Như dòng suối mát

Nền kinh tế Hà Tĩnh những năm sau tái lập tỉnh như một mầm cây nhỏ, đang bắt đầu cuộc hành trình màu xanh trên mãnh đất cằn cỗi, thiên nhiên khắc nghiệt. Dòng nước mát lành là nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã trở thành một trong những nguồn lực quan trọng tiếp sức cho nền kinh tế tỉnh nhà vững vàng tiến bước.

Với những CB - CNV ngành Ngân hàng, hoạt động kinh doanh tiền tệ không chỉ để mang lại thu nhập cho cá nhân, lợi nhuận cho đơn vị mà còn vì mục tiêu quan trọng là đáp ứng nhu cầu về nguồn vốn phát triển kinh tế địa phương. Sự phát triển sôi động, mạnh mẽ của nền kinh tế chính là mảnh đất thuận lợi cho đồng vốn sinh lời, tạo nền tảng để hoạt động ngân hàng an toàn, bền vững.

Ông Nguyễn Huy Tiến - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Hà Tĩnh cho biết, trong 20 năm sau tái lập tỉnh, doanh số cho vay của toàn ngành ngân hàng đạt hơn 80 ngàn tỷ đồng. Khối lượng vốn lớn của ngân hàng đã được đầu tư cho các lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, CN - TTCN, TMDV, cùng với tỉnh thực hiện thành công nhiều chương trình, dự án trọng điểm.

An toàn và chính xác là tiêu chí hoạt động của Phòng Ngân quỹ - Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Hà Tĩnh
An toàn và chính xác là tiêu chí hoạt động của Phòng Ngân quỹ - Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Hà Tĩnh

Nông nghiệp nông thôn là lĩnh vực tập trung nhiều kênh vốn và thu hút tới hơn 55% tổng khối lượng vốn tín dụng trên địa bàn. Để đảm nhận tốt vai trò của các tổ chức tín dụng phục vụ nông nghiệp nông thôn, những năm gần đây, các ngân hàng đã chú trọng mở rộng và nâng cao chất lượng mạng lưới hoạt động, giúp người dân chủ động tiếp cận chính sách tín dụng.

Nguồn vốn của ngân hàng Nông nghiệp, ngân hàng CSXH và 17 quỹ TDND cơ sở đã đồng hành với hàng chục ngàn hộ nông dân, giúp họ xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, góp phần phát triển KT-XH, đảm bảo an sinh xã hội ở khu vực nông thôn. Đến cuối năm 2010, dư nợ trong nông nghiệp nông thôn đạt trên 7.500 tỷ đồng (gấp 14 lần so với năm 2000) với trên 300.000 hộ nông dân vay vốn (gấp 4 lần năm 2000).

Năm 2010, Nghị định 41 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp nông thôn được ban hành đã nâng mức cho vay không thế chấp tài sản cho hộ nông dân, HTX và mở rộng đối tượng vay vốn đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn. Song song với triển khai chính sách này, các ngân hàng đang chú trọng đầu tư tín dụng cho các xã thí điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Theo tổng hợp của Ngân hàng Nhà nước, đến thời điểm này nguồn vốn tín dụng đầu tư cho 48 xã điểm xây dựng nông thôn mới đạt trên 1.100 tỷ đồng.

Ngân hàng Nông nghiệp Lộc Hà đầu tư vốn hỗ trợ lãi suất cho chị Lê Thị Hương ở xã Thịnh Lộc xây dựng mô hình chăn nuôi tổng hợp có quy mô 3,5 ha, mỗi năm thu lợi nhuận trên 350 triệu
Ngân hàng Nông nghiệp Lộc Hà đầu tư vốn hỗ trợ lãi suất cho chị Lê Thị Hương ở xã Thịnh Lộc xây dựng mô hình chăn nuôi tổng hợp có quy mô 3,5 ha, mỗi năm thu lợi nhuận trên 350 triệu

Ông Võ Văn Chân - Giám đốc NHNo&PTNT Hà Tĩnh cho biết: “Xác định rõ vai trò của một ngân hàng thực hiện chính sách tín dụng của Nhà nước đối với nông nghiệp nông thôn, những năm qua, Ngân hàng Nông nghiệp tỉnh đã tập trung làm tốt công tác huy động vốn để đầu tư cho các đối tượng khách hàng. Trong tổng số hơn 5.500 tỷ đồng dư nợ của ngân hàng hiện nay, có 85% được đầu tư cho nông nghiệp nông thôn.

Song hành với nền kinh tế tỉnh nhà, những năm gần đây các ngân hàng đang tích cực tiếp nguồn lực cho các chương trình, dự án phát triển CN-TTCN, TMDV, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực. Các công trình, dự án trọng điểm như dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, các công trình ở Khu kinh tế Vũng Áng, dự án thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang, dự án đường tránh quốc lộ 1A… đều có sự tham gia đầu tư vốn của các ngân hàng thương mại trên địa bàn.

Đặc biệt, nguồn vốn tín dụng đã cùng với các doanh nghiệp tỉnh nhà vươn mình bứt phá trong cơ chế thị trường. Tính đến cuối năm 2010, tổng dư nợ đầu tư cho doanh nghiệp đạt trên 5.460 tỷ đồng, chiếm trên 40% trong tổng dư nợ. Ngoài các ngân hàng thương mại chủ lực đầu tư vốn cho doanh nghiệp như: Vietcombank, BIDV, Vietinbank, trong 3 năm gần đây có thêm 4 ngân hàng TMCP ngoài quốc doanh ra đời với phương châm đồng hành với doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể, đã giúp doanh nghiệp có nhiều cơ hội vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh

Techcombank Hà Tĩnh chú trọng nâng cao chất lượng phục vụ khách
Techcombank Hà Tĩnh chú trọng nâng cao chất lượng phục vụ khách
Trong hoạt động tín dụng giai đoạn mới, ngành Ngân hàng xác định nhiệm vụ hàng đầu là đẩy mạnh huy động nguồn vốn, chủ động triển khai kế hoạch đầu tư tín dụng cho các chương trình trọng điểm và các dự án lớn của tỉnh. Các đề án như: đẩy mạnh tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp - nông thôn thời kỳ 2010-2015; tín dụng và dịch vụ ngân hàng phục vụ sự nghiệp phát triển doanh nghiệp của tỉnh đến năm 2020; kế hoạch đẩy mạnh công tác tín dụng và dịch vụ ngân hàng phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới đến năm 2015; kế hoạch triển khai đề án xuất khẩu giai đoạn 2011-2015… đã được ngành Ngân hàng xây dựng và từng bước triển khai. Mạng lưới hoạt động ngân hàng sẽ tiếp tục được các tổ chức tín dụng trên địa bàn mở đến tất cả các huyện, thị, thành phố và sẽ có thêm những chi nhánh NHTM cổ phần mới bước vào hoạt động trên mãnh đất giàu tiềm năng Hà Tĩnh. Nguồn vốn tín dụng và các sản phẩm dịch vụ ngân hàng đang sẵn sàng dáp ứng nhu cầu của một nền kinh tế đang trong giai đoạn bứt phá hết sức quan trọng này.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast