Phong ba Trường Sa

- Ôi! Thằng Đạt nhà mình kìa. Trời... Trời ơi... Nó biết nhảy đầm ông ạ. Đấy đấy! Nó nhảy kìa ông.

Mẹ của Đạt reo cuống cuồng. Bà gần như hét toáng lên trong nhà, khiến Thương và bé Minh - em gái của Đạt không nhịn được cười.

- Bà! Bà ồn quá đi. Để yên xem nào - Bố Đạt nhắc, cố ghìm cơn phấn khích của vợ.

Nhưng cũng chỉ được vài giây. Bởi hễ cứ đến cảnh có Đạt trên màn hình tivi là bà lại la lên:

- Đấy nó kia kìa. Cái lưng, cái lưng của nó đấy.

Lính trẻ trên Song Tử Tây (Quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa)
Lính trẻ trên Song Tử Tây (Quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa)

Lúc này, tivi đang phát phóng sự về chuyến đi của đoàn đại biểu thành phố Hồ Chí Minh vừa ra thăm quần đảo Trường Sa. Trên màn hình là cảnh liên hoan quân dân ở đảo Nam Yết diễn ra sau đêm biểu diễn văn nghệ phục vụ bộ đội. Ánh sáng tuy chưa “đầy” nhưng khung cảnh thì thật đẹp và sống động. Bên cột mốc chủ quyền, các chiến sĩ trẻ nhảy múa với các diễn viên văn công quân đội. Nhạc trỗi lên bài hát Biển và mùa hè theo điệu Chachacha sôi động. Cái chất nhạc được sinh ra từ vùng đất nằm dọc theo bờ biển phía tây của bắc Mỹ này quả là phù hợp cho điệu múa tươi vui, khỏe khoắn với một chút láu lỉnh và nghịch ngợm của trai trẻ.

Đúng như mẹ Đạt thắc mắc “Chúng học từ khi nào mà nhảy giỏi thế nhỉ”, bốn chiến sĩ trong đó có Đạt đang nhịp nhàng, khoáng hoạt di chuyển theo ba bước nhanh, hai bước chậm khá điệu nghệ. Xung quanh là các gương mặt hân hoan cùng những nhịp vỗ tay tưởng chừng át cả tiếng sóng biển. Màn múa thu hút cả ông chủ tịch Mặt trận tổ quốc thành phố và mấy vị đại biểu già quận huyện. Các ông đứng giữa sân khấu cùng vỗ tay hòa nhịp, nhún nhảy ngẫu hứng theo điệu nhạc, khuôn mặt nhiệt thành, pha chút ngô nghê trông thật dễ thương.

Mười phút trôi qua thật nhanh. Tivi đã chuyển sang chương trình khác mà không khí vui vẻ phấn khích trong gia đình bố mẹ Đạt vẫn như còn nguyên vẹn.

- Đêm liên hoan vui quá nhỉ. Thế bộ đội cũng cho nhảy đầm hả cháu? - Mẹ của Đạt hỏi.

- Đấy không phải là nhảy đầm mà là múa tập thể - Bố của Đạt giải thích.

- Thế thời của ông có khi nào múa tập thể thế này không?

- Không... đánh nhau ngày đêm còn thì giờ đâu mà nhảy - Bố Đạt cười giải thích - Mới lại thời tôi khác. Thế mà bà cũng hỏi - Cố tỏ ra nghiêm túc nhưng cũng như bà, ông không giấu được vẻ thích thú.

- Mà thằng Đạt này nó học nhảy lúc nào nhỉ. Nó nhảy giỏi đấy chứ phải không cháu?

Mẹ Đạt lại hỏi Thương. Chưa kịp nghe câu trả lời, bà đã quay sang chồng: “À, phải rồi, để tôi điện cho thằng Đạt cái”.

- Chiều bà vừa điện rồi, giờ còn gọi gì nữa - Bố Đạt can. Nghe lời ông, mẹ Đạt đành thôi, nhưng gương mặt vẫn rạng ngời hạnh phúc.

- Mà bà nên cảm ơn cháu Thương này mới phải này.

Câu chuyện của bố mẹ Đạt khiến Thương vui lây.

*

* *

Thương là phóng viên truyền hình vừa theo đoàn đại biểu dân chính đảng, đoàn thể thành phố Hồ Chí Minh ra thăm quần đảo Trường Sa. Đoạn phóng sự này là của cô và đồng nghiệp làm trong chuyến đi này. Thương mới từ quần đảo trở về cách đây hai ngày. Hai ngày cho hàng núi công việc dồn dập. Bên cạnh nhiệm vụ chính hoàn thành gấp phóng sự về Trường Sa là giặt giũ áo quần, “tu sửa nhan sắc”, sắp đặt lại công việc sau nửa tháng đi xa và tranh thủ mang quà của Đạt gửi cho bố mẹ. Tất cả được thực hiện với tâm trạng đầy háo hức.

Dường như dư âm của chuyến đi vẫn còn nguyên trong cô, dù lúc này trong đầu Thương vẫn còn nao nao chống chếnh bởi triệu chứng say đất. Các chiến sĩ hải quân bảo, say đất thực ra là say biển. Cái bản năng điều chỉnh cơ thể được vận dụng để thích nghi với những ngày lênh đênh trên sóng đã xáo trộn trong máu huyết thành quán tính, đến khi lên bờ rồi mà mấy ngày sau vẫn chống chếnh. Nhưng kể ra như thế cũng hay, tổ phóng viên của Thương đã được làm những thước phim hậu kỳ với một tâm trạng hiếm có, trong ngây ngây say đất và xôn xao nhớ đảo. Vì thế, trong dư âm cảm xúc ấy, cô và đồng nghiệp quay phim lao vào dựng phim.

Có thể nói, chưa một chuyến đi nào lại cho tổ làm phim của Thương có được tư liệu đầy đặn phong phú như lần này. Nó đủ thời lượng đáp ứng chương trình thời sự và dư tư liệu lưu trong “tủ lạnh” để dành cho những thước phim chuyên đề dài hơi sau này. Đoạn phim hôm nay chính là phóng sự ngắn được phát trước cho kịp kỷ niệm ba mươi tám năm ngày giải phóng Trường Sa và giải phóng thành phố Hồ Chí Minh. Phần kết của phóng sự là đoạn quay cảnh liên hoan quân dân trong đó có hình ảnh của Lê Dũng Đạt cùng đồng đội trên “sàn diễn”. Chiều nay, khi biết chắc lịch phát sóng chương trình thời sự buổi tối sẽ chiếu phóng sự này, Thương đã điện thoại đến mẹ của Đạt rồi gọi ra đảo báo tin cho cậu ấy. Rồi cô đến cùng ngồi xem với gia đình theo lời mời của bố mẹ Đạt.

Thương gặp Đạt trong ngày thứ tám của cuộc hành trình khi đến đảo Nam Yết, một hòn đảo nổi xanh um màu lá cây bàng vuông và rực rỡ sắc hoa từ các “công trình thanh niên” của bộ đội.

Tại đây đoàn được nghỉ lại hẳn một ngày đêm để củng cố đội hình và “dưỡng sức dân” theo cách nói vui của ban tổ chức, trước khi tiếp tục hải trình. Về phía “chủ”, trừ công tác cảnh giới, trực chiến, bộ đội cũng được nghỉ cả ngày để tiếp khách quý. Ngay từ phút đầu gặp Đạt, Thương có đủ mọi tiêu chuẩn là “đàn chị” bởi cô hơn hẳn Đạt những năm tuổi. Tuy vào truyền hình mới chỉ bốn năm, nhưng nhờ xông xáo lên rừng xuống biển, lăn lộn vùng sâu vùng xa, nên chỉ trong một thời gian ngắn Thương đã nhanh chóng được xếp chung hàng với những phóng viên giỏi nghề của đài. Song, khi chưa biết những điều ấy, Đạt dám gọi cô bằng bạn xưng tôi.

Sau này khi đã chị chị, em em thân tình Đạt mới bảo, tại lúc mới gặp, Thương chỉ như một cô gái cỡ hơn tuổi teen một chút và hơn thế, cái cách “thâm nhập thực tế” khéo léo đầy cảm xúc, không phân biệt được đâu là tác nghiệp, đâu sự chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn của bộ đội trên đảo “nên chẳng biết đâu mà lần”... Thực ra có một nguyên nhân mang thuộc tính tự nhiên đã khiến Thương vừa nhìn thấy Đạt là đã “mê” ngay. Đó là nhà Thương chỉ có ba chị em. Mặc nhiên, cái gia đình “hai gái, một nữ” ấy, cả bố mẹ và con cái sẽ rất dễ... khuynh nam. Chính cái tình cảnh đặc trưng ấy là cái cớ tự nhiên gắn bó họ như hai chị em ruột. Thương coi Đạt như đứa em trai giỏi giang, đáng tự hào của mình.

Về phía Đạt, anh xứng đáng là cậu em của bà chị hoa hậu làng báo chí thành phố. Đẹp trai, khoẻ mạnh, Đạt sở hữu chiều cao một mét bảy tư, khuôn mặt thanh tú, ẩn dưới làn da rám nắng là vệt chân râu xanh, cung cách nói năng rành rẽ, có sức thuyết phục, âm hưởng trầm bổng, tự nhiên. Tất cả những cái ấy khiến ở Đạt toát lên một phong thái hấp dẫn chân thật, nhưng lại ẩn giấu điều gì đó thôi thúc sự tò mò từ phía “đối tác”. Phải nửa tiếng sau tiếp xúc, Thương mới nhận ra rằng ở Đạt đan xen giữa sự mạnh mẽ, một chút “ngựa chứng” với phong cách thư sinh, tinh tế. Vậy mà khi mới gặp, nhìn khuôn mặt Đạt, Thương lại chỉ nghĩ được điều vớ vẩn: “Cậu trai này, mai kia trổ giò đầy đủ chắc sẽ phải tốn dao cạo râu”. Hơn thế, chính với ưu điểm vượt trội của Đạt đã khiến Thương khi ấy còn trộm nghĩ, nếu mình mà cùng trang lứa, mình sẽ chọn và chinh phục bằng được anh chàng này. Một người như Đạt chắc chắn sẽ dễ gây ra tia chớp và tiếng sét ái tình cho nhiều cô gái...

...Vậy là suốt một ngày ở đảo hôm đó, ngoài thời gian thâm nhập, tác nghiệp, Thương tranh thủ mọi dịp để gặp Đạt. Cái đặc điểm và thành tích ở tiểu đội của Đạt cũng tạo điều kiện cho chị em họ có cái cớ được ưu tiên gặp nhau. Cô phóng viên truyền hình thành phố Hồ Chí Minh gặp chiến sĩ đồng hương đạt một trăm phần trăm chiến sĩ bắn giỏi cả ba loại vũ khí. Giải thích cái nguyên cớ đầu tiên, Đạt khoe: “Thanh niên thành phố mình gặp được đợt nhập ngũ, ra quần đảo Trường Sa là rất hiếm. Nó giống như được vào học ở trường điểm trái tuyến ấy. May mắn lắm”. Còn về thành tích của tiểu đội thì “không phải là hiếm”. Chả là theo yêu cầu của nhiệm vụ luyện tập và sẵn sàng chiến đấu trên quần đảo, tất cả các chiến sĩ đều phải sử dụng thành thạo ba loại vũ khí bắn đạn nhọn và hỏa lực. Ở đảo này là một trăm phần trăm đạt điểm xạ kích khá, giỏi trong đó giỏi chiếm tới sáu mươi phần trăm.

Trong những phút trò chuyện riêng tư hiếm hoi, Thương mới phát hiện cậu em của mình có một tâm sự... không kém phần éo le. Hơn một năm trước, Đạt nộp đơn thi vào đại học công nghệ thông tin. Đạt tin mình sẽ thắng trong cuộc vượt vũ môn ấy nên chỉ đăng ký duy nhất một nguyện vọng. 23,5 điểm, tưởng đã chắc ăn, ai dè năm đó điểm sàn của ngành cao chót vót, những 25 điểm. Không có con đường nào khác, Đạt đành chờ, nuôi chí thi đại học năm sau. Trong khoảng thời gian nhàn rỗi này, Đạt luyện thi đại học cho cô học sinh lớp 12 nhà kế bên. Được hơn nửa năm, bỗng nghe phong thanh sắp có đợt tuyển nghĩa vụ quân sự phục vụ ở quần đảo Trường Sa, Đạt nổi máu đăng ký đi bộ đội. Bốn tháng sau khi đặt chân lên đảo Nam Yết thì cũng là lúc người yêu của Đạt, chính cô bé hàng xóm nhí nhảnh, xinh đẹp ấy đỗ đại học công nghệ thông tin. Những ngày luyện thi cho cô hàng xóm “cách nhau chỉ giậu mồng tơi” cùng chí hướng mà vốn từ nhỏ thân thiết gần gũi như em gái đã khiến họ yêu nhau lúc nào không hay.

- Đúng ra thì em thích cô bé ấy từ... trước nữa cơ - Đạt cười, thú nhận - Và chuyện ấy cũng không lọt nổi mắt mẹ em. Năm cô bé ấy học lớp 12, hình như “cao độ” hay sao đó mà mẹ em phải lên tiếng cảnh báo “để yên cho nó học”.

- Vì thế mới đi bộ đội?

- Không. Em là con nhà binh mà, hình như có cái máu, chị ạ - Đạt nói vẻ tự hào. Rồi với cái giọng diễn cảm pha chút hóm hỉnh, Đạt kể về bố mình hệt như thuật lại một cuốn phim sinh động.

Bố của Đạt là lính “Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Vào bộ đội chưa qua hết thời gian huấn luyện đội ngũ và xạ kích, ông đã hòa vào đoàn quân thần tốc đánh thẳng vào tuyến tử thủ của địch ở Xuân Lộc. Đến ngã ba Biên Hoà, Quốc lộ 1 cánh quân chia làm hai mũi, một lao xuống Vũng Tàu, một vượt qua cầu Rạch Chiếc, tiến vào giải phóng Sài Gòn. Ông nằm trong mũi đột phá thứ hai.

Hết cuộc chiến, ông vẫn ở hàng tân binh, vẫn “bộ ria lún phún măng tơ”, nhưng nghiễm nhiên đã là lính trận mạc, dày dạn sương gió, quần áo khét mùi thuốc súng. Ngay sau đó, ông lại xung vào các chiến dịch ở biên giới Tây Nam, đuổi giặc Pôn Pốt, giúp bạn thoát họa diệt chủng... Say sưa binh nghiệp và làm nhiệm vụ quốc tế, mãi gần bốn mươi tuổi ông mới lấy vợ và liền đó cho ra hai đứa, Đạt và em gái Hoàng An Minh. Sau gần bốn mươi năm quân ngũ, ông về hưu với quân hàm đại tá. Hiện ông bà có được một căn nhà vườn gần hai trăm mét vuông ở quận mới mở...

Nhưng riêng mối tình của Đạt thì lại không có hậu. Đùng một cái, cách đây hai tháng, Đạt tuyên bố cắt đứt với cô bé hàng xóm. Đang yên đang lành, không cãi vã, không xung khắc, chỉ đơn giản là không nên làm chậm tiến trình cuộc đời của “người ta” mà thôi.

- Hơn một năm nữa em về. Thêm một năm sau thi đại học. Mặc nhiên, em chậm hơn cô bé ấy ba năm. Cô ấy sẽ không phải giúp đỡ gì em trong thời gian học đại học, nhưng như thế có nghĩa là em sẽ làm chậm tiến trình cuộc đời của cô ấy ba năm. Những ba năm. Chị tính đi.

Sao lại phải tính? Nghe chuyện ấy, Thương gần như giãy nảy. Rồi cô dùng mọi lý lẽ phân tích những mong hòa giải mối tình “đâu có gì ngang trái” của Đạt.

- Cô ấy học đại học trước em, rồi chờ thì có sao. Mẹ em đấy. Mẹ cũng chờ bố đi đánh giặc đấy thôi - Thương cố vớt vát.

Đạt im lặng hồi lâu, cuối cùng nói:

- Khó giải thích lắm chị à. Ngày nào cô ấy cũng gọi cho em. Em cũng day dứt lắm. Thôi kệ. Em không lý tưởng hóa đâu. Nhưng em yêu biển, em yêu Trường Sa. Bấy nhiêu cũng đủ em dành trọn vẹn... Cứ thế đã.

Minh họa: Đỗ Dũng
Minh họa: Đỗ Dũng

Biết là Đạt bao biện, nhưng kết luận bất ngờ ấy đã làm cho Thương không biết nói gì. Một tình thương khó tả trào lên trong cô. Thương nhìn Đạt đầy thương cảm. Liệu có phải trong cậu em này đang có một cơn bão lòng?

Chẳng biết có cơn bão lòng nào trong Đạt không nhưng có một cơn lốc biển ập vào đảo đêm đó, ngay khi bộ đội chuẩn bị “tắt đèn đi ngủ”. Nó đến bất ngờ, thần tốc và chỉ được báo trước sau một hai phút im lặng rợn người. Sóng biển đang ầm ì, gió đang rào rạt bỗng lặng yên. Nhưng nó có vẻ không bất ngờ đối với cán bộ chiến sĩ trên đảo, bởi ngay khi ấy bộ đội đã ở các vị trí ứng phó. Tất cả đều được diễn ra với những hoạt động thuần thục, bình tĩnh, chỉ duy nhất có tiếng loa pin của cán bộ chỉ huy dội lên một phút với lệnh phân công thực hiện cùng một lúc hai nhiệm vụ cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu và chống bão. Sự việc tiếp theo diễn ra hệt như trong một bộ phim thần thoại pha lẫn giữa cõi thực và ảo, khiến Thương và đồng nghiệp hiểu ngay rằng trong cả đời làm báo dù được trải nghiệm bao nhiêu điều mới mẻ, họ cũng sẽ không bao giờ có dịp được chứng kiến một điều kỳ lạ như thế này.

Gió và mưa khốc liệt ập đến cùng một lúc. Ngay phút đầu tiên một đợt sóng cuồng nộ đã chồm lên “Đường Thanh niên” nằm gần trung tâm đảo. Nó lập tức cuốn trôi mấy dãy sam trồng ven đường, thứ cây vừa làm diềm cảnh, vừa làm rau cho bữa ăn. Bộ đội ào ra bê từng khay rau, từng chậu cây vào khu vực được dựng sẵn để che chắn nước biển. Có tới năm sáu chiến sĩ đang quần thảo xoay quanh cây bàng vuông cổ thụ bốn nhánh được bộ đội trên đảo đặt tên “cụ bàng vuông”. Sau đợt cuồng phong khai mào là gió quẩn giằng giật tứ bề, mang theo nước biển, nước mưa quất lên ngọn cây, quất rát mặt. Bộ đội ở phắp nơi, mỗi người một việc ứng cứu, không căng thẳng, không hò hét. Dường như cơn giận dữ của biển cả này đã nằm trong các tình huống được dự liệu và luyện tập thuần thục trước đó...

Riêng với Thương và đồng nghiệp, trận cuồng phong đã trở thành khoảnh khắc hiếm có cho những thước phim tư liệu. Họ gần như có mặt ngay từ phút đầu tiên. Không cần chân máy, bạn của Thương lao ngay ra hiện trường. Thương bám sát từng bước. Không thể cầm ô che mưa gió, cô phải dùng hai chiếc mũ bộ đội che ống kính máy quay, đồng thời bật micro, thực hiện tường thuật tại chỗ. Hình ảnh đẹp của tổ phóng viên truyền hình như nguồn động viên khách trên đảo. Từ vị trí của người chứng kiến, họ nhanh chóng nhào ra tham gia cùng bộ đội chống bão. Một cuộc “hợp đồng tác chiến” ngẫu hứng của tình quân dân. Các vị khách với nhiều trải nghiệm đã nhanh chóng thoát khỏi sự lóng ngóng tìm những việc hữu ích để không làm quẩn chân bộ đội...

Cơn lốc điên cuồng bất ngờ ập đến và cũng bất ngờ biến mất sau khoảng hai mươi phút. Nhưng chỉ ngần đó thôi, với cường độ khốc liệt như chưa hề có ở nơi nào trên địa cầu, nó đã gieo họa cho “thảm thực vật” của đảo, làm đổ cây, gãy cành, hầu hết rau xanh bị nhiễm mặn khiến bộ đội phải mất cả tuần sau mới khắc phục được.

Phần còn lại của đêm, Đạt và nhóm chiến sĩ trẻ được chỉ huy đại đội cho một ưu tiên ngoại lệ, họ được ngồi với cô phóng viên truyền hình “đến lúc nào buồn ngủ thì thôi”. Biển sau cơn lốc đẹp một cách lạ thường. Sóng yên ả, dặt dìu như vô can với cơn gầm thét trước đó. Vòm trời như rộng mở, có thể cảm nhận được khoảng không xanh trong còn ngàn sao, ngàn sao thì như sà xuống thấp, chỉ với tay là có thể chạm vào được. Cơn lốc đã đưa họ trở về với quá khứ của đảo với lớp bộ đội đàn anh. Đạt và các bạn thay nhau kể.

Quần đảo Trường Sa, vẫn một vùng biển quanh năm dông bão, nắng như đổ lửa, nhưng cảnh vật ở đây thì đã thay đổi rất nhiều. Cuộc thi đua với nội dung “Mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường” đã khoác lên đảo bộ mặt tươi mới, đảm bảo sức khỏe, tạo niềm hưng phấn cho bộ đội trong luyện tập, sẵn sàng chiến đấu ở vùng biển đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

Ở quần đảo Trường Sa, nước - rau - thư nhà và văn công được xem là “tứ quý”. Bây giờ cũng vẫn vậy nhưng về định lượng tiêu chuẩn thì đã có những cải thiện đáng kể. Hệ thống doanh trại, phòng thủ ở đây đã được xây mới, khang trang, kiên cố; nhà ở đúc bê tông, trần cao thoáng mát. Các hầm chứa nước xây cố định, giúp cho các đảo nổi tích thêm nước mưa, đảo chìm trữ nước tiếp tế, đủ dùng cho cả năm. Bờ kè cải tiến, có độ vát cánh cung phía ngoài “hắt trả sóng về biển” và giữ được nước mưa, làm ngọt hóa cho nền đất trên đảo.

Dạo ấy, cách đây hơn chục năm, tiêu chuẩn nước sinh hoạt ở tất cả các đảo là mỗi người bốn lít một ngày. Bốn lít cho một chu trình rửa mặt, đánh răng, nấu cơm, đun nước, tắm và tưới rau. Bây giờ ở đảo nổi đã có nước đủ “dội ào ào”, còn đảo chìm tăng lên một ngày mỗi người được mười lăm lít nước. Riêng về rau xanh thì đã có một cuộc cách mạng ngoạn mục. Không còn tình trạng rau muống độc canh, rất nhiều giống rau khác như cải xanh, bí đao, rau dền, mồng tơi, rau sam được trồng “xen canh”, đã giúp bộ đội chia tay với nồi canh mây, chỉ với vài cọng rau xắt khúc, nấu cốt cho xanh nước. Khoản quý thứ ba là thư nhà thì giờ đây là một năm bốn năm lần thư, sách báo. Dạo ấy, thư chỉ theo tàu ra Trường Sa một năm hai lần, tháng tư và giáp Tết. Bộ đội đọc được tin “ở nhà bố mẹ vẫn khoẻ” là tình trạng các cụ đã cách đấy hơn sáu tháng. Văn công cũng vậy, hết đoàn này đến đoàn khác, trừ tháng mười hai mùa gió lớn. Nhưng bây giờ thì khác rồi, mạng của Viettel phủ sóng, cánh lính trẻ thoải mái gọi điện về tám với người yêu.

- So với lớp đàn anh trước ở đảo, bọn em bây giờ là sướng nhất rồi - Một đồng đội của Đạt kết luận.

- Này! Chị hỏi thật nhé. Thế so với lớp bộ đội Cụ Hồ thời trước các em giống và khác ở điểm gì?

- Á à... Đây là câu hỏi cho nghiệp vụ của bà chị rồi - Đạt reo lên, đùa - Nhưng thôi được, để em trả lời cho. Đơn giản thế này thôi. Thời bố em chẳng hạn, hễ cứ thấy bóng đen đối phương nhô lên là bắn. Còn em, bọn em thì tức như bò đá, nhưng vẫn cứ phải cân nhắc và chấp hành giữa nguyên tắc kiên quyết bảo vệ chủ quyền với “giữ hòa khí chung trong khu vực”. Không thế thì bọn em chỉ nhích vài zem là mũi tàu của phía khiêu khích tan tành... Cuộc đời của bố em là đâu có giặc thì ta cứ đi, và các cụ từng ước “chỉ cần hoà bình ăn muối cũng sướng”. Còn chúng em, hết nghĩa vụ, trở về nhà chúng em sẽ làm gì... phải tính. Đó! Đó là những cái giống nhau và khác nhau.

Đoạn cuối cái “điều đơn giản” của Đạt bỗng đưa cả nhóm rơi vào tư lự. Họ cùng cười buồn. Còn Thương, nó cũng đã khiến cô suy nghĩ đến tận giờ...

Mặt trời ló rạng, khách lưu luyến rời đảo. Phút chia tay Đạt tặng cô chị và nhờ chuyển cho bố mẹ món quà nghèo, đặc trưng của đảo.

- Cơn lốc đêm qua làm cụ bàng vuông bị thương nhưng không nguy hiểm đến tính mạng - Đạt cười, đùa - Bọn em đã phun nước mưa rửa mặn trên tán lá, nhưng còn quả của cụ thì phải “thu hoạch” sớm nên không được già lắm.

Cầm mấy quả bàng vuông, Thương suýt khóc. Cô phải chuyển suy nghĩ sang cây bàng vuông để cầm nước mắt... Phải rồi, cây bàng vuông gần hai người ôm ngự giữa đảo, có bốn nhánh được bộ đội đồ rằng tuổi thọ cỡ gần hai trăm năm và được trồng từ thời các cụ, đã khiến Thương phải tìm đọc “Châu bản triều Nguyễn”, Dụ ngày 18-7 Minh Mạng 16 (1835): “Chuyến đi Trường Sa, Vạn lý Hoàng Sa trồng cây, vẽ hoạ đồ lần này công vụ hoàn tất. Các tên hướng dẫn hải trình Võ Văn Hùng, Phạm Văn Sanh thưởng mỗi tên một tiểu “phi long ngân tiền”. Binh thợ dân phu hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, đi theo thưởng mỗi tên một quan tiền. Riêng cai đội Phạm Văn Nguyên trên đường công hồi đã trì hoãn, có chỉ giao bộ Công trị tội. Các tên giám thành Trần Văn Vân, Nguyễn Văn Tiện, Nguyễn Văn Hoằng vẽ họa đồ Trường Sa chưa hoàn tất, phạt mỗi tên 80 trượng”.

Vậy đấy, quá khứ và hiện tại hoà quyện để làm dày thêm trang sử truyền thống bảo vệ tổ quốc. Thương thích thú với liên tưởng này, nhất là khi thấy nó hiện diện ngay trong căn nhà của bố mẹ Đạt. Mấy lần ghé lại đây, Thương đều bị hút ngay từ phút đầu bởi ba quả bàng vuông còn xanh vỏ, đặt trang trọng trên kệ sách, bên chiếc bi đông Liên Xô của bố Đạt được khắc chi chít những địa danh mà ông đã đi qua thời chiến trận...

*

* *

Từ nhà Đạt ra, Thương gọi ngay cho cậu em ngoài đảo. Tám giờ tối, đang là lúc bộ đội trên đảo được “nghỉ tự do” và hôm nay cũng không phải là lịch dạy vi tính và Anh văn của Đạt. Vừa lúc sóng được nối, Thương chưa kịp lên tiếng thì đã nghe giọng quen thuộc:

- May quá. Chị gọi đúng lúc. Em vừa từ lô cốt xuống. Bọn em mới đuổi một tàu lạ xâm phạm vùng cấm...

- Nhưng sao mà tiếc thế - Thương bật lên thành tiếng. Giá như chuyện này xảy ra từ vài hôm trước thì có phải chắc chắn tổ phóng viên của Thương sẽ lại có được những thước phim tuyệt vời.

Cú điện thoại của Đạt như đã làm Thương thay đổi ý định. Cô không về nhà mà gọi cho đồng nghiệp hẹn cùng đến ngay đài. Đã từng có chung một tâm trạng, họ hiểu rằng nên dựng hết các phóng sự trong lúc này, khi dư âm chuyến đi với đầy đủ cung bậc của cảm xúc vẫn còn đậm độ.

Chào Đá Nam, Tiếng trẻ em ở Trường Sa lớn, Phan Vinh nơi chảo lửa, Đá Tây dịch vụ nghề cá trên biển Đông... Các tít chủ đề dự định cứ hiện lên ngồn ngộn hối hả trong đầu Thương như giục giã cô. Hơn lúc nào hết, nó làm Thương ao ước được xuống tàu ngay lúc này để trở lại với Trường Sa.

Nguồn tạp chí vnqđ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast