Giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai

(Baohatinh.vn) - Ngày 13/7/2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1002/QĐ-TTg Phê duyệt “Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” với dự kiến thực hiện ở khoảng 6.000 làng, xã thường bị ảnh hưởng thiên tai trên toàn quốc, trong đó có nhiều địa phương ở Hà Tĩnh. Cuộc trao đổi với ông Bùi Lê Bắc - Chi cục trưởng Chi cục quản lý đê điều và PCLB Hà Tĩnh sẽ giúp bạn đọc hình dung rõ nét hơn về chương trình giàu tính nhân văn này.

- Xin ông cho biết, xuất phát từ nhu cầu nào mà Thủ tướng Chính phủ lại quyết định đầu tư một đề án với kinh phí gần cả ngàn tỷ đồng này?

Nước ta thường xuyên chịu tác động của các loại hình thiên tai, đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay thì thiên tai ngày càng có xu hướng cực đoan hơn bởi tác động của biến đổi khí hậu. Những năm qua, công tác phòng, chống thiên tai được Đảng, Nhà nước và nhân dân xác định là một trong những nhiệm vụ ưu tiên, xuyên suốt quá trình phát triển KT-XH. Bên cạnh đầu tư kinh phí và sức lực liên tục trong nhiều năm để xây dựng hệ thống các công trình, cơ sở vật chất, Chính phủ cũng rất quan tâm hoàn thiện thể chế, chiến lược, chính sách, tăng cường năng lực và nhận thức người dân trong công tác phòng chống thiên tai. Xuất phát từ yêu cầu đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1002/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” mà chúng ta thường gọi tắt là Đề án 1002.

Giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai ảnh 1

Tập huấn công tác cứu hộ

- Mục tiêu mà đề án hướng tới là những gì, thưa ông?

Đề án nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng và tổ chức có hiệu quả mô hình quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng cho các cấp, ngành, đặc biệt là chính quyền và người dân ở các làng/xã nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, hạn chế sự phá hoại tài nguyên thiên nhiên, môi trường và di sản văn hóa do thiên tai gây ra, góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước, bảo đảm QPAN. Cụ thể là hoàn chỉnh cơ chế, chính sách về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng xuyên suốt từ trung ương đến địa phương; nâng cao năng lực cho cán bộ chính quyền các cấp trực tiếp làm công tác phòng, chống thiên tai; đảm bảo đến năm 2020 có 100% cán bộ được tập huấn, nâng cao năng lực và trình độ về công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; tất cả các làng/xã ở những vùng có nguy cơ cao xảy ra thiên tai xây dựng được kế hoạch phòng tránh, có hệ thống thông tin liên lạc và xây dựng được lực lượng nòng cốt có chuyên môn, nghiệp vụ về giảm nhẹ thiên tai, lực lượng tình nguyện viên để hướng dẫn và hỗ trợ nhân dân trong công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; 70% số dân các xã thuộc vùng thường xuyên bị thiên tai được phổ biến kiến thức về PCLB và giảm nhẹ thiên tai; đưa kiến thức phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai vào chương trình đào tạo của trường học phổ thông.

- Để đề án phát huy hiệu quả, ngoài trách nhiệm của cơ quan chủ quản cùng các cấp, ngành, địa phương liên quan thì người hưởng lợi cần tham gia thế nào, thưa ông?

Mục đích cốt lõi của mô hình quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng nói chung và Đề án 1002 nói riêng chính là trên cơ sở triển khai thực hiện các hoạt động để tạo sự chuyển biến tích cực từ một cộng đồng dễ bị tổn thương sang một cộng đồng có năng lực; cùng nhau phòng ngừa, ứng phó, khắc phục để ổn định và nâng cao đời sống trên cơ sở các nguồn lực có sẵn trong cộng đồng cùng các nguồn lực khác. Có nghĩa, người dân (đối tượng được hưởng lợi) là trung tâm của toàn bộ quá trình từ khi ban hành quyết định và triển khai các hoạt động quản lý rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Do đó, sự tham gia của người dân chính là điều kiện tiên quyết để thực hiện đề án đạt hiệu quả và bền vững.

Người hưởng lợi cần hiểu rõ rằng, chính họ là người phải chịu thiệt hại do thảm họa gây ra. Trên thực tế, họ cũng chính là người đầu tiên thực hiện công tác ứng cứu tại cộng đồng; đồng thời, bản thân họ cũng là người phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa và ứng phó với các tình huống khi có thảm họa xảy ra trước khi lực lượng ứng cứu đến giúp đỡ.

Nhà vượt lũ phát huy hiệu quả ở các địa phương chịu ảnh hưởng nặng của ngập lụt

Nhà vượt lũ phát huy hiệu quả ở các địa phương chịu ảnh hưởng nặng của ngập lụt

Để Đề án 1002 triển khai thực hiện thành công và phát huy hiệu quả, điều quan trọng nhất là người dân tại cộng đồng phải phát huy quyền làm chủ và chủ động tham gia vào tất cả các giai đoạn của quá trình thực hiện quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng của đề án. Sự tham gia tích cực và đầy đủ của người dân từng bước từ hoạt động đánh giá rủi ro thiên tai thì sẽ xây dựng được kế hoạch phòng chống thiên tai của cộng đồng sát đúng thực tế, phù hợp với tình hình của địa phương. Trên cơ sở đó tạo tiền đề để triển khai thực hiện kế hoạch có hiệu quả. Điều này sẽ nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó với thiên tai của cộng đồng bản địa.

- Xin ông cho biết những kết quả bước đầu và kế hoạch triển khai đề án ở Hà Tĩnh trong thời gian tới?

Đề án 1002 được triển khai trong những năm qua, đến nay cơ bản hoàn thành cơ cấu tổ chức thực hiện từ tỉnh đến huyện và một số xã trọng điểm. Trong năm 2014, đã tổ chức tập huấn, nâng cao kỹ năng cho 21 giáo viên cấp tỉnh; tập huấn về kiến thức đánh giá rủi ro thiên tai; xây dựng và lập kế hoạch phòng chống thiên tai; đánh giá và giám sát cho 200 cán bộ là thành viên nhóm hỗ trợ kỹ thuật cấp tỉnh, huyện, 500 cán bộ thành viên nhóm hỗ trợ kỹ thuật cấp xã và nhóm cộng đồng, trên 700 đối tượng là cộng đồng của 8 xã (Sơn Thủy, Đức Giang, Sơn Quang, Thạch Lâm, Kỳ Khang, Đức Vĩnh, Hương Thọ, Cẩm Mỹ). Bên cạnh đó, công tác truyền thông cũng được chú trọng, góp phần nâng cao nhận thức nhân dân trong chủ động ứng phó thiên tai.

Kế hoạch thời gian tới là tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về Đề án 1002, trước hết cho cấp ủy, chính quyền cấp huyện, xã và đội ngũ cán bộ trực tiếp quản lý, triển khai thực hiện đề án; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ CBCCVC trực tiếp quản lý đề án để nâng cao tính chuyên nghiệp và trách nhiệm được giao; xây dựng kế hoạch triển khai năm 2015 và giai đoạn 2016 - 2020 sát với thực tế của địa phương; tiếp tục đào tạo nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ giảng viên cấp tỉnh, lấy lực lượng này làm lực lượng chủ đạo của tỉnh để tổ chức tập huấn cho cơ sở...

- Xin cảm ơn ông!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast