Các xã tốp cuối trong xây dựng NTM: (Bài 1): Yếu từ quá trình khởi động!

(Baohatinh.vn) - Theo thống kê của đoàn kiểm tra liên ngành, tại thời điểm giữa quý 3/2014, toàn tỉnh có 61 xã đạt dưới 7 tiêu chí, trong đó có 3 xã mới đạt 1 tiêu chí, bình quân số tiêu chí đạt được của nhóm xã này là 3,9 tiêu chí/xã. Ngoài những khó khăn do khách quan thì sự vào cuộc thờ ơ, thiếu sáng tạo... đã bộc lộ nhiều yếu kém, vướng mắc ngay trong quá trình khởi động.

Yếu từ khâu chỉ đạo

Cùng với Hà Linh (Hương Khê), Kỳ Thịnh (Kỳ Anh), xã Tân Lộc (Lộc Hà) là một trong 3 địa phương mới chỉ hoàn thành 1 tiêu chí. Nguyên nhân cơ bản, bao trùm dẫn đến sự yếu kém nói trên chính là sự thờ ơ, thiếu tâm huyết, năng lực của đội ngũ cán bộ lãnh đạo. Theo thống kê, trong 3 năm tiến hành xây dựng NTM (2011, 2012 và 2013), Tân Lộc chưa hình thành được kế hoạch xây dựng mới cụ thể nào. Quá trình thực hiện nhiệm vụ vẫn diễn ra theo kiểu “xuân thu nhị kỳ”.

Các xã tốp cuối trong xây dựng NTM: (Bài 1): Yếu từ quá trình khởi động! ảnh 1

Trạm Y tế xã Đức Dũng (Đức Thọ) xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa có kinh phí sửa chữa, xây mới.

Đội ngũ cán bộ chưa ý thức được xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, vì vậy, không trăn trở trước cái khó của người dân, chưa tận tụy với trọng trách được giao phó. Trong vòng 4 năm triển khai xây dựng NTM, xã Tân Lộc mới chỉ thành lập được 2 mô hình vừa và nhỏ, 1 doanh nghiệp; tổng nguồn vốn trực tiếp được huy động, bố trí xây dựng NTM chưa đến 2,5 tỷ đồng; thu nhập bình quân mới chỉ đạt 13,9 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 17,06%... Chưa đầy 4 năm, Tân Lộc đã phải “chia tay” đến 3 chủ tịch xã. Theo ý kiến của bà con địa phương, do năng lực của người đứng đầu hạn chế nên guồng quay của cả hệ thống cũng diễn ra chậm chạp.

Thiếu sự đôn đốc, giám sát, kiểm tra khiến cho những yếu kém, trì trệ tồn tại từ năm này qua năm khác là thực trạng chung của nhóm xã đạt dưới 7 tiêu chí: Thạch Hưng (TP Hà Tĩnh) cũng không ngoại lệ. Mặc dù cách trung tâm thành phố chưa đầy 2 km nhưng Thạch Hưng cũng mới “lẹt đẹt” hoàn thành 6 tiêu chí; đặc biệt, trong 4 năm, địa phương không xây dựng nổi một mô hình sản xuất có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm.

Theo khẳng định của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn, sản phẩm đầu ra của quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chương trình xây dựng NTM chính là hoàn thành các tiêu chí. Vì vậy, khi so sánh với những kết quả đạt được ở Thạch Hưng và nhóm xã dưới 7 tiêu chí, rõ ràng, vai trò lãnh đạo của cấp ủy, các tổ chức, đoàn thể và phòng, ban chuyên môn này khá mờ nhạt. Thậm chí, ở một số xã như: Hương Lâm, Hương Đô, Hương Giang, Phương Mỹ (Hương Khê); Thạch Điền (Thạch Hà); Hương Quang, Hương Điền (Vũ Quang); Sơn Hàm (Hương Sơn), từ khi triển khai thực hiện chương trình đến tháng 8/2014, huyện ủy, UBND, ban chỉ đạo chưa có cuộc làm việc nào với địa phương.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, tỷ lệ cán bộ đạt chuẩn ở nhóm xã này rất thấp (57/61). Ngoài ra, tại hầu hết các xã, cán bộ chuyên trách NTM đang kiêm nhiệm, chưa được đào tạo bài bản; trong khi đó, phần lớn công việc đều được triển khai bắt đầu từ vị trí chuyên trách và khi năng lực của người được giao việc có hạn thì nhiệm vụ tham mưu, điều phối đơn thuần chỉ là “động từ” mà thôi.

“Bí” trong phát triển sản xuất

Khách quan mà nói, do xuất phát điểm thấp, phần lớn thuộc diện các xã miền núi hoặc vùng bãi ngang ven biển nên việc xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống, sản xuất ở các địa phương này đang gặp nhiều khó khăn. Do đặc thù điều kiện tự nhiên nên hệ thống GTNT, kênh mương nội đồng tại các khu vực này thiếu đồng bộ. Nhiều xã trong 4 năm liền không bố trí vốn thực hiện chương trình xây dựng NTM, trong khi đó, sự quan tâm, phân bổ nguồn vốn của huyện cho các địa phương này cũng hết sức nhỏ giọt, nên ý tưởng cải thiện hạ tầng thiết yếu vẫn dang dở.

Các xã tốp cuối trong xây dựng NTM: (Bài 1): Yếu từ quá trình khởi động! ảnh 2

Do điều kiện dân cư phân bố thưa thớt, địa bàn trải rộng nên việc hoàn thành tiêu chí GTNT ở Hà Linh (Hương Khê) gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Đặng Đức Minh - Chủ tịch UBND xã Hà Linh, trong tổng số 160 km đường GTNT, đến nay, địa phương mới chỉ bê tông hóa được gần 40 km và kiên cố hóa 7/40 km kênh mương nội đồng. Mặc dù, địa phương có điều kiện để phát triển kinh tế trang trại, nhưng do nằm trong vùng lũ, điều kiện giao thông không thuận lợi nên việc phát triển sản xuất rất khó khăn, các mô hình sản xuất quy mô nhỏ lẻ, tự phát, chưa có sự liên kết ổn định.

Theo Phó Chánh văn phòng điều phối NTM huyện Hương Khê - Nguyễn Thừa Lộc, hiện nay, các hộ dân trên địa bàn dù muốn xây dựng các mô hình sản xuất quy mô cũng không dễ. “Mặc dù các địa phương đã quy hoạch được vùng sản xuất tập trung nhưng do tiến độ giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chậm nên người dân chưa có cơ hội nhận được đất hoặc chưa thể hoàn thiện được hồ sơ thủ tục để vay vốn, mở rộng sản xuất”, ông Lộc cho hay.

Sau một quá trình triển khai chương trình xây dựng NTM, đại đa số người dân đã nhận thức được vai trò chủ thể của mình trong vấn đề này. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hộ dân, đặc biệt là bà con một số địa phương khó khăn vẫn còn ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của các chương trình, dự án. Chưa mạnh dạn bứt mình ra khỏi khó khăn nội tại, thiếu cầu thị trong việc cải thiện đời sống vật chất, tinh thần. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ ở nhiều địa phương không tìm tòi, sáng tạo, cùng nông dân vượt khó, vì vậy, khoảng cách phát triển giữa nhóm xã này với các địa phương khác tiếp tục được nới rộng.

Cũng vì lý do giao thông cách trở, tư liệu sản xuất chưa rõ ràng, phương thức sản xuất thiếu chuyên nghiệp nên không ít doanh nghiệp khi về khảo sát đã tìm cách từ chối khéo. Đó cũng là nguyên nhân khiến cho 29 xã không có doanh nghiệp, 18 xã không thành lập HTX, 31 xã không có tổ hợp tác trong suốt 4 năm xây dựng NTM.

(Còn nữa...)

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast