Cần giải phẫu triệt để căn bệnh “mua quan, bán chức”!

(Baohatinh.vn) - Những năm qua, Đảng ta rất nỗ lực ngăn chặn vấn nạn “kẻ bán, người mua” trong công tác cán bộ, song, vấn nạn này vẫn chưa được triệt bỏ.

Xây dựng cơ chế chống bệnh "bán chức"

Muốn giải phẫu căn bệnh “bán chức”, trước hết phải xây dựng cơ chế quản lý và quy trình đánh giá, tuyển chọn cán bộ thật khoa học, chặt chẽ.

Chọn “công bộc” của dân phải chú trọng cả hai mặt tâm và tầm; minh định rạch ròi những người trung thành với lý tưởng, dám làm, dám chịu trách nhiệm, biết vui trong niềm vui của dân, biết đau trong nỗi đau của dân với những cán bộ sống an phận thủ thường, dùng tập thể làm “lá chắn” để che đậy ý đồ cá nhân, mưu cầu lợi ích riêng, những phần tử cơ hội, xu nịnh, bợ đỡ cấp trên, buông thả trong lối sống sinh hoạt.

Cần giải phẫu triệt để căn bệnh “mua quan, bán chức”!

Toàn cảnh bế mạc Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Trước khi lấy phiếu tín nhiệm, cấp ủy và cơ quan quản lý cần “vi hành” sát dân, sát cơ sở, thu thập và phân tích chính xác các thông tin. Vì chưa có được thông tin cần thiết, thậm chí bị “nhiễu” hoặc bị che đậy bằng những ý đồ cá nhân thì kết quả thăm dò tín nhiệm không có ý nghĩa.

Trong cuộc sống, cái tốt, cái xấu của người cán bộ, nhất là người có chức vị không thể lọt qua tai mắt cấp dưới và quần chúng. Do đó, phải trang bị cho đảng viên và quần chúng quan điểm đánh giá, giám sát và giới thiệu cho Đảng những người có uy tín, lấy hiệu quả công việc làm thước đo, lấy yêu cầu của sự nghiệp đổi mới làm căn cứ xem xét; không để diễn ra tình trạng cấp trên khen hết lời nhưng dân tình thì tha oán.

Tiếp tục đổi mới quy chế bầu cử trong Đảng và trong hệ thống chính trị nhằm tạo được sự cạnh tranh lành mạnh trong tìm chọn người hiền tài cho đất nước. Những người được giới thiệu phải có chương trình hành động và những cam kết về trách nhiệm của cá nhân. Chúng ta không thể gọi cuộc đua khi chỉ “một người, một ngựa”. Tại sao một cách ứng xử lành mạnh như thế lại không tồn tại trong quy trình bầu cử, đề bạt cán bộ?

Tỷ lệ trúng cử cao hay thấp đâu phải là yếu tố quyết định, người có tỷ lệ trúng cử thấp chưa hẳn là người không có năng lực, vấn đề là phải có chuẩn mực để đánh giá từ phẩm chất, lòng nhiệt huyết, đức hy sinh và hiệu quả công việc của người đó. Trúng cử nhưng tỷ lệ thấp là bài học sâu sắc cho mỗi người, có khi còn giá trị gấp nhiều lần những cuộc tự phê bình, kiểm điểm mang tính chiếu lệ.

Đối với cơ quan quản lý cán bộ và những người làm công tác cán bộ phải là những người mẫu mực về đạo đức, công tâm, trung thực, có bản lĩnh và năng lực nhìn người. Sắt thép còn đàn hồi thì trái tim con người còn rung động, nhưng tần số rung động đó phải đặt lý trí lên tình cảm cá nhân, không vẩn đục riêng tư. Người làm công tác cán bộ mà vì thân quen, vì tiền là có tội lớn với Đảng, với dân; phải xử lý nghiêm túc và kiên quyết loại bỏ khỏi tổ chức.

Giải phẫu “khối u” chạy chức, chạy quyền

Căn bệnh “chạy chức, chạy quyền” diễn ra khá phổ biến ở nơi này nơi khác, họ biến cấp uỷ thành “nhịp cầu tiến thân” nhằm mưu cầu lợi ích cá nhân. Mỗi khi quyền lực đã biến thành thứ “Tư bản”, công bộc của dân trở thành “hàng hóa” thì người ta sẽ kinh doanh để tìm lợi lộc cho cá nhân và bè đảng.

Cần giải phẫu triệt để căn bệnh “mua quan, bán chức”!

Ảnh minh họa từ internet

Điều đáng lo ngại là một số phần tử ngoài xã hội cũng tung tiền, bỏ của bằng mọi thủ đoạn để tạo dựng sự liên kết “lợi ích nhóm” nhằm rút ruột nhà nước. Thật đau lòng khi hàng loạt cán bộ cao cấp, tướng lĩnh bị truy tố trước pháp luật dẫn đến nhà nước mất tiền của, đảng mất cán bộ, dân mất lòng tin.

Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị “Về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền” đã chỉ rõ trách nhiệm của tổ chức và các thành viên, nhất là vai trò người đứng đầu. Quy định đã đề ra những giải pháp xử lý, những mầm bệnh nguy hiểm đó trong bộ máy Đảng, trong công tác cán bộ. Nhưng tôi nghĩ, giải pháp hữu hiệu nhất có tính quyết định để loại bỏ “khối u” chạy chức, chạy quyền hiện nay là “cột” trách nhiệm cá nhân, nhất là trách nhiệm người đứng đầu.

Lời hứa trung thành với Tổ quốc không thể chung chung mà phải được đánh giá và kiểm chứng trong thực thi công vụ theo chức trách của mỗi chức danh cán bộ. Phải làm rõ thẩm quyền và trách nhiệm của cá nhân về quản lý chuyên môn, quản lý tổ chức bộ máy, quản lý cán bộ, nhân viên dưới quyền. Vì chưa làm rõ chế độ trách nhiệm cá nhân, dẫn đến tình trạng tranh công đỗ lỗi, làm được thì “công anh, công tôi”, không làm được, có sai phạm thì đổ lỗi cho tập thể, cho cơ chế, thậm chí đổ lỗi cho tham mưu của cấp dưới…

Người đứng đầu không quản lý được cấp dưới có thể anh chưa trên tầm hiểu biết để làm thủ lĩnh hoặc biết nhưng thờ ơ, thậm chí bày mưu, tòng phạm cùng cấp dưới. Chưa làm rõ chế độ trách nhiệm cá nhân là nguyên nhân chính làm cho căn bệnh chạy chức, chạy quyền lây lan.

Mỗi khi đã thấu hiểu chức năng, nhiệm vụ; làm cho mỗi cán bộ tự thấy vào cấp ủy để cống hiến, hy sinh cho dân, cho Đảng, không phải vào để hám lợi, thì người cán bộ có quyền ứng cử hoặc từ chối đề cử nếu xét thấy không đủ năng lực để đảm nhận. Nếu ứng cử phải có cam kết với tổ chức trước khi bầu. Làm được thì trọng dụng, làm sai, không hoàn thành nhiệm vụ, dẫn đến sai phạm cá nhân và tổ chức thuộc thẩm quyền thì dũng cảm từ chức; vi phạm nghiêm trọng thì chịu kỷ luật trước Đảng và xử lý theo pháp luật.

Đảng ta là một Đảng cầm quyền, nền tảng vật chất của Đảng là nhân dân. Nhưng, khi lối sống của một số cán bộ đảng viên bị suy thoái, đi ngược lại lợi ích của nhân dân thì Đảng sẽ bị đánh mất nền tảng vật chất của mình là nhân dân.

Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30/5/2019 về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong đó nêu rõ về tiêu chuẩn cấp ủy viên:

Kiên quyết sàng lọc, không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng; phẩm chất, năng lực, uy tín giảm sút, thiếu gương mẫu, mất đoàn kết, cục bộ, bè phái, cơ hội, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; có biểu hiện suy thoái về về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”...”.

Chủ đề ĐẠI HỘI ĐẢNG CÁC CẤP

Chủ đề Đại hội XIII của Đảng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast