Cẩn trọng khi sử dụng hàng handmade!

(Baohatinh.vn) - Thời gian gần đây, trước tình trạng thật giả lẫn lộn của các mặt hàng mỹ phẩm, nhiều người tiêu dùng đã tín nhiệm các loại mỹ phẩm tự chế (handmade). Tuy nhiên, những mặt hàng này được sản xuất theo cách nào, gồm những thành phần gì, độ an toàn ra sao... thì người tiêu dùng hầu như không biết.

Hiện nay, trên thị trường, nhất là mạng xã hội đang tồn tại những đường dây sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm handmade, chủ yếu là son môi, kem dưỡng da, sữa tắm, các sản phẩm bột lá cây dùng trong chăm sóc da... Thị trường mạng, thậm chí còn sôi động hơn cả thị trường bên ngoài. Được quảng cáo nguồn gốc hoàn toàn thiên nhiên, an toàn cho người sử dụng, giá thành lại rẻ nên mỹ phẩm handmade ngày càng chiếm thị phần lớn.

Tuy là hàng handmade nhưng bao bì sản phẩm không kém cạnh sản phẩm được đăng ký đảm bảo chất lượng của các hãng sản xuất mỹ phẩm. Giá hàng handmade cũng rất đa dạng. Một thỏi son môi được quảng bá làm từ sáp ong, dầu dừa, vitamin E, màu khoáng giá từ 70.000–200.000 đồng tùy loại; dầu dừa, dầu gấc dưỡng da dao động từ 80.000-150.000 đồng/lọ, tùy dung tích;1 lọ sữa tắm có tác dụng làm trắng da, chữa mụn trứng cá được quảng cáo là sản phẩm gia truyền của đồng bào dân tộc có giá từ 100.000–300.000 đồng… Ngoài ra, hiện nay, còn phổ biến mặt hàng đắp mặt như bột trà xanh, bột rau chùm ngây, bột cám gạo có tác dụng làm đẹp da, chống lão hóa…

Cẩn trọng khi sử dụng hàng handmade! ảnh 1

Mỹ phẩm hanmade được quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội facebook nhưng không được kiểm định chất lượng

Được quảng cáo là làm bằng nguyên liệu an toàn, đảm bảo chất lượng, tuy nhiên, những sản phẩm này chẳng được bất kỳ cơ quan chức năng nào kiểm duyệt. Người mua chủ yếu tin vào những lời quảng cáo của người bán. Thực tế thì nhiều loại mỹ phẩm dòng handmade thực sự vô hại, ít nhiều có tác dụng như quảng cáo nên được khách hàng tin dùng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có những sản phẩm khiến khách hàng mới dùng một vài lần đã sợ hãi vứt đi, thậm chí, gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Chị Thanh (Lộc Hà) cho biết: “Trong một lần lên mạng, tôi đọc được thông tin về một sản phẩm sữa tắm được làm từ các loại lá thuốc của người dân tộc có tác dụng chữa mụn lưng nên tôi đã đặt mua với giá 550.000 đồng. Khi nhận sản phẩm, tôi cũng hơi chột dạ bởi trên bao bì không hề ghi các thông số về chất lượng cũng như hạn sử dụng. Hỏi lại người bán thì họ trả lời, cứ yên tâm dùng vì khách hàng phản hồi rất tốt. Tuy nhiên, chỉ sau 2 lần sử dụng, tôi đã phải vứt lọ sữa tắm đó bởi nó gây dị ứng khiến toàn thân nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy khó chịu”.

Không riêng chị Thanh, nhiều trường hợp sau khi mua mỹ phẩm handmade đã phải chịu những tổn thương và bệnh lý về da phải điều trị. Trừ những trường hợp bị dị ứng thì nguyên nhân chính là ở thành phần của sản phẩm. Cần phải hiểu rằng, nguồn gốc thiên nhiên là tốt nhưng không phải cứ nguyên chất là an toàn. Có rất nhiều loại dược liệu phải tách lọc mới lấy được thành phần có lợi cho sức khỏe. Hơn thế nữa, tỷ lệ giữa các thành phần tạo nên sản phẩm cũng là một trong những yếu tố làm nên sự an toàn cho người sử dụng. Cả hai điều đó, sản phẩm handmade đều không thể đáp ứng được.

Thực tế cho thấy, nhiều sản phẩm đang được rao bán công khai trên mạng internet vi phạm quy định tại Thông tư số 06/2011/TT-BYT của Bộ Y tế về quản lý mỹ phẩm. Các cơ quan chức năng cũng chưa vào cuộc quyết liệt để xử lý một cách dứt khoát. Điều đó đồng nghĩa với việc người tiêu dùng phải tự bảo vệ mình bằng những kiến thức về an toàn sức khỏe.

Chủ đề Hàng giả

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast