Lào đầu tư dự án 15 triệu USD sản xuất nhiên liệu sinh học

(Baohatinh.vn) - Trong bối cảnh nguồn cung nhập khẩu không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước, Công ty Nhiên liệu nhà nước Lào (LSFC) vừa bắt tay với doanh nghiệp Hàn Quốc nghiên cứu phát triển năng lượng sinh học tại Lào.

Lào đầu tư dự án 15 triệu USD sản xuất nhiên liệu sinh học

Đại diện LSFC và GAIA tại buổi ký biên bản ghi nhớ nghiên cứu khả thi đối với dự án phát triển năng lượng sinh học tại Lào. (Ảnh: Vientiane Times)

Theo hãng thông tấn Lào KPL, ngày 6/6 vừa qua, tại Thủ đô Vientiane, LSFC và Công ty TNHH Gaia Petro (GAIA) của Hàn Quốc đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) về nghiên cứu khả thi đối với dự án phát triển năng lượng sinh học (Bio-Oil) tại Lào. Tổng giá trị đầu tư của dự án khoảng 15 triệu USD.

Việc sản xuất thương mại nhiên liệu sinh học dự kiến ​​sẽ bắt đầu vào năm 2023. Dự án Bio-Oil sử dụng hai phương pháp đốt cháy và lên men ethanol kết hợp công nghệ hiện đại để sản xuất nhiên liệu sinh học chất lượng cao.

Sau khi chính thức đi vào hoạt động, năng lực sản xuất của nhà máy Bio-Oil dự kiến đạt khoảng 1 triệu lít nhiên liệu sinh học chất lượng cao/ngày, hoặc 25 triệu lít/tháng.

Theo đại diện Công ty GAIA, sau khi ký kết biên bản ghi nhớ, hai bên sẽ tiến hành nghiên cứu khả thi trong 3 tháng, trước khi bước vào các giai đoạn sản xuất tiếp theo.

Lào phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu. Nước này cần khoảng 120 triệu lít nhiên liệu mỗi tháng để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước, song hiện tại các doanh nghiệp và đơn vị nhập khẩu nhiên liệu ở Lào chỉ đủ khả năng mua chưa đến 50% khối lượng này dẫn đến tình trạng thiếu xăng, dầu trầm trọng tại Lào trong những tháng qua.

Lào đầu tư dự án 15 triệu USD sản xuất nhiên liệu sinh học

Các phương tiện xếp hàng chờ đổ nhiên liệu tại một trạm xăng dầu ở Lào. (Ảnh: Vientiane Times)

Dự án Bio-Oil khi đi vào hoạt động sẽ góp phần quan trọng trong việc phát triển cơ sở hạ tầng của Lào, giúp nước này từng bước giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu hiện đang thiếu hụt.

(Theo KPL)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast