5 tập sách vẽ chân dung các nhà báo thể thao Việt Nam

Là người đầu tiên tập hợp chân dung các nhà báo thể thao Việt Nam trong một cuốn sách, ít ai ngờ, nhà báo Nguyễn Lưu kéo dài sách đến 5 tập.

Năm 2002, làng báo thể thao Việt Nam bất ngờ khi đón nhận tập sách Nhà báo thể thao mà tôi nhớ của nhà báo Nguyễn Lưu.

Trong lời tựa tập sách đầu tiên này, nhà báo Yên Ba (Báo Quân đội nhân dân) viết: “Nếu như tôi không nhầm thì đây là lần đầu tiên ở nước ta có một tập ký chân dung về những nhà báo thể thao”.

Tập sách bắt đầu với chân dung những nhà báo thể thao kỳ cựu mà giới trẻ ngày nay chắc không biết tên, như Văn An, Lê Bách, Trần Can, Tú Hào (Thế Hào), Nguyễn Hùng, Quốc Hùng, Hoàng Dự, Tường Vy…

Tiếp nối là lớp những nhà báo ở thời kỳ thể thao nước nhà bắt đầu sôi động, với các nhà báo được đông đảo độc giả biết tiếng như Đỗ Hóa, Quốc Huy, Nguyễn Nguyên. Bên cạnh đó, là chân dung những bình luận viên thể thao “đời đầu” của các kênh phát thanh - truyền hình Việt Nam, từ Trần Tiến Đức (VTV), Đình Khải (VOV), đến Quang Huy, Long Vũ (VTV), Mạnh Cường, Anh Ngọc, Ngô Thanh (HTV)…

5 tập sách vẽ chân dung các nhà báo thể thao Việt Nam

Bộ sách Nhà báo thể thao mà tôi nhớ của Nguyễn Lưu có đến 5 tập, khắc họa chân dung hàng trăm nhà báo thể thao Việt Nam trong hơn 30 năm gần đây.

Nối tiếp tập 1, tập 2 của bộ sách ra đời năm 2004, với chân dung một số nhà báo như Hoài Sơn ( VOV ), Minh Hùng ( Sài Gòn Giải phóng Thể thao ), đến lớp nhà báo trẻ hơn, như Hữu Bình (lúc đó làm Thể thao TP.HCM ), An Biên (với bút danh Hồng Ngọc trên Thể thao & Văn hóa ) , Lê Trần Long (Vietnamnet), Đức Hùng (VTV)...

Bên cạnh viết về những nhà báo, bình luận viên, ông cũng cho độc giả biết đến chân dung các nhà báo ảnh thể thao kỳ cựu như Phan Sang, Dư Hải, Bạch Dương, Ngọc Trường, Sỹ Huyên… các bình luận viên không thường xuyên trên sóng truyền hình như Lại Văn Sâm, Đặng Gia Mẫn, Yên Ba…

Ông cũng tập hợp chân dung bộ ba nhà báo thể thao nữ thành danh những năm đầu thập niên 2000 trong một bài viết, gồm Ngọc Lan ( Tuổi trẻ), Lan Phương (Thanh niên), Bích Thanh (Lao động).

Nhà báo Yên Ba bình luận: “Tôi biết rằng những người hoạt động liên quan đến lĩnh vực thể thao có lẽ là những người rất khó khăn khi thừa nhận năng lực của nhau. Vậy mà Nguyễn Lưu biết nhìn ra những mặt mạnh của đồng nghiệp”.

Với nguồn nhân vật dồi dào, năm 2007, Nhà báo thể thao mà tôi nhớ ra mắt tập 3. Đến năm 2009, sách ra đến tập 4, rồi năm 2012, tập 5 tiếp tục ra mắt, với chân dung các cây viết, nhà báo trẻ như Khương Xuân, Khánh Vân, Việt Khuê, Minh Hải, Mạnh Duy, Thanh Tùng…

Nhiều nhà báo đánh giá bộ sách là một bộ từ điển sống về thể thao Việt Nam nói chung và lực lượng nhà báo thể thao nước ta nói riêng, mà qua đó, Nguyễn Lưu đã vẽ ra bản đồ của tập hợp các cây bút có sức mạnh trong nền báo chí Việt Nam đương đại. Tuy nhiên, Nguyễn Lưu khiêm tốn nói rằng, ông không thể viết hết về tất cả những cây bút thể thao Việt Nam, mà chỉ viết về những nhà báo mà ông nhớ.

Các nhân vật lần lượt xuất hiện trên trang sách của Nguyễn Lưu bằng bút pháp chấm phá. Ông nỗ lực tìm ra nét riêng của từng nhân vật. Ông nói mình cố gắng “vẽ” đôi nét về các bạn đồng nghiệp, để bạn đọc hình dung nốt những gì ở nhân vật. Như viết về bình luận viên Đình Khải, ông nhận xét "ông có hơi bền và đều, tiếng trẻ lại tròn vành rõ chữ", trong khi với bình luận viên Quang Huy, ông khen anh có tài nhận ra cầu thủ rất nhanh chóng. "Làm bình luận viên phải thế chứ", ông khen ngợi.

Với An Biên, ông đánh giá anh có nét không giống ai ở chỗ biết đào bới phần cứng từ mỗi trận đấu, giải đấu để nhồi vào đó những nhận định riêng của mình, lại có trí nhớ tốt và cẩn trọng trong các thống kê về chuyên môn. Còn với đài truyền hình Hà Nội thời Anh Ngọc bình luận, ông đánh giá: "Chương trình bóng đá Italy của HTV đủ sức cạnh tranh với bóng đá Anh của VTV3 và có màu sắc riêng, ít ai nhầm lẫn".

Không chỉ viết về các cây viết thể thao, ông cũng viết về các doanh nhân nhiệt tình và đầu tư hiệu quả vào bóng đá như các ông bầu Đoàn Nguyên Đức, Võ Quốc Thắng, Đỗ Quang Hiển… hay trước đó là những kỷ niệm vui buồn, những sự cố, tai nạn nghề nghiệp đáng nhớ của làng báo thể thao.

Nguyễn Lưu sinh năm 1943, là con trai của kỹ sư khí tượng Nguyễn Xiển - một trí thức nổi tiếng từ thời thuộc Pháp, nguyên Phó chủ tịch Quốc hội. Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp khoa Toán, Nguyễn Lưu được phân công dạy Toán tại Đại học Kinh tế Quốc dân, rồi vào dạy Đại học Tây Nguyên, trước khi chuyển hẳn ra làm nhà báo thể thao, nổi tiếng với các bài viết trên báo Thể thao Việt Nam , Đầu tư hoặc các buổi bình luận trên truyền hình trong những năm 2000.

Ông từng là vận động viên bóng rổ, lại là cây viết bóng chuyền, bóng bàn rất chuyên sâu. Bên cạnh đó, ông còn sáng tác nhạc. Dù khi viết báo, ông thể hiện ý kiến khá gắt gao khiến có người không thích, nhưng việc ông bỏ công ghi nhận, khắc họa đầy đủ, chăm chút về lứa đàn anh, đàn em, đồng lứa của mình mà ông luôn gọi là bạn nghề, khiến nhiều người nể trọng.

Nguyễn Lưu viết rất khỏe về hầu hết các môn thể thao, và nhiều nhà báo thể thao gọi ông là “từ điển sống” của hai môn bóng chuyền, bóng bàn. Khi viết báo, ông thường dùng bút danh Ama Lâm (bố thằng Lâm) để nhớ về thời sống ở Tây Nguyên.

Theo Zing

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast