Hàng loạt sai phạm kinh tế tại VNPT

Theo Thanh tra Chính phủ, trong giai đoạn 2006 - 2011, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã để xảy ra nhiều vi phạm liên quan đến công tác quản lý, sử dụng vốn.

VNPT đã bàn giao vốn điều lệ cho Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam chưa đúng thời gian quy định 796 tỷ đồng; trong đó, việc xác định giá trị chênh lệch 253,818 tỷ đồng của Công ty dịch vụ tiết kiệm Bưu điện sau khi đánh giá lại trong tổng số 6.576 tỷ đồng vốn điều lệ VNPT đã bàn giao cho Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam là chưa phù hợp do tài sản của Công ty dịch vụ tiết kiệm Bưu điện thuộc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam.

VNPT chậm nộp quỹ viễn thông công ích 73,344 tỷ đồng; chưa xác định số phải nộp Quỹ năm 2011 và 2012. Riêng Công ty thông tin di động VMS đã trích vượt chi phí nộp quỹ viễn thông công ích đến năm 2011 193,721 tỷ đồng và chưa nộp năm 2011 496,645 tỷ đồng.

Hàng loạt sai phạm kinh tế tại VNPT ảnh 1

Trụ sở VNPT tại Hà Nội. Ảnh: vneconomy.vn


Thanh tra Chính phủ đánh giá Bộ Thông tin và Truyền thông chưa thực hiện đúng quy định về việc ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch, dự toán, điều chỉnh, bổ sung kinh phí hỗ trợ; chưa quyết toán việc thu nộp Quỹ viễn thông công ích giai đoạn năm 2005 đến năm 2010 và chưa hướng dẫn thực hiện giai đoạn 2011 đến 2015, theo đó VNPT và Công ty VMS chậm nộp quỹ, chưa xác định số phải nộp năm 2011 và 2012.

Trong giai đoạn từ năm 2006 - 2011, VNPT đã triển khai thực hiện một số dự án đầu tư lớn, quá trình thực hiện có nhiều dự án thay đổi mà chủ yếu là tăng tổng mức đầu tư; chậm tiến độ, trung bình thời gian chậm của mỗi dự án là 8,7 tháng, dẫn đến tăng chi phí đầu tư, giảm hiệu quả sử dụng vốn; chậm quyết toán vốn đầu tư, nhất là các dự án mua sắm thiết bị lớn.

Một số dự án như dự án cáp đồng còn tồn kho vật tư cáp các loại trị giá 70,497 tỷ đồng; dự án Cityphone lỗ và tài sản không khấu hao hết tổng cộng 168,522 tỷ đồng do việc khảo sát, tính toán chưa sát thực tế, khả năng phát triển và ảnh hưởng của mạng di động cũng như sức cạnh tranh của các mạng thuê bao khác; việc đánh giá xu hướng phát triển của thị trường viễn thông chưa tốt, chưa đánh giá đúng, sát về xu hướng thay đổi công nghệ, xu hướng giảm giá cước viễn thông chung trên các mạng; quá trình thực hiện đầu tư chưa tuân thủ nghiêm các quy định về trình tự, thủ tục đầu tư…

Dự án đầu tư tuyến cáp quang biển trục Bắc - Nam với tổng mức đầu tư gần 3.000 tỷ đồng bằng nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản đã chậm tiến độ gần 10 năm. Nguyên nhân chủ yếu là do khâu khảo sát, thiết kế, lập dự toán, thẩm tra, phê duyệt thực hiện kéo dài từ năm 2004 đến năm 2007; VNPT chưa tổ chức thực hiện đúng các yêu cầu quy định, sau nhiều lần đôn đốc của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông và Đại sứ quán Nhật Bản nhưng dự án vẫn chưa thực hiện xong giai đoạn đấu thầu, làm ảnh hưởng tới hiệu quả của dự án và môi trường đầu tư trong việc sử dụng nguồn vốn ODA.

Việc quyết định đầu tư dự án Vinasat I, II với tổng mức đầu tư 9.280 tỷ đồng, tuy đạt được mục tiêu về chính trị - xã hội, khẳng định chủ quyền của Quốc gia đối với nguồn tài nguyên trên quỹ đạo vệ tinh, đảm bảo yêu cầu về thông tin vệ tinh phục vụ an ninh, quốc phòng, phòng chống thiên tai nhưng đến thời điểm năm 2011 chưa đảm bảo hiệu quả kinh doanh như kế hoạch trong dự án được phê duyệt, lỗ vượt dự kiến 329 tỷ đồng.

Đến thời điểm 31/12/2011, VNPT đã đầu tư góp vốn vào 86 doanh nghiệp với tổng giá trị 3.273,23 tỷ đồng, trong đó: 38 doanh nghiệp thu được 322 tỷ đồng lợi nhuận với tỷ suất bình quân 15,64%; 28 doanh nghiệp với giá trị đầu tư 196 tỷ đồng nhưng lợi nhuận thu được thấp (tỷ suất bình quân chỉ đạt 3,16%) và 20 doanh nghiệp khác và quỹ với giá trị đầu tư 723,8 tỷ đồng trong thời gian dài (từ 3 đến 5 năm) không thu được lợi nhuận, gây lãng phí vốn đầu tư.

Bên cạnh đó, VNPT chưa thực hiện nghiêm và đầy đủ trình tự, thủ tục theo Nghị định của Chính phủ và quy định của Bộ Tài chính về việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính đối với 11 đơn vị. Đáng lưu ý là các sai phạm, yếu kém trong quản lý tại Công ty Tài chính Bưu điện, dẫn đến kết quả kinh doanh thua lỗ, mất vốn lớn đã được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán, kết luận.

Ngoài những sai phạm trên, VNPT còn để xảy ra những vi phạm trong quản lý doanh thu, chi phí, quản lý và sử dụng đất đai. VNPT hạch toán doanh thu, chi phí tại một số đơn vị được thanh tra không đúng thời điểm; phân bổ vào chi phí tài chính khoản chênh lệch tỷ giá phát sinh do đánh giá lại số dư ngoại tệ tiền gửi ngắn hạn năm 2006 trị giá 25,586 tỷ đồng không đúng quy định, giảm lợi nhuận, thiếu thuế thu nhập doanh nghiệp 7,184 tỷ đồng.

VNPT trích lập dự phòng các khoản nợ phải thu khó đòi thiếu so với quy định lũy kế đến năm 2011 là 202,462 tỷ đồng; chưa thực hiện nghiêm việc xử lý trách nhiệm đối với những đơn vị và cá nhân liên quan trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh, hợp đồng thu cước viễn thông, dẫn đến phát sinh công nợ khó đòi giá trị lớn; trích vượt Quỹ khen thưởng phúc lợi, theo đó thiếu Quỹ đầu tư phát triển năm 2007 là 567,275 tỷ đồng và năm 2009 là 532,836 tỷ đồng. Kết quả hoạt động kinh doanh của VNPT từ năm 2006 đến năm 2010 không đạt chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận đề ra, dẫn đến vốn chủ sở hữu tại thời điểm ngày 31/12/2010 chưa bổ sung đủ, thiếu 2.739 tỷ đồng so với quy định.

Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất đề án tổ chức, sắp xếp lại mô hình hoạt động của VNPT, ban hành, điều chỉnh cơ chế nhất là đối với các đơn vị hạch toán phụ thuộc do đã bộc lộ nhiều hạn chế trong quản lý, thiếu tự chủ trong hoạt động kinh doanh, đánh giá thiếu chính xác, khách quan về hiệu quả kinh doanh và quản lý sử dụng vốn, tài sản tại các đơn vị. Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bằng việc phân cấp cụ thể, chặt chẽ hơn nữa về quyền, trách nhiệm quản lý Nhà nước chuyên ngành của Bộ Thông tin và Truyền thông. Bộ rà soát, điều chỉnh các quy định về quảng cáo, khuyến mại, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng cho các doanh nghiệp. Phối hợp với các Bộ Tài chính và Tài nguyên - Môi trường ban hành cơ chế, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn về công tác đầu tư, quản lý đất đai; chỉ đạo VNPT lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch, kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật mạng viễn thông.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Tài chính rà soát lại các quy định của Chuẩn mực kế toán, chế độ hạch toán kế toán và xử lý các khoản doanh thu, chi phí đối với dịch vụ viễn thông nhằm đảm bảo tính chính xác và khách quan. Đối với VNPT, Thanh tra Chính phủ kiến nghị kiểm điểm và chỉ đạo thực hiện kiểm điểm trách nhiệm cá nhân tại Công ty Mẹ và đơn vị thành viên liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản.

Trong quá trình kiểm điểm đặc biệt chú ý đến các sai phạm trong đầu tư mua sắm và đầu tư tài chính, những sai phạm cụ thể tại Công ty Tài chính Bưu điện, Công ty Viễn thông Quốc tế. Xử lý thu hồi về ngân sách nhà nước các khoản về thuế do VNPT và các đơn vị thành viên chưa thực hiện và thực hiện chưa đúng quy định trị giá 105,836 tỷ đồng, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý số tiền 4.907 tỷ đồng.

Theo Baotintuc.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast