Xây dựng hạ tầng - “đòn bẩy” phát triển vùng thượng Kỳ Anh

(Baohatinh.vn) - Tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới (NTM) của vùng thượng Kỳ Anh đã được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương nhìn nhận rõ và đang tích cực phát huy. Tuy nhiên, để phát huy tối đa những tiềm năng, lợi thế này, rất cần những chính sách đặc thù, sự hỗ trợ lớn hơn nữa của Nhà nước, doanh nghiệp trong việc xây dựng hạ tầng KT-XH.

>> Vùng thượng Kỳ Anh “đổi đời” nhờ nông thôn mới!

“Lực bất tòng tâm”?!

Hiệu quả từ các chương trình xây dựng NTM đã làm thay đổi đáng kể đời sống xã hội của người dân vùng thượng Kỳ Anh, thế nhưng, không phải lĩnh vực nào ở công tác này cũng gặp thuận lợi, mà quá trình xây dựng NTM nơi đây vẫn còn những khó khăn nhất định. Điển hình là các tiêu chí liên quan đến hạ tầng như: giao thông, thủy lợi, trường học, chợ nông thôn… trở thành những “thách thức” đối với các xã này.

Bí thư Huyện ủy Kỳ Anh Nguyễn Văn Danh cho rằng, việc đầu tư hạ tầng KT-XH là yếu tố quyết định thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. Đối với các xã vùng thượng Kỳ Anh, do đặc thù vùng rừng núi, đất rộng, phân bố dân cư không tập trung, đời sống người dân còn thấp nên việc huy động nguồn lực tại chỗ (vốn đối ứng của người dân) để xây dựng hạ tầng là rất khó khăn.

xay dung ha tang don bay phat trien vung thuong ky anh

ĐVTN huyện Kỳ Anh ra quân làm đường giao thông nông thôn

Bày tỏ những băn khoăn, lo lắng khi thực hiện các tiêu chí hạ tầng KT-XH trong xây dựng NTM, Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng Vũ Trung Tiến cho biết, hiện địa phương đã cơ bản hoàn thành 9/19 tiêu chí NTM, trong đó có những tiêu chí khó nhưng địa phương đã thực hiện đạt trên 80% như: thu nhập, hình thức tổ chức sản xuất… Tuy nhiên, còn nhiều tiêu chí về hạ tầng, trong đó có giao thông rất khó hoàn thành.

Theo ông Tiến, xã có 1.800 hộ nhưng có tới 74 km đường giao thông (trục thôn, ngõ xóm). Có những đoạn đường trục thôn dài hơn 2 km nhưng chỉ có khoảng 10-15 hộ dân. Nếu tính suất đầu tư trên mỗi người dân (sau khi đã có hỗ trợ xi măng của tỉnh) cũng phải đến hàng chục triệu đồng. “Những năm qua, địa phương đã rất nỗ lực huy động các nguồn hỗ trợ, lồng ghép các chương trình, dự án và huy động sức dân làm được 20 km. Còn khoảng 54 km chưa biết đến bao giờ mới hoàn thành” - ông Tiến bày tỏ trăn trở.

Thực hiện tiêu chí chợ, trường học cũng đang là khó khăn đối với xã Kỳ Lâm. Đến thời điểm này, tiêu chí chợ đã hoàn thành quy hoạch tổng thể và được ngành chuyên môn phê duyệt quy hoạch chi tiết, thiết kế, thẩm định dự án với diện tích đã được quy hoạch gần 10.000 m2. Theo phê duyệt, đây là chợ hạng 3, có tổng mức đầu tư hơn 10 tỷ đồng. Chợ Kỳ Lâm không chỉ phục vụ nhu cầu mua bán hàng ngày cho người dân địa phương mà còn là chợ đầu mối, trung tâm trung chuyển nông sản cho hàng nghìn hộ nông dân vùng thượng Kỳ Anh. Mong muốn về một nơi buôn bán xứng tầm và phát triển ổn định là nhu cầu bức thiết của người dân nơi đây.

Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Lâm Phan Điểu cho biết, mặc dù tỉnh và địa phương đã bỏ ra 3,2 tỷ đồng thực hiện công tác quy hoạch, san lấp, giải phóng mặt bằng, nhưng cũng chỉ mới được một vài hạng mục nhỏ. Hiện đang cần khoảng hơn 7,5 tỷ đồng để hoàn thiện hạng mục chợ chính. Địa phương đang tích cực kêu gọi đầu tư xã hội hóa, nhưng xem ra rất khó khăn.

“Kỳ Lâm là xã nghèo nên việc huy động nguồn lực, đặc biệt là vào đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng là rất khó khăn. Để về đích NTM trong năm 2016, riêng nguồn lực để hoàn thành tiêu chí trường học và chợ cần khoảng 20 tỷ đồng. Nguồn lực này vượt quá khả năng của địa phương. Vì vậy, rất cần sự hỗ trợ ngân sách cấp trên hoặc nguồn đầu tư xã hội hóa” - Bí thư Đảng ủy Phan Điểu chia sẻ.

Kỳ Lạc - xã khó khăn nhất vùng thượng Kỳ Anh nhưng có tiềm năng, lợi thế về sản xuất lúa và cây ăn quả. Tuy nhiên, những tiềm năng, lợi thế đó đã không được phát huy tối đa bởi hệ thống hồ đập thủy lợi của địa phương đang còn những bất cập. Hiện trên địa bàn có đến 5 hồ đập nhưng cứ đến đầu mùa khô là các hồ đập cạn khô đáy. Nguyên nhân do các hồ đập được xây dựng từ lâu, nay đã xuống cấp, hệ thống cống, đập chắn hư hỏng không tích trữ được nước. Hậu quả là nhiều diện tích lúa hè thu và hàng trăm ha cây ăn quả bị “chết khát”. Không chỉ vậy, có đến hơn 200 hộ dân cũng phải gồng mình chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

Cần chính sách đặc thù

Tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế, xây dựng NTM của vùng thượng Kỳ Anh đã được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương nhìn nhận rõ và đang tích cực phát huy. Để phát huy tối đa những tiềm năng, lợi thế này, đang rất cần những chính sách đặc thù, sự hỗ trợ lớn hơn nữa của Nhà nước hoặc “hợp tác công - tư” trong việc xây dựng hạ tầng KT-XH.

xay dung ha tang don bay phat trien vung thuong ky anh

Trồng chè công nghiệp là hướng đi giúp bà con xã Kỳ Thượng thoát nghèo.

Bí thư Huyện ủy Kỳ Anh Nguyễn Văn Danh cho biết, những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ đối với xã miền núi, xã đặc biệt khó khăn (Chương trình 135 - PV) trong đầu tư phát triển KT-XH. Ngoài ra, tỉnh, huyện cũng đã có chính sách hỗ trợ xi măng, tiền mặt để đầu tư xây dựng hạ tầng. Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra, nguồn vốn vẫn còn khiêm tốn, rất khó để các xã hoàn thành các tiêu chí cứng về cơ sở hạ tầng.

Theo Chánh Văn phòng NTM tỉnh Trần Huy Oánh, chính sách hỗ trợ, khuyến khích xây dựng hạ tầng trong NTM của tỉnh đối với các xã miền núi đã được ưu tiên phân bổ nhiều hơn so với xã đồng bằng. Tuy nhiên, con số này đang rất ít ỏi, chỉ đáp ứng được một phần nhỏ so với nhu cầu. Vì vậy, rất cần sự chung tay hỗ trợ của các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng cho các xã miền núi. Có như vậy mới hy vọng rút ngắn khoảng cách giữa miền núi với đồng bằng, đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM cho các xã miền núi.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast