Hồn biển

Con tàu HQ 936 như thường lệ hành trình trên vùng biển đảo của Tổ quốc. Khi tàu đi ngang qua tam giác Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao một số người đi công tác trên tàu nhìn về phía đảo Sinh Tồn - nơi mà họ sẽ cập bến chiều nay.

Lúc đó, ở trên boong tàu cao nhất, có một cô gái người mảnh dẻ tuổi đời chỉ mới 22 lần đầu tiên đi qua vùng tam giác này, đang vịn chặt vào lan can mặc cho gió ràn rạt thổi tung mái tóc quá vai, mắt nhìn không chớp về hướng đảo Gạc Ma khi con tàu còn cách đấy vài hải lý. Cô không nhìn thấy đảo. Cô chỉ biết phía xa kia lẫn trong những đợt sóng biển xanh rờn có một hòn đảo nhỏ nửa chìm nửa nổi đang quằn quại dưới bóng thù đen tối Trung Quốc, mà 25 năm trước khi cô còn trong bụng mẹ hòn đảo đó là của Tổ quốc Việt Nam.

Bức tranh miêu tả cuộc chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma 14-3-1988 (treo tại Phòng Truyền thống của Vùng 4 Hải quân)
Bức tranh miêu tả cuộc chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma 14-3-1988 (treo tại Phòng Truyền thống của Vùng 4 Hải quân)

Ngày lớn lên cô được mẹ kể, rồi các chú Hải quân Lữ đoàn 146 mỗi lần Tết đến các chú về thăm hai mẹ con cô kể thêm chuyện, rồi những ngày cô đi học ở trường đọc sách báo mà biết về cha mình đã ngã xuống trên hòn đảo đó. Bây giờ có dịp đến gần nơi cha mình hy sinh cô không ngăn được dòng xúc cảm, nước mắt ứa ra, cô khẽ thốt lên: “Cha ơi!”. Tiếng gọi hòa tan trong sóng bể ầm ào làm cô càng thêm xót xa thắt lòng! Bởi “Cha ơi!” với cô từ nhỏ cho đến lớn chỉ là tiếng gọi trong nỗi niềm thương nhớ, chứ chưa bao giờ cô được trông thấy hình dáng cha mình bằng xương bằng thịt, chưa bao giờ được cha bế bồng âu yếm như những đứa trẻ khác.

Cô chỉ biết cha mình qua bức ảnh chân dung treo trên bàn thờ mà mẹ cô nói đó là tấm hình cha chụp ở cảng Cam Ranh vài tháng trước ngày hy sinh. Cứ mỗi lần thương nhớ cha, cô thốt lên: “Hình cha còn đó mà cha không còn nữa! Cha ơi! Mất cha con đau đớn lắm. Con buồn tủi mà không biết làm sao cho nguôi ngoai”. Cô nhớ lại. Ngày ấy cô đi mẫu giáo, lúc cô lên 5 tuổi trong một buổi chiều tan giờ học, chợt thấy bạn cùng lớp có cha đến đón con. Người cha ôm bé vào lòng, hôn lên má con, đưa cho con một chiếc bánh ngọt. Em bé nũng nịu sà vào cha, cầm chiếc bánh ăn ngon lành. Cô đứng nhìn, vừa thèm chiếc bánh, vừa khao khát bàn tay âu yếm của cha cô bật khóc nức nở, lủi thủi đi về nhà một mình mà không đợi mẹ về cùng. Cô ngồi trước hàng hiên khóc chờ mẹ.

Mẹ cô dạy mẫu giáo. Mẹ cô phải chờ các bé về hết mới được rời trường. Đến nhà, thấy con khóc, mẹ ôm chầm lấy con, hỏi vì sao khóc, cô càng nức nở. Mẹ bối rối lo lắng, mẹ nói: “Con ơi chuyện gì con? Con khóc mẹ đau lòng lắm!”. Mãi cô mới nói: “Cha con đâu? Con muốn mẹ nhắn cha con về để cha con đón con và cho con bánh”. Mẹ đáp: “Cha con đi bộ đội, ở xa lắm!” Cô nói: “Những lần trước con hỏi mẹ cũng bảo như thế! Nhưng lâu quá rồi mà cha không về. Con chỉ muốn cha về một ngày thôi, một ngày thôi để cho con được sà vào lòng cha như bạn con!”. Không nén được nỗi lòng mẹ cô để nước mắt rơi trên mái đầu cô. Cô nắm tay mẹ hỏi: “Chuyện gì mẹ khóc? Mẹ nín đi không con buồn lắm!”. Nghe thế mẹ cô nghẹn ngào không giấu được nữa, phải đành nói thật: “Cha con không về nữa đâu con ơi! Cha con đã hy sinh anh dũng bảo vệ đảo trên biển Trường Sa”. Cả hai mẹ con ôm nhau khóc bên hàng hiên ngôi nhà vắng bóng đàn ông. Bấy giờ cô mới biết mình không còn cha nữa! Những ngày đi học sau đó cô ít nói, như người ốm...

Cô gái ấy là Trần Thị Thủy. Khi cha cô hy sinh cô còn trong bụng mẹ. Hồi cô 12 tuổi, một hôm cô thương nhớ cha đến xé lòng, đốt nén hương cô nhìn di ảnh của cha, nấc lên: “Cha ơi! Cha nói với con một câu gì để con được thấy đôi môi cha mấp máy, để nghe được tiếng nói của cha mà con hằng khao khát”. Khói nhang mờ mờ bay, trên bàn thờ chỉ có im lặng, chỉ có đôi mắt của người cha đang âm yếm nhìn con, an ủi con, và từ sâu thẳm trong bức ảnh như vọng lên lời nói với cô rằng: “Đừng khóc! Cứng rắn lên đi con. Cha mãi mãi bên con”. Từ đó cô không bao giờ khóc nữa. Cô đã trở thành đứa bé lớn trước tuổi. Càng lớn cô càng ý thức về người cha. Cha cô là một anh hùng! Cô nhận ra niềm tự hào đó. Càng tự hào về người cha bao nhiêu càng thôi thúc một ước nguyện trong cô là làm sao cô được nhìn thấy nơi cha cô ngã xuống. Năm cô học xong Đại học Quảng Bình, cô quyết tâm đến với Trường Sa.

Cô đã vượt qua gần ngàn cây số để được nhận vào làm việc ở Ủy ban nhân dân huyện Trường Sa. Nhưng huyện Trường Sa cách nơi cha cô ngã xuống xa quá. Có chuyến tàu HQ 936 đi tuần duyên đảo Sinh Tồn, được biết tàu sẽ đi qua tam giác giữa đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao cô xin các chú hải quân cho đi theo. Bây giờ cô đang đứng trên boong tàu mắt chăm chăm nhìn về phía đảo Gạc Ma, nơi cha cô ngã xuống. Tàu đến nơi gần đảo nhất cũng chỉ nhìn thấy đảo như một chiếc lá vàng nhỏ nhoi chìm nổi trên mặt biển mênh mông xanh rờn. Cô không thỏa lòng mong mỏi. Đây là cơ hội hiếm có không thể bỏ qua. Biết làm sao bây giờ? Giá như mình có đôi cánh để bay. Cơ hội sắp trôi qua! Cô nóng lòng, nhìn quanh con tàu như trông chờ ai đó có thể giúp cô. Rồi cô đi về đài quan sát, nói với anh lính đang quan sát bằng kính viễn vọng: “Anh cho em nhìn về phía đảo Gạc Ma!”. Người lính thấy có một cô gái trẻ làm phiền công tác của mình thì có vẻ không bằng lòng, anh nói: “Để làm gì?”. Cô gái đáp: “Để em được nhìn thấy nơi cha em đã hy sinh cách đây hơn hai mươi lăm năm trước!”. Anh lính tỏ ra thận trọng hơn: “Thế cô là con liệt sĩ. Tôi vô tâm quá! Tôi cứ ngỡ cô là người đi nhờ tàu ra thăm đảo Sinh Tồn. Vậy cha cô là ai? Cô nói ra nhất định chúng tôi sẽ biết!”. Cô gái nhỏ nhẹ: “Cha em là Trần Văn Phương”.

Anh lính nhìn cô gái một vài giây rồi nói: “Trời! Cô là con gái Anh hùng Liệt sĩ Trần Văn Phương chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma năm 1988. Sao cô không nói trước cho tôi biết! Bây giờ để tôi hướng dẫn cô quan sát”. Anh đưa kính viễn vọng cho cô và hướng đẫn cô nhìn về đảo Gạc Ma… Qua chiếc kính, cô nhìn thấy rõ những đợt sóng vỗ tung bọt trắng xóa vào những tảng đá lởm chởm trên đảo, nhưng cô không biết cha cô đã ngã xuống nơi nào. Cô nói: “Em nhìn thấy một bãi cát nhỏ trên đảo”. Người lính đáp: “Chúng tôi được biết thiếu úy Trần Văn Phương đã hy sinh anh dũng ngay trên bãi cát ấy vì kiên quyết ngăn cản không cho giặc cướp đặt chân lên đảo”. Cô gái buồn buồn nói: “Thế thì em nhìn thấy rồi!”. Cô buông máy quan trắc và xin nhờ điện thoại. Cô gọi về cho mẹ: “Mẹ ơi! Con đã nhìn thấy nơi cha con ngã xuống!”. Mẹ cô, cô giáo Mai Thị Hoa đang dạy trường Mầm non thôn Đơn Sa, một thôn nghèo làm nông xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, miền cát trắng Quảng Bình. Mẹ cô nhấc máy, nghẹn ngào chỉ thốt lên hai tiếng: “Con ơi!”. Cô biết mẹ đang xúc động thương nhớ cha khôn nguôi. Chờ cho mẹ qua cơn xúc động cô gọi tiếp: “Mẹ ơi! Bây giờ con đã gặp được cha con dù con chỉ nhìn thấy mảnh đất nơi cha con ngã xuống. Con thương nhớ cha con lắm và đứng trước trời biển mênh mông con tự hào về cha con”. Cô lại nghe giọng nói của mẹ cô run run: “Mẹ không cầm được nước mắt con ạ! Con vái ba vái với cha con thay mẹ. Con nói với cha con mẹ mong một ngày nào đó mẹ cũng tìm cách đến thăm cha con”.

Thủy vẫn đứng trên boong tàu nhìn về phía đảo Gạc Ma, trong lúc mũi con tàu hướng về đảo Sinh Tồn. Đảo Gạc Ma! Đảo Gạc Ma! Hai tiếng ấy cứ vang lên trong đầu óc Thủy một cách hào hùng và kêu gọi. Cha cô đã ngã xuống nơi đấy, cái chết của cha đem lại niềm tự hào cho cô, giúp cô vượt qua những khó khăn trong cuộc đời. Ngày cô học năm thứ hai ở trường Đại học Quảng Bình, cô bị ốm nặng, phải nghỉ học nhiều tuần, chương trình không theo kịp. Thật may, các cô thầy đã đã ưu ái giúp cô và nói cô là con của một anh hùng. Thủy đã nghĩ đến cha, cuộc đời của cha đã giúp cô bước tới…

Con tàu vẫn tiếp tục hành trình đi về phía đảo Sinh Tồn, Gạc Ma xa dần trong làn nước biếc xanh… Thủy đi vào ca-bin về phòng riêng của mình. Cô mở túi xách lấy ra bức ảnh nhỏ của cha mà cô đã đưa tiệm ảnh chụp lại từ bức ảnh lớn và lúc nào cô cũng mang theo bên mình. Cô ngắm cha, khuôn mặt của cha trẻ quá, đẹp quá - cha mới 23 tuổi! Cô thầm thì với bức ảnh: “Cha ơi! Khi qua nơi biển đảo này con đã được nhìn thấy nơi cha ngã xuống, trong lòng con cứ vang lên câu hỏi thôi thúc con phải làm gì để xứng đáng với cha, với biển đảo hùng vĩ của Tổ quốc? Cha cho con một lời khuyên!”. Bức chân dung lặng im, chỉ có đôi mắt nhìn con âu yếm và đầy khích lệ: “Con là dòng máu của cha!”. Như có một linh tính truyền cảm nào đó mách bảo, cô đã nhận ra giải đáp cho câu hỏi của cô qua đôi mắt của người cha, mặt cô rạng rỡ hẳn… Con hiểu! Con sẽ nhập ngũ, làm một người lính hải quân. Cô tìm một tờ giấy trắng nắn nót viết lá đơn xin tình nguyện nhập ngũ: “Kính gởi Chuẩn đô đốc Nguyễn Văn Ninh - Phó tư lệnh Quân chủng Hải quân. Cháu tên là Trần Thị Thủy, 22 tuổi, hiện đang công tác ở Ủy ban Nhân dân huyện Trường Sa, cháu viết đơn này tha thiết mong Tư lệnh đồng ý cho cháu nhập ngũ, làm một người lính Hải quân để kế tục nhiệm vụ của cha cháu trước đây ở đảo Gạc Ma. Kính đơn: Trần Thị Thủy”.

Phòng làm việc của Chuẩn đô đốc, trên tường là tấm hải đồ vùng biển đảo Hoàng Sa và Trường Sa lớn, choáng gần hết bức tường. Ông đang chăm chú vào bản kế hoạch huấn luyện cho hải quân chống máy bay, tàu chiến của kẻ thù xâm phạm lãnh hải của ta. Ông ký lệnh cho ngày kia bộ phận máy bay làm bia sẽ xuất hiện trên đảo diễn tập. Một sĩ quan của Lữ 146 bước vào phòng, trình cho ông một bức thư. Ông đọc lướt qua, tỏ vẻ khó chịu, bảo người sĩ quan: “Một đơn xin nhập ngũ sao lại chuyển vượt cấp như thế này?”. Người sĩ quan đáp: “Chính ủy Lữ đoàn chúng tôi cho biết đây là một trường hợp đặc biệt”. Người sĩ quan trình bày tiếp: “Hơn hai mươi lăm năm về trước, ngày 14-3-1988 quân Trung Quốc cho tàu đổ quân lên cướp đảo Gạc Ma. Các chiến sĩ của ta trên đảo chống trả quyết liệt. Hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh bị quân Trung Quốc dùng lê đâm và bắn chết. Chúng kêu gọi các chiến sĩ đầu hàng. Thiếu úy Trần Văn Phương giữ lấy lá cờ chủ quyền trên đảo quyết không cho chúng cướp. Chúng bắn anh, anh ôm lá cờ quấn quanh người và trước khi chết thiếu úy Trần Văn Phương hô: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo! Các đồng chí! Hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống quân chủng Hải quân”. Cô gái viết lá đơn tình nguyện nhập ngũ này là Trần Thị Thủy, con gái duy nhất của thiếu úy Anh hùng Trần Văn Phương. Tốt nghiệp đại học cô đã tự nguyện về công tác ở huyện đảo Trường Sa. Nhưng chừng ấy chưa thỏa mãn nguyện vọng của cô, cô muốn trở thành người lính Hải quân cho xứng đáng với cha cô. Nghe xong, Chuẩn đô đốc xúc động thốt lên: “Trường hợp này, lá đơn này, cô gái này thật đặc biệt! Truyền thống quân chủng ta có thêm một chiến sĩ đáng tự hào đóng góp”. Ông ngừng một lúc rồi thân mật nói với người sĩ quan: “Tôi ký ngay quyết định gọi nhập ngũ vào đơn này. Bằng cách nào đó đồng chí chuyển thật nhanh lá đơn này cho cô Thủy”.

Thủy mặt mày rạng rỡ, sung sướng mặc bộ quân phục Hải quân màu trắng ngay trong phòng làm việc của trụ sở Ủy ban nhân dân huyện Trường Sa, mà cô mới nhận được cùng quyết định nhập ngũ của quân chủng Hải quân vừa chuyển đến. Các chú, các anh trong ủy ban bảo Thủy hôm sau hẳn lên đường để cơ quan làm tiệc liên hoan chia tay. Nhưng Thủy bảo hôm khác cháu về. Bây giờ đi cho kịp chuyến tàu ra các đảo để đến Lữ đoàn 146 nhận nhiệm vụ.

Trên boong tàu lồng lộng gió Thủy ngước mắt dõi theo phía biển xa mà đầy xúc động. Đây là lần thứ hai cô được đến gần đảo Gạc Ma, nơi cha cô đã anh dũng ngã xuống. Tình cảm trào dâng trong lòng Thủy… Cha ơi! Con đã đạt được nguyện vọng rồi. Con hãnh diện giờ đây con đã là người lính hải quân thực thụ. Con được mặc áo trắng cổ viền sọc xanh, mũ đeo quân hiệu cờ đỏ sao vàng. Con sẽ mãi mãi theo bước chân của cha dù có phải hy sinh con cũng không lùi bước đâu cha ạ! Cha tin con sẽ hành động như thế! Và nữa cha ơi, con luôn được đi trên biển, đến các hòn đảo lớn nhỏ của Tổ quốc, vậy là con luôn được gần cha, điều mà con khao khát trong lòng từ ngày còn bé, từ ngày con đứng bơ vơ nhìn những người cha ôm ấp đón con từ nơi trường mẫu giáo con đã khóc vì cha mình xa vắng.

Tàu đang băng băng rẽ sóng bỗng chạy chậm lại và một hồi còi rền rĩ vang lên, các binh sĩ trên sàn tàu đứng nghiêm ngả mũ một phút hướng về phía đảo Gạc Ma. Thủy biết tàu đã đến gần nơi cha mình ngã xuống, cô lấy trong ba lô ra những bông hồng giấy đã chuẩn bị sẵn trước ném xuống biển và nấc lên: “Cha ơi! Chưa bao giờ con gần cha như hôm nay. Cha ơi! Con sẽ tìm cách đưa mẹ đến nơi đây để mẹ được nhìn thấy nơi cha đã nằm xuống, điều mà mẹ con tâm niệm khao khát mong mỏi cả đời để sau này mẹ có nhắm mắt cũng yên lòng. Cha phù hộ cho mẹ con cha nhé!”. Mặc cho con tàu rẽ sóng, cô ngoái nhìn về phía đảo Gạc Ma mãi không thôi. Hồn biển đang dâng lên trong tâm hồn Thủy.

Theo Tuần báo Văn nghệ TP. HCM

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast