Bác Hồ phát động Tết trồng cây Xuân Ất Tỵ 1965

Từ khi còn ở chiến khu, dù còn phải khắc phục nhiều khó khăn gian khổ, Người vẫn tìm những nơi làm việc và sinh hoạt sao cho trên có núi, dưới có sông, có đất để trồng trọt, có bãi để vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi, để phục vụ tốt cho công tác cách mạng và sinh hoạt tập thể. Tự tay Bác Hồ trồng nhiều cây đa, lấy bóng mát, sau này thành tên “Cây đa Bác Hồ”, ngôi nhà sàn nơi Bác sống và làm việc luôn luôn chan hòa với tự nhiên.

Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân
Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân

Vào những năm thập niên 50 thế kỷ XX, khi thế giới chưa có những khuyến cáo khẩn thiết về bảo vệ rừng như hiện nay thì phong trào phát động Tết trồng cây do Chủ tịch Hồ Chí Minh đề xướng, tổ chức, xây dựng trở thành một phong trào quần chúng rộng rãi, sôi nổi và bền vững. Tết trồng cây đã tạo nên một nét xuân độc đáo, một phong tục tập quán tốt đẹp của nhân dân ta. Tết trồng cây còn có vai trò, ý nghĩa quan trọng trên các mặt kinh tế, quốc phòng, môi trường, khí hậu…

Năm 1965, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ diễn ra ác liệt, Đế quốc Mỹ rắp tâm muốn hủy diệt thiên nhiên Việt Nam, con người Việt Nam, ném hàng vạn tấn bom đạn và rải chất độc hóa học xuống nhiều vùng rừng núi nước ta, chúng hủy diệt môi sinh, phá hoại màu xanh của đất nước. Chính vì lẽ đó, ngày 1 tháng 1 Tết Ất Tỵ (1965), Bác Hồ kính yêu đã phát động Tết trồng cây, mở đầu bài viết bằng hai câu thơ lục bát dễ thuộc, dễ nhớ:

Mùa xuân là Tết trồng cây,

Làm cho đất nước càng ngày càng xuân (1).

Người nêu con số cụ thể: “5 năm vừa qua, miền Bắc nước ta đã trồng được 375 triệu cây các loại. Ngoài ra còn có hơn 200 triệu cây bảo vệ đê ở vùng biển” (2). Bác Hồ đã nhiều lần khẳng định rằng, phong trào Tết trồng cây góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế, sự nghiệp xây dựng nông thôn mới, nhằm nâng cao đời sống nhân dân.

Người nhấn mạnh: “Chúng ta đang chuẩn bị xây dựng nông thôn mới. Việc đầu tiên của nông thôn mới là xây dựng nhà ở cho đàng hoàng. Muốn vậy, thì ngay từ bây giờ phải trồng cây nhiều và tốt để lấy gỗ”(3). Bài báo đã đánh giá rõ kết quả đạt được từ phong trào Tết trồng cây mùa xuân. Bác biểu dương những nơi có phong trào mạnh, làm tốt việc trồng cây, bảo vệ cây, trồng cây nào sống cây ấy. Song Bác cũng phê bình không ít nơi trồng cây gây rừng chưa tốt, cho nên diện tích đồi trống còn nhiều.

Bác chỉ ra nguyên nhân quan trọng là do cấp ủy, chính quyền những nơi đó chưa quan tâm đúng mức và chưa có biện pháp, kế hoạch việc lãnh đạo trồng cây, bảo vệ cây. “Nơi nào mà các cấp đảng bộ từ tỉnh đến chi bộ trực tiếp lãnh đạo, có kế hoạch đầy đủ, có biện pháp rõ ràng (hạt giống, vườn ươm v.v…), có kiểm tra cẩn thận, khéo động viên quần chúng, khéo dựa vào lực lượng phụ lão và thanh niên, nhi đồng thì nơi đó phong trào Tết trồng cây phát triển tốt” (4).

Để phong trào Tết trồng cây ngày càng phát triển, hiệu quả ngày càng cao, Bác Hồ luôn quan tâm động viên, biểu dương những gương tốt, đồng thời phê bình, nhắc nhở những địa phương, đơn vị thực hiện kém. Kể từ ngày phát động phong trào cho đến trước lúc đi xa, Người thường xuyên theo dõi, tổng hợp, đánh giá kết quả một cách liên tục. Tổng kết 5 năm thực hiện phong trào Tết trồng cây, Người phấn khởi biểu dương: “Phong trào Tết trồng cây đã có nhiều nơi gương mẫu như các hợp tác xã Lạc Trung, Ngọc Long, Vinh Quang, Nà Vó, Lê Hồng Phong… Hơn 8.000 hợp tác xã đã kết hợp Tết trồng cây vào kế hoạch sản xuất. Kết quả như thế là khá”(5).

Người cũng đã kịp thời khen ngợi các địa phương tổ chức phong trào Tết trồng cây có hiệu quả như các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Bắc…

Đến hôm nay, dù Bác Hồ đã đi xa hơn 40 năm song phong trào Tết trồng cây do Người phát động vẫn còn sống mãi với chúng ta, mãi mãi là nét xuân độc đáo, là phong tục cổ truyền tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tết trồng cây theo tư tưởng của Bác Hồ sẽ mãi mãi là động lực to lớn, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hăng hái, nhiệt tình, ra sức trồng cây, trồng rừng, góp phần làm cho đất nước ta ngày càng giàu đẹp, mãi mãi xanh tươi, đời đời thịnh vượng.

(1, 2, 3, 4, 5 - Báo Nhân dân, số 3298, ngày 1/1/1965).

10/24 - Đặng Tất - Đông Hà - Quảng Trị

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast