Nâng cao hiệu quả phòng tránh, giảm bớt thiệt hại do bão, lũ

Ngày 9/11, UBND tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Quỹ hỗ trợ thiên tai miền Trung và Cục Quản lý đê điều và PCLB tổ chức buổi toạ đàm “Chủ động phòng, tránh bão, lũ để giảm bớt thiệt hại cho nhân dân”. Tham gia toạ đàm có lãnh đạo Quỹ hỗ trợ thiên tai miền Trung, Cục trưởng Cục QLĐĐ&PCLB; lãnh đạo các tỉnh: Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và các sở, ngành liên quan.

Trong những năm gần đây, mưa lũ tại miền Trung xuất hiện nhiều giá trị cực đoan. Đặc biệt, trong vòng 2 năm trở lại đây, thiệt hại do mưa lũ gây ra ước tính lên đến gần 30 tỷ đồng. Riêng Hà Tĩnh, hai đợt lũ vào đầu và giữa tháng 10/2010 đã làm chết 51 người, hàng trăm ngôi nhà của người dân bị sập đổ, cuốn trôi, 23.000 ha sản xuất nông nghiệp bị ngập lụt, hàng vạn gia súc, gia cầm bị trôi, chết; cơ sở hạ tầng bị tàn phá nặng nề. Ước tính, thiệt hại lên đến 6.374 tỷ đồng.

Theo nhận định của các đại biểu, nguyên nhân chính gây ra lũ lớn là: mưa trên diện rộng và có cường độ lớn; ảnh hưởng của mặt đệm (do nhu cầu phát triển kinh tế cộng với nạn phá rừng, nhiều diện tích rừng bị mất đi làm tăng quá trình tập trung dòng chảy); công tác quản lý, vận hành đảm bảo an toàn các hồ chứa bộc lộ nhiều điểm bất hợp lý, chưa linh hoạt; các công trình tiêu thoát lũ ở hạ du không đồng bộ, thiếu an toàn…

Trong vòng 1 ngày, các đại biểu đã trao đổi về kinh nghiệm cũng như những bất cập trong việc tổ chức phòng tránh, cứu hộ, cứu trợ bão lụt của các cấp chính quyền, tổ chức chính trị- xã hội tại địa phương; công tác điều tiết xả lũ hồ Kẻ Gỗ và tình hình ngập lụt vùng hạ du. Đồng thời, trao đổi về nhận thức của người dân và kinh nghiệm tự bảo vệ con người và tài sản khi lũ lụt xảy ra. Qua đó, xác định những nhu cầu thiết yếu của thôn, xã và các giải pháp để bảo đảm phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai một cách có hiệu quả.

Tại buổi toạ đàm, các đại biểu nhấn mạnh: Việc trao đổi kinh nghiệm về công tác phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai cần được thực hiện thường xuyên, nhất là đối với những địa phương chịu nhiều thiên tai như Hà Tĩnh. Điều đó giúp các địa phương chủ động chuẩn bị các kế hoạch, phương án PCLB một cách kịp thời và có hiệu quả, nhằm giảm bớt thiệt hại cho nhân dân.

Trên cơ sở đó, các đại biển đã nêu lên một số giải pháp PCLB, trong đó chú trọng: nâng cao nhận thức cho người người để họ tự có kế hoạch phòng chống thiên tai; đề cao vai trò của các tổ chức chính trị- xã hội trong công tác ứng cứu, cứu trợ, trong đó lấy lãnh đạo thôn, xã làm trụ cột; cần có chiến lược chung về phòng và thích ứng với biến đổi khí hậu; quy hoạch phòng tránh lũ và tăng cường quản lý các hồ chứa; có chiến lược về quản lý và bảo vệ rừng; quy hoạch hạ tầng vùng nông thôn gắn với quy hoạch phòng lũ…

Theo đại diện Quỹ hỗ trợ thiên tai miền Trung, ý kiến đóng góp của các đại biểu sẽ được tổng hợp, chuyển về các tỉnh trong khu vực làm tài liệu tham khảo về công tác chủ động phòng, tránh bão, lũ để giảm bớt thiệt hại cho nhân dân; đồng thời, báo cáo lên cơ quan có trách nhiệm để kịp thời xep xét, giải quyết các kiến nghị, đề xuất của tỉnh. Quỹ hỗ trợ thiên tai miền Trung sẽ tiếp tục nghiên cứu và hỗ trợ các địa phương xây dựng các phương án phòng chống thiên tai một cách hiệu quả.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast