GDP Việt Nam có thể giảm 6.000 tỷ đồng mỗi năm vì Mỹ-Trung đối đầu

Kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến Mỹ - Trung ngay từ năm nay và sẽ ngày càng "ngấm" hơn trong 3 năm tới.

Báo cáo mới công bố của Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội (NCIF - Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho thấy, chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất sẽ làm GDP Việt Nam giảm 0,03% năm 2018; mức giảm tăng lên 0,09% vào 2019 và đạt đỉnh điểm sụt 0,12% vào 2020-2021. Mức tác động sẽ giảm dần các năm sau đó.

GDP Việt Nam có thể giảm 6.000 tỷ đồng mỗi năm vì Mỹ-Trung đối đầu

Quy mô nền kinh tế theo thống kê đến cuối năm 2017 đạt hơn 220 tỷ USD (tương ứng trên 5 triệu tỷ đồng). Với tốc độ tăng 6,8% năm nay, quy mô kinh tế năm 2018 khoảng 235 tỷ USD. Giả sử tốc độ tăng trưởng đạt bình quân 6,5% mỗi năm trong 5 năm tới, quy mô kinh tế 2020 - 2022 lần lượt là 250,2 tỷ USD, 284 tỷ USD và 302 tỷ USD.

Với kịch bản Mỹ áp thuế 25% cho 34 tỷ USD hàng nhập từ Trung Quốc, quy mô GDP Việt Nam năm 2018 theo NCIF, bình quân cả giai đoạn 2018 - 2022 căng thẳng thương mại Mỹ - Trung sẽ làm GDP Việt Nam giảm hơn 6.000 tỷ đồng mỗi năm.

Kịch bản khi Mỹ áp thuế 25% cho 34 tỷ USD hàng Trung Quốc.

GDP Việt Nam có thể giảm 6.000 tỷ đồng mỗi năm vì Mỹ-Trung đối đầu

Theo Tiến sĩ Trần Toàn Thắng - Trưởng ban Kinh tế thế giới (NCIF), mức ảnh hưởng như vậy là "tương đối thấp", ngay cả thời điểm chịu tác động nhiều với mức giảm 0,12% GDP vào 2021 - 2022. Ngoài tăng tưởng, xuất nhập khẩu Việt Nam cũng giảm bởi những tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại này. Còn với thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), theo ông Thắng, mức ảnh hưởng không quá nhiều.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nổ ra tháng 7 khi Mỹ áp mức thuế 25% với 34 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, khoảng 818 dòng sản phẩm bị áp thêm thuế mới trong đợt 1.

Đợt 2 sẽ mở rộng danh mục lên hàng hóa với tổng giá trị 50 tỷ USD. Không dừng ở đó, chính quyền Mỹ còn đe dọa sẽ áp thêm thuế suất 10% với 200 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc, đưa tổng giá trị hàng hóa chịu thuế trừng phạt lên đến 50% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng từ quốc gia này vào Mỹ.

GDP Việt Nam có thể giảm 6.000 tỷ đồng mỗi năm vì Mỹ-Trung đối đầu

Dự báo tăng trưởng kinh tế của một số nước từ mô hình Nigem của NCIF cho trường hợp Mỹ áp thuế 34 tỷ USD.

Bên cạnh tác động của xung đột thương mại Mỹ - Trung, Trưởng ban Kinh tế thế giới NCIF cũng cảnh báo nguy cơ với kinh tế Việt Nam khi Mỹ thay đổi Luật thuế mới. Từ năm nay Mỹ sẽ giảm tỷ lệ thuế doanh nghiệp từ 35% xuống còn 21%; bỏ thuế tối thiểu thay thế (AMT); giới hạn việc khấu trừ lãi suất kinh doanh ở mức 30% thu nhập (ngoại trừ khấu hao)...

Ông Thắng phân tích, luật thuế mới của Mỹ có thể khiến các công ty Mỹ đang đầu tư tại Việt Nam xem xét lại các chiến lược đầu tư hoặc có thể rút lợi nhuận từ Việt Nam để chuyển về Mỹ, thay vì tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Nếu có sự chuyển hướng đầu tư tác động lớn sẽ tập trung vào dòng FDI đang tận dụng lợi thế chi phí rẻ của Việt Nam hơn là dòng FDI đầu tư vào các tài sản chiến lược hoặc đầu tư với mục tiêu chiếm lĩnh thị trường.

Cơ cấu đầu tư của Mỹ ở Việt Nam tập trung nhiều hơn vào nhóm thứ nhất, vì thế có thể tác động trực tiếp không lớn. Ngoài ra, Việt Nam đang đẩy mạnh tiến trình ký kết các hiệp định thương mại tự do đa phương, nổi bật là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tín hiệu tích cực cho thấy triển vọng thu hút đầu tư của Việt Nam từ các nước khác.

Mặt khác, xu hướng giảm thuế của Mỹ có thể gây ra làn sóng tương tự ở một số nước hoặc các ưu đãi khác nhằm giữ doanh nghiệp Mỹ ở lại, từ đó làm cho sức cạnh tranh của môi trường đầu tư của Việt Nam bị giảm đi tương đối. Bằng chứng mới nhất là Trung Quốc đã thông báo sẽ tạm thời miễn thuế cho các công ty Mỹ để ngăn họ rút lợi nhuận khỏi Trung Quốc.

Theo VNE

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast