Dọc miền đất cổ…

(Baohatinh.vn) - Lần đầu tiên tôi chạy xe dọc bờ sông Lam vào mùa đông. Gió ràn rạt thổi qua mặt đê mang theo hơi lạnh của con nước buổi triều dâng. Hai bên là những ngôi làng với những ngọn khói xanh lam tỏa ra từ mấy lùm tre cong cong...

Hướng tới kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du (1765-2015)

Chúng tôi dừng xe bên một rặng hoa xương rồng mới nở. Dưới chân là cát bạc âm ấm hơi mặt trời. Những cây xương rồng xanh thẫm nở muôn đóa hoa cánh vàng mỏng mảnh mà lại vô cùng mạnh mẽ. Ấy cũng chính là bản chất của người Nghi Xuân xưa nay.

Dọc miền đất cổ… ảnh 1

Hát ví, giặm bên dòng Lam

Qua một con ngõ cát mịn là nhà bạn tôi. Ông của bạn làm nghề đi biển nên màu da và giọng nói ồm ồm sóng gió. Ấy vậy mà, ánh mắt sâu thăm thẳm của ông lại rất đỗi ấm áp, hiền từ. Ánh mắt ấy phản chiếu một tâm hồn dung dị nhưng trầm tích trong nó nhiều lớp lang văn hóa của miền đất Nghi Xuân. Gia đình ông có tàu công suất lớn để đi khơi nhưng ít ai biết ông còn có một con nôốc (đò) nhỏ neo ngoài bờ cuối sông Lam và một ngôi nhà ở đây – nơi quê ngoại ông. Vào những ngày không ra khơi như thế này, ông lại ngồi lên con nôốc, xuôi ngược sông Lam, ngắm cảnh trời mây, sông nước.

Chuyện trò một lúc, ông hỏi:

- Cháu có muốn ngược sông Lam bằng nôốc không?

Tôi đương nhiên là đồng ý. Chúng tôi ngồi trên những dong gỗ vắt ngang con nôốc màu xám bạc và chính thức trở thành du khách của ông. Xuôi về Bến Thủy, đi một quãng, ông chỉ tay về phía trước, xa xa bên kia sông và nói:

- Ngày trước, đất ấy cũng thuộc Nghi Xuân đó cháu. Đến thời Khải Định thì bị cắt về huyện Hưng Nguyên (Nghệ An).

Qua Giang Đình, ông nhìn xa xăm lên phía trên bờ và cất giọng buồn buồn: Ngày xưa, bến này đẹp lắm, đông vui, tấp nập lắm nhưng giờ không còn nữa. Nếu ông không nói thì tôi cũng không biết chúng tôi vừa đi qua một trong “bát cảnh” của Nghi Xuân. Tôi lẩm nhẩm đọc “Hồng Sơn liệt chướng/ Đan Nhai quy phàm/ Song Ngư hý thủy/ Cô độc lâm lưu/ Giang Đình cổ độ/ Quần Mộc bình sa/ Uyên Trừng danh tự/ Hoa phẩm thắng triền”.

– Cháu vừa nhắc đến 8 cảnh đẹp xưa của Nghi Xuân phải không? - Ông hỏi? – Dạ, sách viết thế ông ạ!

– Thiên nhiên cũng có tuổi đấy cháu! Hạn hữu cả thôi! Miễn sao lòng người luôn ghi nhớ là được. Nói rồi, ông chậm rãi kể: Ông biết rõ về vẻ đẹp của bến Giang Đình còn là qua chuyện kể của cha mình nữa đấy. Thuở xưa, trên chợ, dưới thuyền tấp nập đông vui lắm. Bến vừa là nơi đón khách xa bằng đường thủy của huyện, vừa là nơi diễn ra những cuộc đón mừng các ông nghè vinh quy, bái tổ, là nơi diễn ra những cuộc hát giao duyên, tâm tình của nam nữ các miền… Ấy vậy mà, giờ không còn nữa. Âu cũng là thuận theo sự đổi thay của đời sống xã hội cháu à…

Dọc miền đất cổ… ảnh 2

Núi Hồng sông Lam

Giữa tiếng sóng oàm oạp liếm vào con nôốc, tiếng máy nổ của những con thuyền ngược xuôi dòng Lam, 3 ông cháu tôi cứ lặng im theo đuổi những ý nghĩ riêng của mình. Cho tới khi Bến Thủy hiện ra rất gần trước mắt. Neo thuyền dưới chân cầu, ông nói: “Cháu hãy lên cầu và nhìn về Nghi Xuân!”. Từ đây, tôi mới thấy rõ, Nghi Xuân nằm trọn trong sự ôm ấp của núi Hồng – sông Lam và biển cả. Xa tít kia là núi Hồng, nơi mà có lần nhà nghiên cứu văn hóa Võ Hồng Huy đã kể cho tôi nghe về những chuyến điền dã tìm hiểu truông cố Ghép.

Cố Ghép là một lực điền người làng Công Khánh (nay là Xuân Lĩnh), tên thật là Ngô Trát. Xưa kia, từ Nghi Xuân vào Can Lộc phải vượt núi, trèo đèo khó khăn nên cố đã tự mình phá đá, ghép bậc, tạo thành một con truông đi lại dễ dàng giữa 2 vùng đất. Từ đó, con truông giữa 2 huyện Nghi Xuân – Can Lộc cũng được gọi là truông cố Ghép. Việc làm của cố Ghép cho thấy truyền thống cần cù lao động, biết hy sinh vì cộng đồng của người dân Nghi Xuân cổ xưa.

Vùng quê ngút ngát màu xanh với những mảng màu vàng đỏ điểm xuyết trước mắt nói với tôi về một vùng kinh tế đang phát triển, đồng thời, trầm tích trong nó muôn vàn giá trị lịch sử, văn hóa cổ xưa. Di chỉ khảo cổ học Phôi Phối (Xuân Viên) cho thấy, con người đã có mặt ở vùng đất này cách đây khoảng 4.000–5.000 năm. Những hiện vật sưu tầm được từ các di chỉ khảo cổ khác như đền Huyện (Xuân Giang), Xuân Hội, Xuân An và hơn 100 ngôi đình, chùa, miếu mạo… phản ánh đời sống tinh thần phong phú và sự giao thoa văn hóa của cư dân nơi đây với các vùng văn hóa khác trong các thời kỳ lịch sử.

Dọc miền đất cổ… ảnh 3

Chiều trên bến sông Lam đoạn xã Xuân Giang (Nghi Xuân)

Không chỉ có thế, Nghi Xuân còn nổi danh là miền đất hát của Hà Tĩnh. Tuy lối sinh hoạt văn hóa dân gian hát ả đào không còn phổ biến trong đời sống nhân dân như xưa nữa nhưng những gì còn lưu lại cho đến ngày nay là minh chứng cho thấy, Nghi Xuân là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa. Một ngày mùa đông cách nay chừng dăm năm, tôi đã được tiếp cận nghệ thuật hát ca trù qua những giọng ca xanh bóng thời gian của làng Cổ Đạm. Ít ai ngờ, ngôi làng nhỏ bé, nghèo nàn với những căn nhà nằm lặng im dưới rặng phi lao vi vút gió ấy lại sinh ra điệu hát mê đắm lòng người đến thế. Đây cũng là miền đất của hát ví phường nón, ví đò đưa sông Lam và nhiều loại ví, giặm khác. Hiện nay, ở Nghi Xuân, các câu lạc bộ ví, giặm đang phát triển mạnh mẽ và được giới trẻ hào hứng tham gia.

Tôi đưa mắt trông xa ra phía biển, nơi ấy, các xã Hội, Trường, Đan, Phổ, Hải, Yên, Thành như cánh tay lực điền vạm vỡ dang ra chắn sóng, che chở cả một vùng văn hóa phía trong. Nghi Xuân xưa là vùng đất bạc màu, thiên nhiên khắc nghiệt nhưng như duyên trời định, những cư dân tứ xứ vẫn chọn nơi đây để sinh cơ lập nghiệp.

Và rồi, đất không phụ người, đã cùng tinh hoa sông núi nuôi dưỡng biết bao thế hệ hiền tài cho đất nước. Những dòng họ nổi tiếng như Nguyễn (Tiên Điền), Phan (Phan Xá), Đặng (Uy Viễn), Võ (Hội Thống), Ngụy (Xuân Viên), Thái (Xuân Lam)… với những người con tài trí đã khẳng định Nghi Xuân không chỉ là đất văn hóa mà còn là đất của các kỳ nhân được cả sử sách ghi chép lẫn dân gian lưu truyền. Trong đó, nổi tiếng nhất chính là dòng họ Nguyễn Tiên Điền với 5 người là tiến sỹ (Nguyễn Huệ, Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Tạn, Nguyễn Khản, Nguyễn Mai) và một sự nghiệp văn chương rực rỡ.

Được khơi nguồn từ Nguyễn Nghiễm, phát triển rực rỡ ở các con trai Nguyễn Đề, Nguyễn Du và 2 người cháu là Nguyễn Thiện, Nguyễn Hành, sự nghiệp văn chương của dòng họ Nguyễn Tiên Điền đã góp vào thi đàn dân tộc những thi phẩm tồn tại mãi với thời gian. Trong đó, nổi tiếng nhất là Nguyễn Du với tuyệt phẩm Truyện Kiều đã đi vào tâm tư nhân loại, trường tồn cùng thời gian. Chính Truyện Kiều là nơi khởi phát sinh hoạt văn hóa dân gian trò Kiều tại một số tỉnh. Và 2 làng Tiên Điền, Xuân Liên của Nghi Xuân là nơi lưu giữ, phát huy các giá trị của trò Kiều cho đến ngày nay.

- Sắp tới, lễ kỷ niệm 250 năm ngày sinh Nguyễn Du được tổ chức to lắm phải không cháu? Đi biển, ông nghe đài nói thế!

- Vâng, đó là một đại lễ của quốc gia, được đông đảo bạn bè thế giới quan tâm ông à. Đó còn là dịp để vinh danh danh nhân văn hóa thế giới của Đại thi hào Nguyễn Du nữa ạ!

- Thế thì Nghi Xuân mình nổi tiếng nhờ Nguyễn Du cháu nhỉ!

Không đợi tôi trả lời, ông đưa tay ra hiệu xuống thuyền. Chúng tôi bước theo bóng ông đổ dài trên bãi cát miên man những dây muống biển… Tôi ngước nhìn lên bầu trời ban chiều ráng đỏ và mường tượng về một đại lễ thấm đượm hồn dân tộc, ấm nồng tình quốc tế.

Nghi Xuân, tháng 11/2015

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast