Tâm lý thực dụng phá vỡ nét đẹp lễ hội dân tộc

(Baohatinh.vn) - Qua lễ hội, con người được dịp giao lưu gặp gỡ và từ không gian gặp gỡ này, niềm tự hào dân tộc Việt Nam được nhân lên.

tam ly thuc dung pha vo net dep le hoi dan toc

Những người tham gia lễ hội đều cầu mong sức khỏe, tài trí, lòng dũng cảm… từ các vị anh hùng dân tộc; cầu mong sự độ trì của Đức Phật, thần linh cho gia đình an khang, thịnh vượng. Kế tục truyền thống cha ông, hiện nay, đền chùa được tôn tạo nguy nga, lộng lẫy hơn. Nhiều địa phương đã gắn với các phong tục và có những lễ hội riêng, đa dạng, hấp dẫn. Đó là những nét đẹp đáng hoan nghênh.

Tuy nhiên, qua nhiều lễ hội, tâm lý thực dụng đã bộc lộ ở một số người, đã làm xấu đi hình ảnh con người Việt Nam, khiến cho giá trị nhân văn bị xâm hại. Xuân Đinh Dậu 2017, ở một số chùa đã xẩy ra cảnh hỗn loạn, tranh giành “cướp lộc”, xô đẩy, đánh đập nhau gây thương tích.

Tại lễ hội cướp phết Hiền Quan (xã Tam Nông, Phú Thọ), do mất kiểm soát đã xẩy ra tình trạng ẩu đả, tạo hình ảnh xấu trong lòng du khách. Lễ hội chùa Hương (Hà Nội) năm nay, cảnh đi lễ chen lấn “giành lộc” từ tay một nhà sư cũng được các trang mạng xã hội nhắc nhiều. Lộc là một biểu tượng Phật bà bằng nhựa có dây đeo và hàng trăm người đã luồn lách, chen lấn để giành lộc. Lúc đầu nhà sư còn phát cho những người xung quanh, nhưng sau đó do đám đông nhốn nháo, la hét ầm ĩ, người sau tìm cách kéo người trước để giành lộc, buộc nhà sư phải “ném lộc” cho người ở xa.

Tình trạng “hỗn quân, hỗn quan” như thế cũng đã xẩy ra tại đền Sóc Sơn (Hà Nội) trong ngày lễ hội Gióng. Tại đây, hàng ngàn người chen lấn để “cướp lộc hoa tre” và trầu cau khi lễ vừa dâng xong.

Tình trạng mời mọc, chèo kéo du khách mua bán nhốn nháo nơi cửa thánh, cửa Phật chưa có chiều hướng giảm. Rồi “đút” tiền lẻ vào chân, tay hay tai, mũi các bức tượng. Đáng tiếc, hệ lụy của các vụ xô xát và lăng mạ nhau xảy ra tại một số lễ hội đã gây nên thương tích, tạo không khí u buồn và nỗi sợ hãi cho nhiều người.

Những nguyên nhân gây nên hiện tượng này, trước hết là do số lượng lễ hội quá nhiều mà công tác quản lý lại quá kém. Nhiều lễ hội không còn tính nguyên bản của nó.

Hai là: trong bối cảnh kinh tế thị trường đã nảy sinh tâm lý thực dụng, nhìn nhận tín ngưỡng dưới góc độ tiền bạc mà không phải cái tâm. Tâm lý của một số người đi dự hội không phải hướng lòng thành về đức Phật và các bậc thánh nhân, tiền nhân mà chỉ chăm chắm cầu lợi, cầu tài cho bản thân.

Ba là: một số địa phương muốn có doanh thu nên đã thổi phồng quy mô của lễ hội. Bốn là: ý thức người dân địa phương kém, có tâm lý “chặt chém” khách du lịch để thu lợi nhanh chóng.

Để dẹp bỏ tâm lý thực dụng, gây phản cảm, ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa lễ hội, thiết nghĩ, sự phối hợp đồng bộ của các ngành, các cấp được đặt lên hàng đầu. Bộ VH-TT&DL cần có định hướng chỉ đạo quyết liệt và cụ thể cho các cơ quan chủ quản địa phương.

Mặt khác, các địa phương phải tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân biết. Điều cơ bản là phải giúp con người nhận thức ra vấn đề: đến với lễ hội, với các di tích lịch sử văn hóa, đền, chùa, đình, miếu là đến với những điều mình ngưỡng mộ, đến với cõi linh thiêng và cao quý. Khi nhận thức sâu sắc được điều đó thì tự con người sẽ gột rửa được lòng mình thanh sạch, tâm lý thực dụng tầm thường, thiếu văn hóa sẽ tiêu tan.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast