Hướng tới ngày hội múa lân

(Baohatinh.vn) - Xuân Bính Thân 2016 đang đến gần, người Thành Sen lại tất bật chuẩn bị các trò giải trí dân gian truyền thống. Đặc biệt, các CLB múa lân trên khắp địa bàn tích cực triển khai tập luyện chuẩn bị cho ngày hội múa lân truyền thống mừng Đảng, mừng xuân.

Cụ Trần Văn Khánh (phường Nam Hà) năm nay đã bước sang tuổi “xưa nay hiếm” nhưng vẫn còn rất khỏe và hoạt bát. Khi chúng tôi đến, cụ đang say sưa bám sàn, tận tình truyền dạy cho các thành viên CLB múa lân những bài khiêu diễn rất độc đáo. Cụ Khánh chia sẻ: “Múa lân là hoạt động không thể thiếu trong các lễ hội văn hóa dân gian được ông cha lưu truyền từ bao đời nay. Để triển khai được một bài biểu diễn múa lân, có khi phải tập hàng tháng”.

Ngoài việc tập luyện đội hình khiêu diễn, những người khéo tay, có năng khiếu hội họa được giao trang trí đầu lân, tô điểm màu sắc đạo cụ thêm phần lung linh, sinh động.

Ngoài việc tập luyện đội hình khiêu diễn, những người khéo tay, có năng khiếu hội họa được giao trang trí đầu lân, tô điểm màu sắc đạo cụ thêm phần lung linh, sinh động.

Thông thường, đội hình biểu diễn chỉ cần trên dưới chục người. Bài múa lân được thể hiện với vai trò chủ đạo của rồng, lân và ông địa, thường gọi là chú tễu. Rồng là biểu tượng của uy quyền, sang trọng, còn lân là sự dũng mãnh nhưng rất hiền lành, gần gũi với cuộc sống đời thường của người dân.

Một bài múa lân trọn vẹn phải qua các bước cao trào, các điệu múa được thực hiện theo trình tự rất nhịp nhàng, uyển chuyển, khi dồn dập, lúc khoan thai của các điệu thất tinh, phù hợp với 7 động tác liên hoàn. Sau đó là điệu tam hoa, biểu trưng cho 3 bông hoa thể hiện sự vui mừng.

Giữa 2 cao trào này là các bước mã bộ của từng thế võ, từ bộ pháp, tấn, cách đi đều mang đậm nét võ cổ truyền Việt Nam. Người múa lân phải giỏi để biểu diễn màn nhào lộn, tung hứng người trên không như song đấu, nội công. Nổi bật trong các thế múa là tạo động tác cho lân vừa dí dỏm, duyên dáng, vừa oai hùng. Múa lân bao gồm những động tác linh hoạt, vừa múa, vừa lắc, nghiêng ngó, lúc vờn, vồ, lúc đùa giỡn. Bởi vậy, hình thức và nội dung bài múa lân luôn mang phong cách trào phúng.

“CLB múa lân của phường Nam Hà được hình thành theo hình thức tự phát nhưng nhờ các bậc cao niên dìu dắt, truyền dạy kỹ thuật cơ bản nên đã trở thành đơn vị thuộc tốp đầu trong các hội thi múa lân của thành phố và liên tục nhiều năm giành giải cao. Để tham gia hội thi, năm nay, đội lân của phường đã bắt đầu tổ chức tập dượt từ đầu tháng chạp. Ngoài việc tập luyện đội hình khiêu diễn, những người khéo tay, có năng khiếu hội họa được giao soạn sửa đầu lân, tô điểm màu sắc đạo cụ thêm phần lung linh, sinh động” - cụ Trần Văn Khánh chia sẻ thêm.

Trưởng phòng VH-TT thành phố Hà Tĩnh - Nguyễn Quốc Hiền cho hay: Năm nay, cùng với công việc trang hoàng bề nổi, công tác chuẩn bị tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho nhân dân trong dịp tết đã được thành phố quan tâm, chuẩn bị khá chu đáo. Các phường, xã đều dành thời gian tổ chức tập luyện cho đội múa lân để sẵn sàng tham gia đêm hội do thành phố tổ chức.

Tính đến nay, trên địa bàn TP Hà Tĩnh, đã có hơn chục đội múa lân, trong đó, các phường Tân Giang, Bắc Hà, Nam Hà, Văn Yên, Thạch Quý là những đơn vị có bề dày truyền thống, nhiều năm đạt giải cao trong các hội thi.

Hội thi múa lân chào Xuân Bính Thân 2016 sẽ được tổ chức quy mô hơn so với các năm trước nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của nhân dân, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc và tạo sân chơi bổ ích trong đời sống tinh thần của người Thành Sen.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast