Đường về quê ngoại...

(Baohatinh.vn) - Quê ngoại của tôi giờ đã lên phố nhưng ký ức về làng quê êm đềm, mộc mạc ở Hà Tĩnh với nhiều tấm lòng rộng mở không bao giờ mờ phai trong tôi. Với tôi, dẫu sự vật, con người đổi thay, mãi mãi đường về ngoại là về với cố thổ, thổn thức suốt đời...

Cháu Bốp dẫn tôi ra con đường mới vắt qua cánh đồng thả diều. Cám ơn Bốp, nhờ Bốp, tôi biết đến con đường mới này của thị trấn quê nhà. Con đường, chiều rộng dễ đến hai mươi mét, chạy dài đến xóm đầu tiên của xã kế bên. Đó là quê của ngoại.

Đường về quê ngoại...

Đường về quê ngoại trong ký ức... Ảnh Internet

Con đường mới này được mở ra trên nền ruộng. Những mảnh ruộng còn sót lại, kẹp giữa con đường chạy qua trung tâm thị trấn và con đường này sẽ trở thành đất ở đô thị. Ruộng khu vực này và những cánh đồng còn lại, trước mặt tôi bây giờ sẽ biến mất, nay mai. Quê ngoại tôi bây giờ đã được nhập vào thị trấn trong “công cuộc” giảm đầu mối cấp xã. Hai bên con đường, cữ này lúa đã gặt xong. Mặt trời sau một ngày lao động nặng nhọc đã chuẩn bị đi ngủ. Gió về chiều thổi xoa dịu làn da. Ngước lên, trên bầu trời rạn chân chim, thật nhiều diều của bọn trẻ. Bốp háo hức, say sưa.

Tôi nghĩ mãi về con đường. Ngày tôi còn bé, vị trí này chính là con kênh thủy lợi đầy cỏ mật là nơi tôi từng học bơi, mùa kênh ăm ắp nước. Chéo góc bên trái, chính là con đường đất, tôi lon ton theo bố, theo mẹ. Cuối con đường này là một giếng đất của làng được đào từ thời Pháp. Theo con đường mấp mô đất gan gà ấy là đến nhà cậu mợ. Tôi cứ nhìn nơi đâu có rặng mía, đấy là quê ngoại. Hai xã gần nhau nhưng chỉ quê ngoại trồng mía, che mật.

Đường về quê ngoại...

Mía ngoại được trồng ngoài ruộng, đất bãi, trong vườn nhà... Ảnh minh họa

Khi tôi lớn lên thì ngoại không còn. Cậu đầu cũng mất sớm, chỉ còn cậu sau. Cả hai cậu gia đình đều đông con. Nghe cậu kể lại, ông bà hiền hậu, thương mẹ tôi nhiều vì mẹ là út, lấy chồng xa. Thời xưa lấy chồng cách một cánh đồng, từ xã này sang xã kế đã là xa. Không như bây giờ, thế giới trong bàn tay, lấy chồng ở Bắc Mỹ vẫn gần.

Tôi thường lẽo đẽo theo bố, hoặc mẹ về ngoại khi mùa màng vừa xong, hoặc ở ngoại bắt đầu thu hoạch và che mía. Mía ngoại được trồng ngoài ruộng, đất bãi, trong vườn nhà. Vườn nhà cậu cũng thế, mía xanh rờn. Cậu mợ che mía ngay trong vườn. Trước đây, có được một bộ che mía là niềm mơ ước lớn nhất của biết bao gia đình trồng mía, thậm chí là niềm mong mỏi của cả làng. Ngoại tôi thuộc thành phần trung nông. Trung nông mới có che mía.

Đường về quê ngoại...

Để ép mía, người ta cho cây mía vào giữa hai ống che rồi dắt trâu, bò đi vòng quanh. Ảnh tư liệu

Che mía được làm bằng những loại gỗ cứng, lâu năm như gỗ lim, kiền kiền, dẻ... cùng lắm thì dùng gỗ mít lâu năm trong vườn nhà. Thế mới bền, vì độ ma sát lớn. Việc đẽo gọt, chế tác che mía cũng đòi hỏi kinh nghiệm và kỹ thuật cao vì một bộ che mía bao gồm rất nhiều chi tiết phức tạp, lại làm hoàn toàn bằng gỗ, lắp ghép bằng mộng và điều cơ bản là tất cả những chi tiết, cấu kiện phải ăn khớp nhịp nhàng với nhau để lúc vận hành khi ép mía không gặp bất cứ sự cố nào dù nhỏ nhất.

Để ép mía, người ta cho cây mía vào giữa hai ống che rồi dắt trâu, bò đi vòng quanh che. Mía được ép chảy ra nước giữa các trục và nước mía được người ta hứng ở phần mông che, sau đó cho vào chảo to để nấu thành mật. Công đoạn là như vậy. Tôi mê mẩn nhìn cậu và hàng xóm sang giúp việc che mía. Mỗi lần về ngoại đúng vào mùa che mía, cậu thường tặng mẹ tôi vài chai mật.

Đường về quê ngoại...

Bánh ngào nấu bằng mật mía - món ngon của người dân quê tôi. Ảnh Internet

Xưa dân Hà Tĩnh mình, ngoài làm các loại bánh như bánh ngào, nấu gì cũng cho vài giọt mật. Đến bây giờ kho mắm vẫn vậy. Ngày tết, mâm cỗ về ngoại cúng ông bà chỉ có 4 chiếc bánh chưng và một bát mật mía. Thế là đã được coi “thịnh soạn”, tươm tất trong buổi chiều cúng Tất niên.

Cuộc sống đã có quá nhiều thay đổi. Nơi có giếng đất và con đường in dấu chân tôi thuở lon ton đã bị lấp, khu dân cư đã mọc lên. Cậu tôi cũng đã theo ông bà, tiên tổ hai chục năm có lẻ. Quê giờ lên phố, nhưng ký ức về làng với nhiều tấm lòng không mất. Có thể năm tới con đường này được đặt tên, nhà phố sẽ mọc lên san sát. Với tôi, dẫu sự vật, con người đổi thay, mãi mãi đó là đường về ngoại, là cố thổ, thổn thức suốt đời.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast