Dự thảo đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT: Giảm áp lực cho xã hội

(Baohatinh.vn) - Dự thảo của Bộ GD-ĐT về điều chỉnh phương án thi và công nhận tốt nghiệp THPT năm 2014 với điểm nổi bật là sẽ giảm còn 4 môn thi... đã trở thành một trong những đề tài được sự quan tâm của không chỉ những người làm công tác giáo dục mà còn của mọi tầng lớp nhân dân. Dự thảo đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của phần lớn giáo viên (GV) và học sinh (HS) - những người trực tiếp chịu áp lực thi cử. Nhưng vẫn còn đó không ít băn khoăn liên quan đến những thay đổi mang tính đột phá trong văn bản Dự thảo vừa công bố.

Giảm áp lực

Cuối học kỳ I, không khí học tập của HS tại các trường THPT trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt là khối 12 lại càng bận rộn, gấp rút hơn bao giờ hết. Mặc dù các trường đã chủ động phân bố lịch học, thời khóa biểu, đội ngũ GV ngay từ đầu năm học để vừa hoàn tất chương trình của Bộ, vừa dành thời gian ôn luyện cho 2 kỳ thi quan trọng sắp tới, nhưng nghĩ đến mùa thi, nhiều sỹ tử vẫn không khỏi “toát mồ hôi” trước chương trình học dày đặc. Vì vậy, những thay đổi mang tính đột phá trong Dự thảo của Bộ GD-ĐT đã khiến không ít GV và HS thở phào nhẹ nhõm.

Giảm môn thi tốt nghiệp THPT sẽ giảm áp lực cho học sinh trong mùa thi.
Giảm môn thi tốt nghiệp THPT sẽ giảm áp lực cho học sinh trong mùa thi.

Cô Lê Thị Minh Phượng - Phó hiệu trưởng Trường THPT Minh Khai (Đức Thọ) cho biết: “Qua đọc và nghiên cứu Dự thảo của Bộ, tôi thấy chủ trương giảm môn thi tốt nghiệp là thích hợp. Với 4 môn thi cũng có thể đánh giá được năng lực toàn diện của HS. Đặc biệt, Văn và Toán là 2 môn công cụ tiêu biểu cho 2 khối tự nhiên và xã hội, 2 môn còn lại là để phát huy năng khiếu, sở trường của HS. Giảm môn thi tốt nghiệp không chỉ tiết kiệm được chi phí trong thi cử mà quan trọng hơn là giảm áp lực cho HS và cả GV”.

Từ nhiều năm nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức với 6 môn, gồm 3 môn bắt buộc: Văn, Toán, Ngoại ngữ; 3 môn còn lại được Bộ GD-ĐT công bố vào thời điểm cuối tháng 3 hàng năm. Để chuẩn bị cho kỳ thi này, cả thầy và trò phải tích cực ôn tập trong một thời gian dài trước đó và sau khi thi tốt nghiệp 1 tháng, các em lại gấp gáp bước vào kỳ thi đại học với áp lực hơn nhiều. Em Nguyễn Thị Mai - sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Nông nghiệp (Hà Nội) chia sẻ: “Việc ôn thi tốt nghiệp 6 môn và sau đó là kỳ thi đại học thực sự là quãng thời gian căng thẳng với chúng em. Học ngày, học đêm đến quên ăn, quên ngủ. Thế nên, nếu đề án này được thực hiện thì HS có thời gian đầu tư cho kỳ thi đại học, cao đẳng”.

Các nhà nghiên cứu chuyên môn cũng cho rằng, thực tế vào mỗi mùa thi, không chỉ có HS, phụ huynh mà toàn xã hội... đi thi. Hai kỳ thi liên tiếp tiêu tốn rất nhiều công sức và tiền bạc. Vì thế, với việc đơn giản hóa kỳ thi tốt nghiệp sẽ không chỉ giảm được áp lực mà còn tiết kiệm được nguồn ngân sách lớn cho xã hội.

Những băn khoăn

Cùng với hướng giảm các môn thi ngoài môn bắt buộc, phương án thí sinh được phép lựa chọn các môn thi còn lại khiến không ít người băn khoăn về tình trạng HS đua nhau đăng ký các môn khoa học tự nhiên mà sao nhãng các môn xã hội. Bởi, từ thực tế nhu cầu xã hội nên những năm gần đây, tình trạng HS học lệch, chỉ chú trọng các môn tự nhiên diễn ra rất phổ biến. Khi được phép lựa chọn môn thi theo sở thích, việc HS không mặn mà, thậm chí buông lỏng các môn xã hội rất có thể xảy ra. Và như vậy, kỳ thi sẽ mất đi giá trị đánh giá kiến thức nền tảng của HS. Mục tiêu giáo dục toàn diện đối với HS phổ thông vì thế cũng bị ảnh hưởng.

Một nội dung khác của Dự thảo, đó là đề xuất việc miễn thi cho khoảng 20% thí sinh có học lực giỏi, đồng thời tính điểm trung bình lớp 12 làm cơ sở để công nhận tốt nghiệp cũng đã đặt ra những băn khoăn vì rất có thể nảy sinh tiêu cực, hiện tượng “làm điểm” tại các trường. Thầy Lê Ngọc Hà - Phó hiệu trưởng Trường THPT Mai Thúc Loan (Lộc Hà) cho biết: “Nếu cho phép miễn thi và tính điểm học lực trung bình lớp 12 khi chất lượng giáo dục ở các địa phương khác nhau thì phương án điều chỉnh này có thể sẽ là kẽ hở để xảy ra tình trạng xin, cho, nâng điểm, dẫn đến quá trình đánh giá thiếu khách quan, không công bằng”.

Một số ý kiến khác cho rằng, nếu vẫn thi, rồi có một diện miễn thi sẽ nảy sinh rất nhiều tiêu cực mà ngay cả hiệu trưởng cũng không kiểm soát được. Đôi khi GV nâng đỡ HS không hẳn vì do quyền lợi quá lớn mà chỉ vì thái độ “chăm sóc nhiệt tình” của phụ huynh. Quá trình đánh giá thiếu khách quan sẽ không dừng lại ở một lớp, một trường mà rất có thể kéo theo hệ lụy - đó là một cuộc chạy đua ngầm về điểm số, thành tích giữa các trường, bởi trường đánh giá nghiêm túc thì HS sẽ thiệt thòi so với trường khác.

Đổi mới thi tốt nghiệp, việc cấp bách

Không ít người hồ nghi về tính nghiêm túc ở một kỳ thi mang tầm cỡ quốc gia, khi tỷ lệ tốt nghiệp THPT của hầu hết các tỉnh, thành trên địa bàn cả nước gần như nhau và xấp xỉ 97-99%. Vì thế, việc đổi mới cách kiểm tra, đánh giá thi cử được xem là giải pháp đột phá trong thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Vì thế, theo Bộ GD-ĐT, Dự thảo điều chỉnh phương án thi, công nhận tốt nghiệp THPT sẽ được lấy ý kiến rộng rãi trước khi được triển khai, dự kiến áp dụng từ năm học 2014-2015. Giảm áp lực, thay đổi hình thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT cho HS là rất cần thiết, tìm phương án thi không khó, nhưng cách triển khai thế nào để có một kỳ thi nghiêm túc, đánh giá đúng năng lực của HS là điều mà cả xã hội kỳ vọng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast