Thuận Lộc - mùa lộc mới

Sau trận lụt kinh hoàng năm 1978, bố mẹ tôi quyết định chuyển nhà từ Bùi Xá ven bờ sông La về Bãi Vọt lúc đó còn chưa trở thành thị trấn. Có lẽ do cái chỗ người nhà nên cái việc xin đất cát để làm nhà hồi đó thật dễ dàng. Mấy ông cán bộ xã cầm sào nứa khoát tay chỉ vào bãi đất mênh mông chỉ trồng toàn khoai, lạc, bảo chúng tôi thích chỗ nào thì cứ chọn. Bố tôi chẳng biết tính toán phong thủy thế nào lại nhằm vào cái miếng đất đối diện với con khe lau lách um tùm, lại còn lùi vào mấy dằm cho xa đường quốc lộ 1A vì sợ ồn ào, khói bụi và cả nỗi nơm nớp nạn trộm cướp nơi mảnh đất đang còn quá hoang vắng. Mà cũng có thể do cái bệnh nghề nghiệp, bố tôi thích chọn cái nơi thoáng đãng, thơ mộng để ngày ngày nghe tiếng nước khe ri rách chảy.

Ghi chép

Đường về Hồng Lĩnh

Mới đó mà đã hơn 30 năm. Cái khe sâu hun hút trước nhà được gọi là khe bà Kim mang tên mẹ tôi một thời nổi tiếng với nghề đỡ đẻ, thăm khám thai cho chị em cả một vùng đã được ghi danh chính thức vào trong địa bạ của Tỉnh. Chắc con cháu sau này cứ ngỡ đó là cái tên của vị thần nữ nào đó liên quan đến truyền thuyết "ông Đùng bà Đà" buổi khai thiên lập địa hoặc là mẹ của đàn tiên trẻ trên ngọn núi Hồng huyền thoại. Mới đó mà tôi cũng đã có 10 năm làm cư dân của Thị trấn và 20 năm làm dân Thị xã. Ông chú tôi ở Hà Nội bảo, Hồng Lĩnh xứng là cái Trung tâm của một tiểu chi họ Phan trong tương lai. Việc chọn Hồng Lĩnh làm nơi ở mới đã làm thỏa nguyện mẹ tôi - một người con của quê hương Thuận Lộc lúc đó đã về hưu chỉ muốn trụ lại nơi nào cho gần chị em, con cháu. Nơi gia đình tôi đang trú ngụ bây giờ là phường Nam Hồng thuộc làng Ninh Vọ, Tiếp Vọ, được cắt ra từ một phần đất của xã Thuận Lộc trước đây.

Hồi ức về những trang sử đỏ

Ông Đinh Đài, cậu họ của mẹ tôi nguyên là kỹ sư nông nghiệp năm nay đã suýt soát tuổi 90 kể cho tôi nghe từ đời ông đời cha, Thuận Lộc lúc đó thuộc 3 xã 2 tổng: Thôn Tiếp Vọ, Ninh Vọ thuộc xã Tiếp Vọ tổng Đậu Liêu; các thôn Phúc Lộc ( kẻ Rục), Phúc Hội, Phúc Xá thuộc xã Phúc Hải; các thôn Giao Tác, làng Trù, làng Hói, làng Mật thuộc xã Nguyệt Ao tổng Lai Thạch huyện La Sơn, phủ Đức Thọ. Đến đầu năm 1946, mới hợp nhất thành một xã Minh Tân gồm 7 thôn. Năm 1949, lại có chủ trương hợp nhất xã Linh Quy và xã Minh Tân thành tên xã Hồng Kim. Đến tháng 8 năm 1953, lại chia ra thành 2 xã Kim Lộc và Thuận Lộc như bây giờ.

Trước năm 1930, Thuận Lộc là một vùng quê đa phần thấp trũng, dân chỉ biết bám vào ruộng đồng, lấy nghề nông làm gốc. Nghề nông đã khổ lại chỉ làm được mỗi mùa tháng năm nên đời sống hết sức bấp bênh. Cũng bởi thực dân Pháp thực hiện chính sách ngu dân nên cái sự học hành chẳng mấy được coi trọng. Trong xã, làng nào cũng có chùa thờ Phật, đền thờ Thánh, nền xã tắc thờ thần Nông, miếu thờ thần hoàng bản thổ. Tục lệ tế lễ, đình đám, ma chay, giỗ tết cực kỳ phiền phức nhiêu khê. Đời sống của nhân dân hạng" bạch đinh" dưới thời thuộc Pháp " ăn cơm vay, cày ruộng rẹ" chịu đựng sưu cao thuế nặng, phu đài tạp dịch nên hết sức cơ cực, bần hàn. Những năm gặp phải thiên tai, hạn hán, nhiều gia đình phải bán ruộng đất, trâu bò, nhà cửa, gia tài để mua khoai, gạo. Có nhà phải bỏ quê hương bản quán đi tha phương tầm thực ở các đồn điền cao su, mỏ vàng, mỏ bạc, phiêu dạt sang đất Lào, Thái lan kiếm kế sinh nhai.

Tức nước vỡ bờ, người dân Thuận Lộc chỉ đợi thời cơ để vùng lên phá xích xiềng nô lệ. Kể từ ngày có Đảng, nhân dân Thuận Lộc đã tích cực đi đầu trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Nhân dân trong xã đã tham gia nhiều cuộc mít tinh, biểu tình đưa yêu sách đòi giảm sưu thuế tại cây đa Đại Hoàng làng Giao Tác, chợ Nhe, chợ Tổng và kéo cả vào trong huyện lỵ. Có những cuộc biểu tình chống lính kéo về đốt nhà ở làng Phúc Xá với hàng trăm người tham dự khiến bọn lính Tây, lính khố đỏ, khố xanh phải bỏ chạy về đồn, có tên ngã ngựa, rơi mũ, gãy cả chân... Đình làng Giao Tác thời ấy đã chứng kiến nhiều cuộc mít tinh, hội họp của nhân dân trong xã dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Giao Xô Viết.

Nhưng rồi cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh đã bị kẻ thù dìm trong biển máu. Đến khoảng tháng 7 năm 1931, Tây cho lính khố đỏ đồn Lai Thạch ở chợ Tổng về vây ráp bắt bớ cán bộ đảng viên, đàn áp phong trào cách mạng. Chúng cho lập đồn đại điếm, phu đoàn, hội đồng hương biểu, tộc biểu, sục sạo bắt giam 72 cán bộ, đảng viên và những quần chúng hoạt động tích cực trong xã, dùng các hình thức trấn áp, đe dọa, dỡ nhà, tịch ký những gia đình có người là cán bộ chủ chốt tham gia phong trào cách mạng. Nhiều người bị bắt bớ, chịu cảnh tra khảo gông cùm, một số bị đưa đày vào Công Tum, Ban Mê Thuột. Phong trào cách mạng tạm lắng xuống để đợi thời cơ.

Cách mạng Tháng Tám thành công, cán bộ, nhân dân Minh Tân tập trung xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân. Hồi ấy, mẹ tôi mới 18 tuổi mà đã làm đến chức Đội trưởng dân quân, đ­uợc bầu vào Ban th­uờng vụ Đoàn xã, sau đó tham gia vào Ban chấp hành phụ nữ xã. Năm 1950, bà đ­uợc xóm cử đi học lớp nữ hộ sinh do Khu Bốn mở ở Lam Kiều. Học xong về làm nữ hộ sinh xã và làm Hội phó Hội phụ nữ xã Hồng Kim cho đến năm 1953 thì lấy chồng về Đức Thọ. Hồi trí nhớ của bà còn minh mẫn, mỗi lần kể cho con cháu nghe đến giai đoạn này, nghe giọng bà ra chiều sôi nổi lắm.

Tiếp đó là cuộc đấu tranh giảm tô, giảm tức và hạ giá bạc Đông Dương đã giành được những thắng lợi quan trọng, đưa lại những quyền lợi thiết thực cho bà con nông dân, tá điền. Sang năm 1955, lại có phong trào phát động quần chúng cải cách ruộng đất, thực hiện chính sách người cày có ruộng. Với khẩu hiệu" địa chủ hết thời, nông dân vạn đại", lực lượng cải cách dựa vào các thành phần" rệ chuội" đã có những quá tả, sai lầm trong việc quy thành phần giai cấp. Chính ông ngoại Trần Lập của tôi vốn là một nhà nho lắm chữ đã từng tham gia trong Xã bộ nông thời Xô Viết, làm đến chức Ủy viên trực Uỷ ban kháng chiến xã trong kháng Pháp nhưng do có một ít ruộng đất trâu bò nên bị quy sai địa chủ, bị quản thúc, đấu tố, không chịu được oan ức đã tự vẫn. Tình trạng hoang mang dao động kéo dài cho đến năm 1956, Đảng ta phát động sửa sai, trả lại quyền lợi chính trị, trả lại tài sản cho một số cán bộ đảng viên bị quy oan. Mất một thời gian khá dài trong không khí ảm đạm của cải cách ruộng đất và sửa sai, phong trào mới dần được hồi phục. Cũng trong giai đoạn này, Đảng bộ và nhân dân xã Thuận Lộc lại phải căng mình để chống lại việc địch cưỡng ép, dụ dỗ giáo dân ở giáo xứ Ninh Vọ, Tiếp Vọ di cư vào Nam. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, tất cả bước vào một giai đoạn cải tạo xã hội chủ nghĩa, khôi phục kinh tế, khai hoang phục hóa, xây dựng trường ốc, tu bổ đường sá, mở các lớp bình dân học vụ.

Trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, lực lượng dân quân xã đã nhiều lần kịp thời có mặt để cứu người và tài sản, đảm bảo giao thông trên sông nhà Lê, cầu Hạ Vàng, ngã Ba Bãi Vọt. Cụm trực chiến dân quân 3 xã Vượng Lộc, Thuận Lộc, Kim Lộc với tinh thần " nhằm thẳng quân thù mà bắn" đã phối hợp với các lực lượng khác bắn rơi 01 máy bay RF4 - chiếc máy bay điện tử đầu tiên của không quân Mỹ bị bắn rơi trên miền Bắc. Trong giai đoạn từ năm 1960- 1975, Thuận Lộc luôn là lá cờ đầu của huyện Can Lộc trong các phong trào" thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", "phụ nữ ba đảm đang, thanh niên ba sẵn sàng"...

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ và nhân dân Thuận Lộc đã động viên 1.308 thanh niên lên đường nhập ngũ, 358 thanh niên xung phong, 1275 lượt người đi dân công hỏa tuyến... Cho đến khi nước nhà thống nhất, có 03 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 119 con em trong xã đã hy sinh tại các chiến trường, trong đó có 113 liệt sĩ, 6 tử sỹ; 105 thương binh, 34 bệnh binh, 07 người bị tù đày, 16 người bị nhiễm chất độc da cam.... Năm 1967, xã Thuận Lộc được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Ba, 912 cá nhân và gia đình được tặng Huân chương kháng chiến chống Mỹ các hạng, 11 cá nhân được tặng Huân chương Độc lập hạng Ba....Cho đến cuối năm 2005, xã vinh dự được phong tặng là đơn vị anh hùng LLVTND vì những thành tích đặc biệt xuất sắc trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc.

Gập ghềnh trên con đường mới

Chiếc xe ô tô Huynđai mà tôi vừa sắm cách đây mấy hôm nhuộm vàng bùn đất khi lăn bánh về một vùng quê duy nhất còn lại của Thị xã Hồng Lĩnh chưa được gọi là phường. Anh Trần Đức Thọ- Chủ tịch và anh Trần Văn Thúy, phụ trách văn hóa xã ngồi cùng xe làm hướng dẫn viên. Từ quốc lộ 1A, theo đường Nguyễn Thiếp, xe tôi bon bánh chạy về Thuận Lộc. Ngược dốc vượt qua cầu Phúc Hải, ký ức một thời xa xưa chợt ùa về quyện trong ca khúc" Hà Tĩnh mình thương" của nhạc sĩ An Thuyên mà tôi đã vặn volum thật nhỏ để còn trò chuyện.

Thuận Lộc mùa mưa lũ
Thuận Lộc mùa mưa lũ

Tôi có mặt ở Thuận Lộc khi mới dăm sáu tuổi. Hồi đấy, xã Đức xá quê tôi bị ném bom ác liệt, bố mẹ cho tôi về Thuận Lộc những tưởng để tránh bớt rủi ro. Thế nhưng, ở đây một thời gian ngắn thì Thuận Lộc cũng lại là mục tiêu trút bom của máy bay Mỹ. Thế rồi, cậu con trai quý tử của gia đình họ Phan lại được triệu về quê, tiếp tục làm một chuyến hành trình gửi ra thành phố Hải Phòng để lánh nạn. Trong cái khoảng thời gian ngắn ngủi sống với vùng quê ngoại Thuận Lộc, tôi đã kịp có cho mình bao kỷ niệm của tuổi thơ. Cái thời ấy, lũ trẻ chúng tôi hình như chưa hề biết đến sợ hãi. Mỗi lúc có tiếng kẻng báo động lại trốn ra khỏi hầm, mon men ra đứng trước cổng nhà xem, đếm máy bay, ngắm pháo cao xạ của bộ đôi ta điểm từng chùm hoa trắng trên nền trời xanh biếc. Trong ì oàng bom đạn, tôi vẫn lẻn bà ngoại đi chụp bắt lũ cào cào, săn đuổi chuồn chuồn và những chú bướm ma sặc sỡ, đính nhựa mít lên lũ ve mốc thếch có tiếng kêu inh ỏi trên những lùm cây. Thuận Lộc thời ấy trông buồn buồn, cũ kỹ. Một làng quê nghèo với những con đường đất gan trâu lầy lội, những chiếc cầu gỗ chênh vênh, những mái nhà tranh nghèo lùn tịt dưới lũy tre làng, những đám ruộng lúa, rau muống, bèn môn, những vạt khoai vạc, dong riềng xơ xác...Nhà bà ngoại tôi bé tẹo nấp sau dãy cây chè mận hảo được cắt xén phẳng phiu, có từng đám dây tơ vàng vấn vít. Nền nhà làm bằng đất thịt, không lát gạch nhưng luôn sạch bong, mát lạnh. Những chỗ đất nứt nẻ thì cậu tôi dùng lõi quả trám đóng chêm vào trông thật đẹp mắt.

Con đường mấp mô, khúc khuỷu ngày nào giờ mang tên Nguyễn Thiếp được trải bê tông, nhiều đoạn mới chỉ lát đá, đổ nhựa. Qua hết làng Phúc Hội, nơi nhà bà ngoại xưa và cậu tôi đang ở bây giờ là bắt gặp màu đỏ quạch của đất đồi, màu xi măng tươi mới trên con đường đang thi công dang dở. Làng Giao Tác nằm lọt thỏm giữa một cánh đồng ngút ngát màu xanh của lúa đã qua thì con gái. Bên trái là những ngôi nhà cao tầng của trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã, trường học, trạm y tế, bưu điện xã...Ngôi đình làng Giao Tác đã bị xiêu vẹo, tụt ngói, trống hơ trống hoác đang đứng ngơ ngác, vô duyên trong một không gian có chút dáng dấp hiện đại. Dừng xe một lát ở khu vực trung tâm hành chính xã, tôi được nghe ông Chủ tịch xã nói chuyện về hành trình mấy năm tiến hành xây dựng nông thôn mới của xã nhà.

Thuận Lộc là 1/12 xã được UBND tỉnh chỉ đạo thí điểm mô hình xây dựng nông thôn mới. Chuyện bắt đầu từ Nghị quyết 26/TW ngày 05/8/2008 của BCH TW Đảng và Quyết định số 491/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Giữa năm 2010, việc triển khai xây dựng nông thôn mới ở Thuận Lộc bắt đầu với Quyết định 10/QĐ-ĐU của Đảng ủy xã theo lộ trình chung của một Thị xã Hồng Lĩnh đang phát triển theo hướng đô thị hóa. Dăm bảy năm gần đây, Thuận Lộc thu được nhiều kết quả đáng phấn khởi trên nhiều lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng bình quân trên 10%, nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, thương mại dịch vụ xem ra sôi động, rôm rả hơn. Cả xã có 74 máy làm đất, 72 máy tuốt lúa, 68 hộ kinh doanh cá thể, 8 xe tải, 02 xe khách, 5 thuyền vận tải, 38 máy xay xát.... Thu ngân sách bình quân hàng năm tăng 72%. Thu nhập bình quân đầu người tính vào giữa năm 2010 là 11,9 triệu đồng/ người/ năm. Nhiều công trình dự án quan trọng được triển khai xây dựng: Trụ sở làm việc của xã, trường THCS, trường Mầm non, hội quán các xóm. Xã đã làm mới được hơn 5 km đường bê tông, 73 km đường nội đồng, 2km kênh mương cứng, 234 hộ gia đình xây dựng nhà kiên cố trong đó có 22 hộ xây dựng nhà cao tầng... Cũng tại thời điểm mà xã trang trọng tổ chức Đại hội Đảng lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2010- 2015, trên 92% hộ dân đã có phương tiện nghe nhìn, trên 74% hộ dân có máy điện thoại, 75% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa. Chất lượng giáo dục có bước cải thiện đáng kể. Tỷ lệ học sinh lên lớp và đậu tốt nghiệp các cấp hàng năm đạt cao. Số học sinh đậu vào các trường Cao đẳng, Đại học, THCN năm sau cao hơn năm trước. Ví như năm 2009, có tới 29 em đậu vào các trường Đại học, 45 em đậu các trường Cao đẳng. Công tác khuyến học được quan tâm, có những dòng họ như họ Đinh gây dựng quỹ khuyến học trên 30 triệu đồng. Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được chú trọng. Đội ngũ y, bác sĩ được tăng cường, số lượt người được khám, chữa bệnh ở tuyến Trạm xá xã ngày một tăng. Cuộc vận động xây dựng nhà đại đoàn kết đã huy động đóng góp và xây dựng được 30 nhà với số tiền trên 500 triệu đồng. Toàn xã có 234 người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, trên 300 người có thêm nghề phụ là thợ xây, buôn bán. Tình hình trật tự an toàn xã hội trên địa bàn đảm bảo ổn định. Công tác đăng ký nghĩa vụ quân sự và tuyển gọi thanh niên lên đường nhập ngũ đạt chỉ tiêu trên giao. Rồi còn bao nhiêu thành tích khác nữa với những con số được liệt kê trong cái bản báo cáo Đại hội Đảng dài hơn 15 trang mà ông Chủ tịch trang trọng đưa cho tôi về nhà nghiên cứu.

Hồ Thiên Tượng

Không cớ gì để Thuận Lộc cứ lẹt đẹt quẩn quanh trong cái vòng đói nghèo, tụt hậu. Một cuộc ra quân để bắt tay vào xây dựng các mục tiêu. Từ việc ra các văn bản chỉ đạo đến việc điều tra, xây dựng đồ án quy hoạch, thành lập các tiểu ban ... cho đến việc tổ chức các lớp tập huấn về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới như nữ công gia chánh, sữa chữa máy nông nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật trồng rau sạch, bàn việc thành lập các HTX...

Hơn 2 năm thực hiện chương trình nông thôn mới, việc xây dựng hạ tầng nông thôn và huy động nguồn vốn đã đạt được một số kết quả nhất định. Lãnh đạo xã đã tập trung lãnh đạo và vận động nhân dân hiến 10.000 mét vuông đất để giải phóng mặt bằng, xây dựng đường Nguyễn Thiếp, đường Đức Thuận- Thuận Lộc, đường Thái Yên- Thuận Lộc, đường Cơn Độ, đường trục chính khu trung tâm xã. Một chiến dịch ra quân làm giao thông thủy lợi thôn xóm và giao thông nội đồng được phát động. Đến nay, với tổng mức đầu tư 1,5 tỷ đồng, xã đã xây dựng được 15 tuyến đường bê tông nông thôn với tổng chiều dài 2.359 m, bảo đảm nền đường rộng từ 5-6 mét, mặt đường bê tông rộng 3 mét. Việc tu sửa 7 tuyến kênh mương với chiều dài 2,6 km, nạo vét 5,6 các loại kênh mương khác để đảm bảo tưới tiêu được đầu tư với nguồn kinh phí 1,9 tỷ đồng. Xã cũng đã huy động kinh phí trong dân để lắp đặt và đấu nối các tuyến đường ống nước sạch đưa về hộ sử dụng với tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng. Ngoài ra, là việc hoàn chỉnh quy hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư- thương mại Đồng Đán đang trình lãnh đạo Thị xã phê duyệt; chỉ đạo nhà thầu thúc đẩy tiến độ xây dựng trường mầm non; triển khai ứng dụng chuyển giao công nghệ trong sản xuất... Tổng vốn huy động xây dựng trên địa bàn trong 6 tháng đầu năm 2011 đã là 23,3 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự thăm mô hình chăn nuôi tập trung

của anh Trần Văn Hữu ở xóm 8, xã Thuận Lộc. Ảnh: TH

Cho đến nay, theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới của quốc gia, Thuận Lộc mới chỉ đạt 6/19 tiêu chí về điện, bưu điện, cơ cấu lao động, hình thức tổ chức sản xuất, hệ thống tổ chức chính trị- xã hội vững mạnh, an ninh trật tự xã hội được giữ vững. Còn 13 tiêu chí về công tác quy hoạch, giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, nhà ở dân cư, thu nhập người dân, tỷ lệ hộ nghèo, giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường thì vẫn chưa đủ điều kiện. Tôi tò mò hỏi:

- Nghe nói, Thị xã đang chỉ đạo và lên kế hoạch phấn đấu đến trước năm 2013, Thuận Lộc sẽ có đủ các tiêu chí của một nông thôn mới và sẽ thành phường. Vậy mà đến nay, còn bao nhiêu điều chúng ta chưa làm được?

Thọ tránh cái nhìn trực diện của tôi, hồi lâu mới nhỏ nhẹ trả lời:

- Thì lãnh đạo xã và người dân ở đây cũng đã và sẽ gắng hết sức mình. Vấn đề là còn chờ ở viện trợ, chia lửa của Thị, của Tỉnh. Từ hoàn chỉnh quy hoạch, giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất cho các thiết chế văn hóa, y tế, phát triển kinh tế để nâng cao thu nhập cho người dân, nhà ở dân cư... Cái gì đụng đến cũng tiền tỷ. Không có kinh phí thì mọi kế hoạch, đồ án, tiêu chí chắc chắn còn phải treo đấy mà thôi!

Tôi không dám bình luận gì thêm, chỉ lặng lẽ gật đầu. Hôm trước, anh Nguyễn Văn Hổ, người cùng tuổi, cùng quê Đức Thọ, cùng khóa học lớp cao cấp lý luận chính trị mới về nhậm chức Chủ tịch UBND Thị xã Hồng Lĩnh đã trao đổi với tôi: "Trong mục tiêu chung xây dựng Thị xã Hồng Lĩnh trở thành đô thị loại III trước năm 2015, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thị xã Hồng Lĩnh lần thứ V, nhiệm kỳ 2010- 2015 đã xác định một số chỉ tiêu quan trọng chủ yếu, trong đó có việc tập trung xây dựng xã Thuận Lộc đạt các tiêu chí nông thôn mới và trở thành phường trước năm 2013. Thời gian không còn nhiều, phải tranh thủ huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực. Cũng còn không ít khó khăn nhưng chúng tôi tin sẽ làm được vì đã có Nghị quyết 06 ngày 27/4/2008 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thị xã Hồng Lĩnh đến năm 2015 và những năm tiếp theo. Đó là ý chí của cả tập thể lãnh đạo từ Tỉnh đến Thị xã, nhưng trước hết là trách nhiệm trực tiếp của Đảng bộ và nhân dân Thuận Lộc".

Đón chờ mùa lộc mới

Gần trưa trời nắng gắt. Men theo con đường đất, chúng tôi đi bộ vào tránh nắng dưới tán lá lộc vừng dày ken của làng Giao. Tôi thực sự thảng thốt và không tin vào mắt mình nữa. Bao bọc lấy làng Giao Tác ở phía bờ Bắc là cả một lũy lộc vừng với cơ man những gốc cây san sát kề nhau, kéo dài đến non cả cây số. Có những gốc cây to tay người ôm không xuể. Đa phần là những gốc cây già lão, cổ thụ, nghe bảo đã có hàng chục, hàng trăm năm tuổi. Tôi có biết sơ sơ về cây cảnh, bèn hỏi anh Thúy:

- Những người sưu tầm cây cảnh họ không đến đây hỏi tìm mua à?

Anh Thúy, cán bộ văn hóa xã sôi nổi:

- Nhiều lắm, có người ngã giá những gốc thế đẹp đến cả trên trăm triệu đồng nhưng xã không bán vì các cụ cao tuổi tha thiết đề nghị giữ lại để làm kỷ niệm.

Anh Thọ bồi thêm:

- Chúng tôi đã mất quá nhiều rồi! nào là đình chùa, đền miếu mà khi xưa làng nào cũng có nhưng giờ chỉ còn là phế tích. Bây giờ chỉ còn lại chút tài sản đáng giá này. Sắp tới, xã dự kiến sẽ làm một con đường chạy dọc hai bên lũy lộc vừng để phát huy thế mạnh du lịch văn hóa trong tương lai.

Rồi anh khoát tay chỉ vào một nhà dân ở gần cạnh đó:

- Đình Giao Tác trước ở chỗ vị trí của khoảnh sân nhà này, nay mai, chúng tôi sẽ đưa trả đình làng đúng về chỗ cũ.

Tôi như lặng người đi trước vẻ đẹp hoang dã, tự nhiên của những gốc cây lộc vừng và để mặc lòng cho ký ức trở về đánh thức. Chính dưới những gốc cây này thời tuổi nhỏ về quê ngoại tránh bom, tôi đã tha thẩn nhặt tìm những nụ hoa mưng ối đỏ rụng trôi phập phồng trên mặt nước, rứt cọng cỏ may xâu thành chuỗi đội lên đầu cô bé trạc tuổi mình mặt còn lem nhem mũi nước. Những cây lộc vừng một thưở từng bị đội dân quân khi tập đánh trận giả chặt lấy gỗ đun nước bây giờ đã trở thành "lộc vàng" của quê nhà. Tính sơ sơ với hàng trăm gốc lộc vừng này, Thuận Lộc có một tài sản cả hàng chục tỷ đồng. Những gốc cây gắn với ký ức của bao thế hệ thực sự là" vàng" của hiện tại và tương lai. Một tài sản vô giá mà không phải làng xã nào trong Hà Tĩnh này cũng có cơ may có được, tôi tin là như thế.

Vẫn còn thật nhiều chuyện để lãnh đạo và nhân dân một xã anh hùng trong quá khứ làm cái việc nhấc mình lên trong hiện tại và tương lai. Thuận Lộc bây giờ như đang bắt đầu một quá trình vỡ vạc để tìm kiếm cho mình một hướng đi. Tôi tiếc là chưa được xem tấm bản đồ quy hoạch của xã. Cho dẫu thế nào thì cái xuất phát từ quá khứ vẫn là cái móng nền vững chắc và sang trọng để tiến về phía trước. Nhớ hôm trước, tôi có dịp ngồi trò chuyện cùng ông Trần Nguyễn Đề, cựu Chủ tịch xã Thuận Lộc bây giờ là Trưởng phòng LĐTBXH Thị xã Hồng Lĩnh. Ông Đề bảo, xã còn hơn hai chục cái sắc phong bằng chữ Hán có liên quan đến các đền chùa, miếu mạo và các danh nhân lịch sử đang gửi ra Hà Nội nhờ dịch ra chữ quốc ngữ. Ông cũng tiếc cho cái điệu sắc bùa, một thứ văn hóa phi vật thể đặc sản của xã nhà đang dần bị mai một. Cái đình Hát ở trước xóm Chùa làng Phúc Lộc ngày trước là nơi để trai gái trong làng đến hát dặm, hát ví, diễn các tích trò nay chỉ còn lại mỗi cái tên cầu gợi nhớ về một thưở. Đình làng Giao Tác xứng đáng là một di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh đã có kế hoạch di dời trả về chỗ cũ cho hợp với cảnh quan nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Ngắm nhìn cánh đồng làng mơn man màu xanh cỏ lúa, tôi thầm nghĩ chẳng thể là ngày một ngày hai, nhưng Thuận Lộc chịu thương chịu khó một thời dứt khoát sẽ phải đổi thay. Những con đường bê tông rộng rãi, các công trình theo năm tháng sẽ được dựng xây, đời sống người dân rồi cũng sẽ tươi da thắm thịt. Nhưng nay mai, dù còn là xã hay sẽ thành phường thì lòng tôi vẫn muốn quê ngoại của mình phải lưu giữ cho bằng được những gì gắn với ký ức của một thời. Ví như, những mái ngói uốn cong của đình làng Giao Tác, là lũy lộc vừng với những chùm hoa li ti ối đỏ, là điệu hát sắc bùa náo nức mỗi mùa Tết đến. Bên cạnh những con đường mới mở, lũy lộc vừng già cả bao đời nhẫn nại tỏa bóng mát che rợp đất quê đang trút lá trở mình để đón chờ một mùa lộc mới.

Quê ngoại Thuận Lộc, thu 2011

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast