Hà Tĩnh đứng vị trí thứ 7 trong cả nước về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI)

Hà Tĩnh đã soán ngôi các tỉnh bắc Trung Bộ để đứng vào vị trí thứ 7 trong cả nước về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI) do Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam bình chọn. Thu hút các dự án chất lượng cao và tập trung giải ngân nguồn vốn, đặc biệt đối với nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là vấn đề trọng tâm trong lĩnh vực đầu tư của năm 2012. Thực tế đang đòi hỏi sự nỗ lực từ nhiều phía mới đạt được mục tiêu đề ra, nhằm tạo đà thúc đẩy kinh tế phát triển mạnh hơn những năm tiếp theo.

Cách đây khoảng 3 năm về trước, thu hút đầu tư đã trở thành “làn sóng” khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Các địa phương đua nhau “trải thảm đỏ” với tinh thần mời gọi, thu hút đầu tư càng nhiều dự án càng tốt.

Trên công trường Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh

Trên công trường Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh

Để nâng cao năng lực cạnh tranh, các tỉnh, thành phố đã đưa ra nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi nhà đầu tư, mặc dù có trường hợp chưa biết chắc chắn năng lực và các điều kiện khác của đối tác như thế nào.

Trên thực tế, có những địa phương đã “xé rào” vượt khung quy định của Chính phủ về lĩnh vực này. Hay nói cách khác là tranh thủ thời cơ để thu hút đầu tư bằng mọi giá. Bởi thế mà số lượng các công trình, dự án thuộc nhiều lĩnh vực đầu tư tăng lên nhanh chóng.

Bây giờ thì hầu như địa phương nào cũng thận trọng hơn. Do khó khăn chung và những bất cập liên quan nảy sinh nên thu hút đầu tư là một vấn đề buộc bất cứ tỉnh, thành phố nào cũng cân nhắc, tính toán. Xu thế chung là thay vì thu hút số lượng dự án đầu tư theo kiểu dàn trải, các địa phương đã nghiêng về coi trọng chất lượng và giải ngân nguồn vốn.

Với nhiều tiềm năng, lợi thế và đặc điểm của địa phương, Hà Tĩnh đang tập trung làm tốt các khâu nhằm tạo mọi điều kiện cho các đối tác đầu tư, trong đó ưu tiên các dự án công nghệ sạch, chế biến sâu, dịch vụ hiện đại và thân thiện với môi trường, thực sự có hiệu quả lâu dài.

Trọng tâm của năm 2012 và những năm tiếp theo là ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực hạ tầng, công nghiệp, nông nghiệp nông thôn, GD- ĐT, y tế, văn hoá, thương mại, du lịch.

Nhìn lại những năm qua cho thấy, thu hút đầu tư, nhất là doanh nghiệp FDI đã có đóng góp rất lớn vào sự tăng trưởng của nền kinh tế Hà Tĩnh, góp phần tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương.

Trong danh mục các quốc gia, vùng lãnh thổ có doanh nghiệp FDI với lượng vốn lớn đầu tư vào Việt Nam nói chung, Hà Tĩnh nói riêng, chủ yếu đến từ Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Trong khi nhiều tỉnh, thành phố thu hút đầu tư có phần yên ắng thì Hà Tĩnh vẫn thể hiện dấu hiệu lạc quan. Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư (thuộc Sở KH&ĐT) Nguyễn Phùng Quang cho biết, quí 1 năm nay đã có 13 dự án đầu tư vào địa bàn Hà Tĩnh, với tổng nguồn vốn đăng ký đạt 5.962 tỷ đồng.

Mặc dù phần lớn các dự án có quy mô không lớn nhưng trong điều kiện khó khăn chung thì đây là con số ấn tượng. Qua thẩm định bước đầu của ngành chuyên môn thì các dự án này đều có tính khả thi cao.

Do có những điều kiện thuận lợi cơ bản nên thu hút đầu tư vào Hà Tĩnh thời gian qua chủ yếu tập trung tại Khu kinh tế Vũng Áng và Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo.

Theo báo cáo thì tại Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo hiện có 12 dự án được cấp phép với tổng nguồn vốn đăng ký 2.500 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân hơn 1.400 tỷ đồng.

Chuyên gia Đài Loan cùng lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Tĩnh khảo sát địa điểm đầu tư sản xuất rau an toàn

Chuyên gia Đài Loan cùng lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Tĩnh khảo sát địa điểm đầu tư sản xuất rau an toàn

Đối với Khu kinh tế Vũng Áng, đến thời điểm này, chỉ riêng dự án của Tập đoàn FORMOSA đã giải ngân 580 triệu USD. Việc giải ngân nguồn vốn thuộc các dự án khác đã và đang được các bên liên quan tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ. Đặc biệt, các nhà đầu tư rất yên tâm và kỳ vọng khi vào làm ăn tại Hà Tĩnh.

Qua tiếp cận với các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp FDI nói riêng cho thấy, họ đều hài lòng với tính năng động của lãnh đạo tỉnh, tính minh bạch, thiết chế pháp lý rõ ràng và nhiều yếu tố thuận lợi khác.

Trong chiến lược phát triển kinh tế thời kỳ đẩy mạnh CNH- HĐH, mục tiêu của Hà Tĩnh là qua đầu tư để thu hút nguồn vốn, tiếp cận công nghệ mới, có thêm kinh nghiệm về cách thức quản trị tiên tiến trên nhiều phương diện, lĩnh vực nhằm tạo đà để sớm “cất cánh” đi lên.

Vấn đề quan trọng đặt ra là phải vận dụng linh hoạt hơn nữa các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” vì sự phát triển kinh tế bền vững nhưng vẫn bảo đảm quốc phòng- an ninh, an sinh xã hội và môi trường sống.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast