Phát triển kinh tế lâm nghiệp ở Hà Tĩnh: Nhiều cơ hội nhưng không ít thách thức

Với 364 ngàn ha rừng và đất lâm nghiệp, cùng nguồn lao động dồi dào, tỉnh ta có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế lâm nghiệp. Để đạt mục tiêu đến năm 2020, đưa độ che phủ rừng lên 56%, sản lượng khai thác gỗ đạt trên 650 ngàn m3, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 12%, giá trị xuất khẩu đạt 60 - 70 triệu USD thì việc tận dụng, khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế về rừng và đất rừng phải được chú trọng hơn lúc nào hết.

Lợi thế lớn nhất mà chúng ta đang nắm chắc trong tay chính là những năm gần đây, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển lâm nghiệp, chính sách hưởng lợi từ rừng, hỗ trợ đầu tư trồng rừng sản xuất, liên kết đầu tư trồng rừng.

Công ty Cao su Hương Khê khai thác gỗ nguyên liệu từ rừng trồng

Công ty Cao su Hương Khê khai thác gỗ nguyên liệu từ rừng trồng

Để cụ thể hóa các chủ trương đó, tỉnh đã hoàn thành việc rà soát quy hoạch lại 3 loại rừng và công bố Quy hoạch bảo vệ, phát triển rừng giai đoạn 2009 - 2015, định hướng 2020 và Quy hoạch cây trồng - vật nuôi chủ lực; đặc biệt, gần đây nhất là Nghị Quyết 08 - NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Hà Tĩnh giai đoạn 2009 - 2015 và định hướng đến năm 2020, mở ra khuynh hướng, diện mạo phát triển cho ngành nông nghiệp tỉnh nhà, trong đó có kinh tế lâm nghiệp.

Ngoài ra, tỉnh cũng đã có chính sách thu hút các doanh nghiệp, tổ chức đầu tư vào trồng rừng bằng nhiều hình thức khác nhau, nhất là chủ trương liên kết trồng rừng và thu mua nguyên liệu ngày càng phát huy hiệu quả. Sự phát triển nhanh của khoa học công nghệ đã giúp công tác giống cây lâm nghiệp tiếp tục được hoàn thiện, góp phần tăng năng suất, rút ngắn chu kỳ kinh doanh.

Bên cạnh những lợi thế đó, việc phát triển kinh tế lâm nghiệp cũng đang gặp phải những thách thức không nhỏ.

Về khách quan, trước sự biến đổi khí hậu toàn cầu làm cho thời tiết ngày càng khắc nghiệt, thiên tai, hạn hán xảy ra thường xuyên đã gây cản trở lớn trong sản xuất trong đó có kinh tế lâm nghiệp; hiện nay, mặc dù kinh tế thế giới đang dần hồi phục nhưng biến động về giá gỗ và nguyên liệu vẫn chưa chấm dứt đã vô tình ảnh hưởng đến suất đầu tư trồng rừng...

Về chủ quan, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội tỉnh ta còn gặp nhiều khó khăn, vốn đầu tư hạn hẹp, trình độ quản lý và khoa học công nghệ còn nhiều bất cập; cơ sở hạ tầng lâm nghiệp còn yếu nên việc khai thác, tận thu sản phẩm từ rừng gặp nhiều khó khăn (có vùng rừng trồng đã đến tuổi khai thác nhưng vẫn chưa thể tiến hành do chi phí khai thác, vận chuyển lớn hơn giá thành bán sản phẩm); tiến trình hội nhập sâu với kinh tế toàn cầu đã mở ra nhiều cơ hội mới trong kinh doanh lâm nghiệp, song, do khâu chế biến của ta còn yếu (chủ yếu sản xuất nguyên liệu thô, chưa chế biến tinh) nên năng lực cạnh tranh còn thấp.

Chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2009 - 2020 đã xác định, phải chuyển mạnh từ nền kinh tế lâm nghiệp khai thác rừng tự nhiên là chính sang bảo vệ và trồng mới rừng, từ lâm nghiệp nhà nước (lâm nghiệp quốc doanh) sang lâm nghiệp xã hội (lâm nghiệp toàn dân), phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá đi đôi với phát triển bền vững, đảm bảo môi trường.

Theo đó, giải pháp tiên quyết nhất là thực hiện tốt việc quản lý 3 loại rừng một cách đồng bộ từ cấp xã đến cấp tỉnh thông qua việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp các doanh nghiệp quốc doanh theo tinh thần Nghị định 200/2004/NĐ - CP của Chính phủ; củng cố các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng để đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Thứ đến là tiếp tục thực hiện chiến lược xã hội hoá nghề rừng bằng việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân; huy động các tổ chức, thành phần kinh tế và toàn xã hội cùng tham gia bảo vệ, phát triển rừng; tạo môi trường thuận lợi và ưu tiên cho các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh đầu tư vào phát triển rừng sản xuất; đẩy mạnh công tác khuyến lâm, công tác giao đất, khoán rừng cho các hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức kinh tế khác; với những diện tích rừng tự nhiên là rừng sản xuất nghèo và nghèo kiệt do các chủ rừng Nhà nước quản lý nhưng không có năng lực tài chính để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh thì cho các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đấu giá, thuê để sản xuất kinh doanh.

Đối với việc khai thác và chế biến rừng, cần xây dựng phương án điều chế rừng cho từng giai đoạn, khai thác hợp lý gỗ rừng tự nhiên đảm bảo chu kỳ kinh doanh gắn với đẩy mạnh khai thác rừng trồng là rừng sản xuất theo nguyên tắc khai thác đến đâu trồng lại đến đó; sắp xếp, điều chỉnh để ổn định mạng lưới các cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn, ưu tiên phát triển theo hướng chế biến tinh, sâu; đẩy mạnh chế biến nguyên liệu rừng trồng như: nhựa thông, mủ cao su, dầu trầm, đồng thời quan tâm chế biến, sản xuất các sản phẩm từ lâm sản phi gỗ khác như song mây, các loại cây dược liệu...

Về khoa học công nghệ và công tác giống, cần lập kế hoạch đào tạo, đào tạo lại cán bộ kỹ thuật để tiếp nhận công nghệ tiên tiến, ứng dụng KHKT vào sản xuất; tăng cường tập huấn nâng cao nhận thức cho người dân trong việc tham gia trồng, bảo vệ và chăm sóc rừng; cơ cấu cây trồng hợp lý, trong đó cân đối giữa cây công nghiệp dài ngày (cao su) với cây nguyên liệu chu kỳ ngắn (keo, bạch đàn) để vừa thích nghi với điều kiện đất đai vừa đảm bảo môi trường sinh thái; đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất giống chất lượng cao theo công nghệ mô, hom với một số loài cây bản địa có giá trị kinh tế cao, đồng thời tuân thủ chuỗi hành trình quản lý giống cây trồng lâm nghiệp đảm bảo nguồn gốc, chất lượng.

Một giải pháp không kém phần quan trọng nữa là tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng lâm nghiệp trên cơ sở thu hút các tổ chức trong và ngoài nước, lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư để từng bước hoàn thiện hệ thống đường giao thông lâm nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong vận xuất, tập kết, vận chuyển sản phẩm từ rừng đến nơi tiêu thụ, giảm chi phí khai thác, tăng giá thành thu nhập cho người dân.

Ngoài ra, trong quá trình tổ chức sản xuất, cần tạo mối quan hệ gắn bó mật thiết từ khâu trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo ra thị trường hàng hoá ổn định để người dân an tâm sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập đồng thời đáp ứng được mục tiêu phát triển kinh tế của ngành lâm nghiệp tỉnh nhà.

Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast