giờ đây, bỗng nhiên, tôi muốn nó được đến với mọi người, để những sự tích anh hùng của những trái tim đau thương, những tâm hồn cao cả ấy được lấp lánh giữa cuộc đời, được sống mãi với thời gian...”.

Cuốn nhật ký được chia làm 7 phần với các tên gọi: “Đường về”, “Sống ở Trường Sơn”, “Xuống đồng bằng”, “Với quê hương Bình Định”, “Chiến dịch mùa xuân 1975”, “Má về từ nhà lao”, “Hạ cánh xuống sân bay”, được ghi lại theo diễn biến cuộc đời của tác giả bắt đầu từ khi giã từ chồng con để lên đường vào Nam, về lại quê hương Bình Định cho đến ngày đất nước được giải phóng. Nhưng có lẽ tác giả nâng niu, trân trọng nhất và gây nhiều xúc động nhất với người đọc là những trang viết về quê hương Bình Định và người mẹ của mình.

Tôi hình dung gương mặt đầy cảm xúc của nhà báo Lệ Thu qua những dòng tâm sự: Bàn chân ta đã đặt lên mảnh đất quê hương. An Lão đây rồi, Bình Định ơi, quê hương yêu dấu của ta! Trong những ngày tháng ấy, Trần Lệ Thu đã đi khắp các vùng đất: Hoài Nhơn, Hoài Châu, Tam Quan Bắc. Đồi Mười, núi Bà, Tuy Phước, Hoài Thanh, Phù Mỹ, Quy Nhơn, Hoài Ân… Từng tên đất, tên làng, khung cảnh tang tóc được miêu tả; từng chiến công được ghi lại chân thực; từng gương mặt cán bộ, đồng bào, chiến sĩ hiện lên trong những dòng nhật ký với thái độ yêu mến và trân trọng, gợi lên trong tâm tưởng người đọc một Bình Định đau thương, anh dũng mà sáng ngời nhân nghĩa, thủy chung.

Trong những con người mà nhà văn gặp gỡ và ghi lại, câu chuyện tình đầy éo le, trắc trở của chị Bành Thị Ngọc Anh - Ủy viên Thường vụ Thị ủy Quy Nhơn gây ấn tượng sâu sắc, khiến cho những ai đang sống trong mái ấm hạnh phúc, giữa bầu trời hòa bình đều phải soi vào sự mất mát, hy sinh của những đôi lứa trong chiến tranh để sống tốt hơn, đẹp hơn, cao thượng hơn. Nhưng có lẽ ấn tượng nhất và gây xúc động nhất vẫn là những dòng viết về người mẹ của nhà văn.

Tôi kính trọng người mẹ của nhà báo Lệ Thu, như bao người mẹ miền Nam chịu đựng cảnh gia đình chia lìa và nỗi đau thể xác vì bị tra tấn, nỗi đau tâm hồn vì phải cách biệt; gan góc, can trường, không chịu ly khai với chồng con. Lòng tôi rưng rưng khi đọc những dòng tâm sự như xé thịt da của tác giả: Khi đi, Má tiễn cùng một lúc cả hai người - hai mảnh thịt xương và nửa hồn của Má. Má đã chờ đợi Ba suốt hai mươi năm nay, trông ngóng từng giờ... Nỗi mừng gặp lại con là rất lớn, nhưng với Má, có lẽ còn chưa đủ! Má lại còn phải tiếp tục những tháng ngày đơn độc lẻ loi... Khi má chị bị bắt, tác giả quằn quại thốt lên: Nỗi đau lớn nhất của mình bây giờ là việc Má bị bắt ở tù, bị chúng tra tấn, đánh đập tàn bạo. Má ơi! Con có tội to với Má rồi. Biết làm sao mà cứu được Má đây hả trời!

Hào hứng, sôi nổi, gây phấn chấn cho người đọc nhất là phần viết về chiến dịch mùa xuân năm 1975 ở Bình Định. Người đọc háo hức theo dõi diễn biến chiến thắng ở từng vùng quê theo từng trang nhật ký, vui mừng với niềm vui của nhà văn và nhân dân Bình Định. Đặc biệt, đọc kỹ bài diễn văn kỷ niệm mà Trần Lệ Thu chấp bút viết cho đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đương thời đọc trong lễ mít tinh mừng chiến thắng mới thấm hết tình yêu máu thịt của bà với quê hương. Từng dòng, từng chữ, khi thiết tha thâm trầm, khi cháy bỏng yêu thương, khi sôi nổi hào hùng, kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân đóng góp sức mình cho sự nghiệp xây dựng Bình Định giàu mạnh và phát triển.

Khép lại những dòng cuối cùng của cuốn nhật ký, trong tôi, hiện lên gương mặt khả kính của nhà văn, nhà báo Trần Lệ Thu với một tâm hồn cao đẹp, một tình yêu vững bền với quê hương.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast