Nâng cao chất lượng dân số: Nhiều khó khăn cần tháo gỡ!

(Baohatinh.vn) - Chất lượng dân số Hà Tĩnh hiện đang ở mức thấp, xếp tốp sau so với các tỉnh, thành trong cả nước… Để thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng dân số, thời gian qua, Hà Tĩnh đã và đang lồng ghép triển khai nhiều đề án, mô hình, tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ.

Nâng cao chất lượng dân số: Nhiều khó khăn cần tháo gỡ! ảnh 1
Giao lưu đối thoại sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân ở xã Thạch Đài (Thạch Hà).

Chất lượng thấp

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có khoảng 60% người cao tuổi sống ở nông thôn, trong đó, 60% người cao tuổi không có tích lũy, tỷ lệ người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo chiếm gần 1/3 tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh. Năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh chiếm 7,42%, cao hơn mức chung của cả nước (5,8%), GDP bình quân đầu người đạt 34 triệu đồng (cả nước đạt trên 40 triệu đồng). Những con số trên là một thực tế cho thấy, chúng ta còn phải phấn đấu rất nhiều để nâng cao chất lượng dân số.

Hiện nay, chất lượng dân số chưa có những cải thiện đột phá, thậm chí, gia tăng những yếu tố làm suy giảm. Hệ thống y tế đã được nâng cấp, song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Tình trạng người nghèo bị bệnh không được điều trị đúng mức vẫn còn. Tình trạng trẻ em suy dinh dưỡng; trẻ em và phụ nữ phải lao động nặng nhọc còn khá phổ biến ở nông thôn, miền núi. Tỷ lệ dinh dưỡng trong bữa ăn của cộng đồng đã được nâng cao hơn nhiều so với trước, song lại xuất hiện tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm…

Đời sống tinh thần và điều kiện để hưởng thụ văn hóa cũng được xem là một trong những tiêu chí quan trọng nhằm đánh giá chất lượng cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, với hơn 80% dân số vẫn làm nông nghiệp, “một nắng hai sương” lăn lộn với ruộng đồng, gánh nặng cơm áo hàng ngày đang khiến một bộ phận không nhỏ người dân Hà Tĩnh chưa có điều kiện thụ hưởng các giá trị văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần. Chất lượng dân số thấp đang là thách thức không nhỏ, cản trở sự phát triển KT-XH của tỉnh nhà.

Siêu âm sàng lọc cho bà mẹ mang thai tại Trạm Y tế xã Thạch Vĩnh (Thạch Hà)
Siêu âm sàng lọc cho bà mẹ mang thai tại Trạm Y tế xã Thạch Vĩnh (Thạch Hà)

Khó khăn trong triển khai các mô hình, đề án

Để thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng dân số, thời gian qua, Hà Tĩnh đã và đang lồng ghép triển khai đề án “Sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh” và các mô hình “Tư vấn, chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng”, “Tư vấn và chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân”. Các đề án, mô hình triển khai đi vào cuộc sống đã phát huy hiệu quả nhưng vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ. Trang thiết bị phục vụ đề án còn nhiều thiếu thốn. Một số cơ sở vẫn đang duy trì máy siêu âm đen trắng và đã sử dụng thời gian dài nên chưa đáp ứng được yêu cầu cho sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Bên cạnh đó, định mức chi cho việc thực hiện các kỹ thuật (như: lấy máu gót chân, vận chuyển máu…) còn thấp nên gây khó khăn, áp lực cho các đơn vị.

Một trong những khó khăn nhất của đề án “Sàng lọc trước sinh và sơ sinh” là quy trình kỹ thuật lấy mẫu máu gót chân của trẻ sơ sinh. Anh Phạm Bá Quyền - Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Thạch Hà cho biết: “Trong chuỗi các chương trình nâng cao chất lượng dân số, đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh cũng được đông đảo người dân chờ đón. Thế nhưng, trong quá trình thực hiện mới thấy nảy sinh nhiều khó khăn. Đó là định mức chi cho việc thực hiện các kỹ thuật như lấy máu gót chân còn thấp, công tác gửi mẫu máu ra T.Ư còn nhiều khó khăn, thậm chí, có lúc ra đến nơi mẫu bị hư hỏng dẫn đến kết quả thiếu chính xác gây hiệu ứng không tốt cho công tác tuyên truyền đề án”.

9 tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh thực hiện lấy 867 mẫu máu trẻ sơ sinh nhưng chỉ có 775 mẫu đạt. Với 92 mẫu hỏng, toàn tỉnh có 92 cháu thực hiện lấy mẫu máu gót chân nhưng không có kết quả. Điều này vô hình trung khiến các bậc phụ huynh mất tin tưởng vào tính ưu việt mà đề án mang lại.

Ông Nguyễn Huy Tú - Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh khẳng định: “Do nguồn kinh phí ít nên chưa phổ cập được quy mô toàn tỉnh, vì vậy, đối tượng được hưởng lợi từ các đề án, mô hình còn chưa nhiều. Mặt khác, nâng cao chất lượng dân số là nhiệm vụ chung của các cấp, ngành và toàn xã hội, nhưng lâu nay vẫn chỉ do ngành dân số “đơn thương độc mã” đảm nhận nên hiệu quả mang lại chưa như mong đợi”.

(Còn nữa...)

Chủ đề Dân số KHHGĐ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast