Quản lý dạy thêm, học thêm (bài 2): Ngành Giáo dục đã ở đâu?

(Baohatinh.vn) - Dạy thêm, học thêm mặc dù đã được Bộ GD&ĐT chỉ đạo cụ thể, song mỗi dịp hè đến, câu chuyện lại làm dư luận bận tâm. Thực tế này cho thấy, công tác quản lý của ngành Giáo dục hoặc là chưa quyết liệt, hoặc là thiếu giải pháp khả thi.

>>Bài 1: “Giáo viên đang dạy thêm nhưng trả lời điện thoại là đi du lịch”...

Cấp phép dạy thêm - sở và phòng không đồng quan điểm

Trước thông tin phóng viên cung cấp về tình hình dạy thêm, học thêm trên địa bàn TP Hà Tĩnh, ông Nguyễn Hữu Nghĩa – Trưởng phòng GD&ĐT thành phố cho hay: “Việc dạy thêm, học thêm đối với bậc tiểu học là cấm; với bậc THCS do phòng cấp giấy phép. Hiện trên địa bàn có 4 trung tâm được cấp giấy phép hoạt động. Phòng đã thực hiện rất nghiêm túc các quy định của tỉnh.

quan ly day them hoc them bai 2 nganh giao duc da o dau

Ảnh minh hoạ từ internet

Các trung tâm cũng hoạt động rất nghiêm túc, tuân thủ Quyết định 2942/QĐ-UBND, ngày 10/10/2012 của UBND tỉnh như: cơ sở vật chất, chương trình dạy, giấy khám sức khỏe giáo viên…”. Trên cơ sở được cấp giấy phép, 4 trung tâm này đang hoạt động và thu hút nhiều học sinh tham gia học thêm. Phòng GD&ĐT thành phố cũng khẳng định, 4 trung tâm được cấp phép hoạt động chỉ trong tháng 7 này.

Mặc dù Phòng GD&ĐT thành phố khẳng định đơn vị đã làm đúng khi cấp phép cho các trung tâm dạy thêm, học thêm, thế nhưng, những người làm công tác giáo dục tại Sở GD&ĐT lại có quan điểm khác. Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Quốc Anh khẳng định: Việc cấp phép dạy thêm, học thêm chỉ diễn ra trong thời gian học chính khóa. Sở đã chỉ đạo không được cấp phép cho tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm trong dịp hè. Nếu vi phạm thì xử phạt hành chính tại chỗ và buộc thôi hoạt động”. Theo lời khẳng định này thì hoạt động dạy thêm, học thêm trong dịp hè là vi phạm. Điều này cho thấy, việc quản lý dạy thêm, học thêm trong dịp hè, giữa sở và phòng GD&ĐT vẫn chưa thống nhất.

Ngành Giáo dục đã thật sự kiểm tra nghiêm túc?

Phó Trưởng phòng Thanh tra Sở GD&ĐT Hồ Sóng Hồng cho hay: Trong thời gian dạy chính khóa, thanh tra sở đã thanh tra, kiểm tra việc tổ chức dạy thêm, học thêm đối với bậc THPT. Kết quả kiểm tra cho thấy, dạy thêm, học thêm ở bậc THPT không có sai phạm.

Về dạy thêm, học thêm trong hè, Phó Trưởng phòng Thanh tra thừa nhận: Đợt này, ngành Giáo dục vừa tập trung cao cho việc tổ chức thi THPT quốc gia nên chưa tiến hành kiểm tra. Hiện tại, sở cũng chưa nhận được những phản ánh liên quan đến dạy thêm, học thêm để tiến hành thanh tra. Việc dạy thêm, học thêm ở bậc THCS, trách nhiệm trước hết thuộc về phòng GD&ĐT. Ông Hồng cũng cho biết, cách đây 2 năm, khi tỉnh chỉ đạo quyết liệt, sở đã thành lập các đoàn kiểm tra vào ban đêm, lập nhiều biên bản vi phạm, nên một thời gian sau đó, tình trạng dạy thêm, học thêm giảm mạnh.

Trở lại với công tác kiểm tra của Sở GD&ĐT thành phố. Trong khi Trưởng phòng GD&ĐT khẳng định, phòng thường xuyên kiểm tra, các trung tâm đều thực hiện đúng quy định...; nhưng khi tiếp xúc với giáo viên – chủ một trong 4 cơ sở được cấp phép thì thực tế lại khác.

Liên hệ cho đứa cháu chuẩn bị lên lớp 7 vào trung tâm học, cô N.T.H - trung tâm dạy thêm tại nhà ở đường Lý Tự Trọng cho hay: “Vào tối thứ 7, em đưa cháu đến nhé. Cô chỉ dạy 1 tuần 1 buổi, từ 7 - 9h tối. Tiền thu thì tùy theo số lượng học sinh, nhưng thấp nhất cũng là 50.000 đồng/buổi”. Cô H. cũng cho hay, “việc học sẽ được tiến hành từ nay đến khi nào vào học chính khóa”.

Như vậy, lời của chủ trung tâm được cấp phép này không giống với khẳng định của lãnh đạo Phòng GD&ĐT thành phố: chỉ tổ chức dạy thêm, học thêm trong tháng 7. Không những thế, hoạt động này trái với chỉ đạo của cấp trên như lời Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Quốc Anh: không được cấp phép cho tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm trong dịp hè.

Ngoài những lỏng lẻo trên, khi khảo sát thực tế, chúng tôi nhận thấy, các trung tâm hầu hết là nhà ở của giáo viên. Các trung tâm mang tiếng là được cấp phép nhưng được chia nhỏ thành nhiều cơ sở (tại nhà giáo viên), có trung tâm lên tới 8 cơ sở, dạy ở 8 nhà giáo viên. Với đánh tráo khái niệm như thế này, việc dạy thêm, học thêm tại “trung tâm” thực chất là… tại nhà riêng.

Từ thực tế trên, câu hỏi đặt ra là: liệu giấy phép có phải là một điều kiện để đưa hoạt động này vào khuôn khổ, nâng cao chất lượng, hay trên thực tế, chỉ là điều kiện để giáo viên an tâm dạy thêm tại nhà vì có “sự bảo hộ” của giấy phép? Một số ý kiến còn cho rằng, từ chủ trương đến cách quản lý, thanh tra, xử phạt... như hiện nay chưa sát thực tế và hiệu quả thấp.

(Còn nữa)

Chủ đề Thi cử - Tuyển sinh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast