Bánh ong - hương vị Tết ngọt ngào, dân dã của người dân Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Bánh ong (còn gọi là bánh chè lam) thường xuất hiện trên bàn thờ gia tiên hay bên cạnh khay bánh mứt ngày Tết tại nhiều vùng quê Hà Tĩnh. Món ăn dân dã mang hương vị của ruộng đồng nhưng có sức mạnh ghê gớm, làm khơi gợi những ký ức tuổi thơ đẹp đẽ, khiến những người con xa quê phải khắc hoải nỗi nhớ nhà khi không thể trở về với Tết đoàn viên...

Bánh ong - hương vị Tết ngọt ngào, dân dã của người dân Hà Tĩnh

Bánh ong là món ăn có ở nhiều vùng quê khác nhau trên cả nước, mỗi nơi có những công thức và những biến thể khác nhau nhưng tựu chung lại đều có các nguyên liệu cơ bản là bột nếp, mật mía, gừng tươi, lạc rang và vừng trắng. Tại các xã Sơn Tiến, Sơn Lệ, Sơn An… ở huyện biên giới Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, món bánh ong đã có từ hơn một thế kỷ. Ngoài các nguyên liệu cơ bản nói trên, người dân nơơi đây còn cho thêm bột quế vào bánh ong để tăng thêm mùi thơm cho món ăn này.

Bánh ong - hương vị Tết ngọt ngào, dân dã của người dân Hà Tĩnh

Bí quyết làm bánh ong ngon là ở khâu lựa chọn nguyên liệu. Bột làm bánh phải là gạo nếp loại ngon, mang đi nổ thành bỏng rồi xay mịn. Lạc chọn hạt mẩy, rang vàng rồi tách vỏ lụa. Vừng trắng rang vàng, gừng tươi cạo vỏ, giã nhỏ. Các công đoạn nấu món bánh ong cũng rất đơn giản. Đầu tiên nấu sôi mật mía rồi cho lạc rang, gừng, bột quế và bột gạo nếp vào đảo đều khi nguyên liệu sền sệt là bắc ra.

Bánh ong - hương vị Tết ngọt ngào, dân dã của người dân Hà Tĩnh

Để làm ra một mẻ bánh ong thành công đòi hỏi người đầu bếp phải có một đôi tay chắc khỏe. Khi các nguyên liệu được đổ hết vào nồi mật mía, người đầu bếp phải đánh mạnh và đều tay cho tới khi các nguyên liệu quyện vào nhau đặc quánh, có mùi thơm đặc trưng của bánh ong thì mới đạt chuẩn.

Bánh ong - hương vị Tết ngọt ngào, dân dã của người dân Hà Tĩnh

Lượng bột cũng phải căn thật chuẩn với lượng mật mía. Nếu quá nhiều bột bánh ong sẽ dẻo quẹo, dính chặt với nhau, còn nếu quá tay, bánh sẽ rất nhanh cứng, không có độ mềm khi ăn.

Bánh ong - hương vị Tết ngọt ngào, dân dã của người dân Hà Tĩnh

Khi nhắc nồi xuống, người làm bánh sẽ dùng thìa múc ra đổ vào khuôn có trải sẵn một lớp bột để bánh không bị dính vào khay.

Bánh ong - hương vị Tết ngọt ngào, dân dã của người dân Hà Tĩnh

Công đoạn cuối cùng là rắc hạt vừng. Bánh ong sau khi nấu xong chờ khoảng 1 tiếng cho bánh nguội thì cắt thành từng lát dày 0,5 - 0,6 cm rồi bày lên đĩa để thưởng thức. Mỗi nồi bánh ong dù lớn hay nhỏ quá trình nấu chỉ diễn ra chưa đầy 10 phút.

Bánh ong - hương vị Tết ngọt ngào, dân dã của người dân Hà Tĩnh

Thông thường bánh ong sau khi nấu xong có thể để được 3-5 ngày. Miếng bánh ong đạt yêu cầu phải có màu nâu nhạt, khi ăn phải có vị dẻo dai của bột nếp, vị ngọt ngào của mật, một chút cay cay của gừng, một chút bùi bùi béo ngậy của lạc. Bánh ong ngon nhất khi thưởng thức vào những ngày xuân trời se se lạnh, nhấp nháp bên cốc chè xanh nóng thơm phức.

Bánh ong - hương vị Tết ngọt ngào, dân dã của người dân Hà Tĩnh

Bà Trần Thị Lan (73 tuổi, trú thôn Trung Lễ, xã Sơn Lệ, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) cho biết, bà học cách làm món bánh ong từ mẹ chồng của mình. “Đây là món ăn quen thuộc trong mỗi dịp Tết Nguyên đán. Người dân quê tôi quan niệm ngày tết, thiếu quà bánh nào cũng được nhưng nếu thiếu món bánh ong thì tết đó thiếu đi sự ngọt ngào, nồng ấm”.

Chủ đề Món ngon Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast