Ông bà ở đâu trong cái Tết thành thị?

Một cách vô tình hay cố ý, người già bị đẩy ra một góc và tự đón Tết của riêng mình …

Trong quan niệm truyền thống của người Việt, Tết là dịp để những người con tha hương trở về đoàn viên cùng gia đình sau một năm dài kiếm sống nơi đất khách quê người. Tết cũng là dịp mà những đứa con xa cố ngóng chuyến xe cuối để kịp về với ông bà, cha mẹ trước lúc giao thừa. Tết là dịp để đoàn viên, sum vầy.

Thế nhưng cuộc sống hiện đại với nhịp sống phố thị hối hả đã khiến nhiều người trẻ trở nên xa lạ với khái niệm Tết đoàn viên, Tết sum vầy. Họ là những người sinh ra và lớn lên ở thành phố, không gian sống vốn chỉ loanh quanh từ nhà ra ngõ. Với họ, Tết chẳng qua chỉ là dịp nghỉ dài ngày. Thế là nhiều người vội vàng xách ba lô, đặt vé tàu vi vu ở một nơi nào đó nhằm thỏa mãn chí giang hồ.

Với họ, Tết là khoảng thời gian nhiều gia đình tất bật chuẩn bị cho kế hoạch du xuân. Lựa chọn hàng đầu được nhiều gia đình trẻ háo hức là cùng nhau đi du lịch nghỉ dưỡng, tiếp đến là dành ra vài ngày đi viếng chùa, xin lộc đầu năm. Các bạn trẻ hơn thì thích thú với việc tụ họp ngắm đường hoa, chợ xuân hoặc các sân khấu ca nhạc rộn ràng thanh âm, màu sắc. Một số gia đình vốn quanh năm bận rộn thì Tết là dịp để họ tận dụng … đóng cửa nghỉ ngơi, dọn dẹp nhà cửa. Vậy là xong ba ngày Tết.

ong ba o dau trong cai tet thanh thi

Mùa xuân của người già là khi con cháu trở về ăn Tết

Nhưng bất giác nhìn lại, nhiều người tự hỏi người già ở đâu trong lịch trình bận rộn kia? Vào dịp này, không ít người già (vì hoàn cảnh bắt buộc phải sống cùng với con cháu nơi phố thị ồn ào) thường ngậm ngùi nhớ về hương vị Tết xưa với tâm trạng đầy tiếc nuối.

Hãy thử nghĩ mà xem, có mấy người trẻ muốn chụp những tấm ảnh “tự sướng” với ông bà? Nếu có chụp thì mấy người “dám” hoặc “chịu” đăng lên facebook để khoe với bạn bè? Và trong số vô vàn những tấm ảnh được đăng lên mạng xã hội những ngày Tết, có bao nhiêu tấm hình có bóng dáng người già trong đó? Đối với nhiều người trẻ hôm nay, Tết là dịp để khoe những nơi mình đến, món ngon mình ăn hay một vài trải nghiệm thú vị với bạn bè. Nó không còn là khoảnh khắc cả nhà về quê cùng ông bà dọn dẹp nhà cửa, nấu bánh chưng, bánh tét, canh bếp lửa, ăn bữa cơm giao thừa, con cháu đùa giỡn chạy quanh sân …

Tết giờ đây muốn gì có nấy, đủ đầy vật chất, ăn chơi chẳng thiếu thứ gì. Thế mà nhiều người vẫn bảo thiếu. Có lẽ Tết giờ thiếu mùi mồ hôi cả nhà chung tay quét dọn sân vườn, cùng nhau quây quần gói bánh, thức đêm canh lửa; thiếu mùi thuốc rê ông nội hút, tiếng cười giòn tan của ngoại khi mấy đứa cháu giành ăn. Tết thành phố lấy đâu những yêu thương ngọt lịm đến thế.

Mỗi mùa Tết trôi qua, món quà dễ nhận thấy nhất của nhiều đứa con thành phố gửi cho bố mẹ dưới quê là xấp vải may áo, là dăm hộp bánh ngoại, mấy gói trà, thậm chí là cả xấp tiền dày mừng tuổi. Thu vén hơn, một vài người gắng chạy về chiều ba mươi ăn vội bữa cơm để ông bà vui lòng rồi rảo bước nhanh về thành phố để kịp chuyến chơi xa. Thế nhưng, niềm vui đón xuân về của ông bà, cha mẹ, thật sự đơn giản hơn nhiều. Đó chỉ là tiếng nói cười rộn ràng ấm áp gian nhà ba ngày Tết, là mâm cơm đủ mặt gia đình, gắp cho nhau từng chút đồ ăn và biết nhau luôn khỏe mạnh.

Những người còn mải mê mưu sinh có lẽ không hiểu được cảm giác nóng lòng của ông bà khi chờ con cháu về ăn bữa cơm đoàn viên những ngày cận Tết. Với họ, Tết chỉ quay cuồng với tiền bạc và những chuyến chơi xa. Dù vô tình hay cố ý, người già dường như bị “mất hút” trong niềm vui của người trẻ và bị đẩy ra một góc, tự đón Tết của riêng mình.

Thế nên các bạn trẻ ạ, chúng ta vẫn còn đủ thời gian để điều chỉnh những kế hoạch của mình, vẫn đủ thời gian để sắp xếp lại một đống kế hoạch. Người già vốn không cần gì nhiều vì với họ, mùa xuân chính là mùa con cháu trở về ăn Tết.

Theo Tài nguyên & Môi trường

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast