Chung một hồn quê

(Baohatinh.vn) - Mỗi con người sinh ra đều gắn với hồn thiêng của quê hương, dân tộc mình. Tôi sinh ra ở Xứ Nghệ, mảnh đất khắc nghiệt bởi thời tiết và chiến tranh binh lửa. Một xứ sở lắm núi, nhiều đồi, có con sông Lam hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh chung dòng, người dân đôi bờ chung nhau giọng nói, chung phong tục tập quán, chung nết ăn, nết ở, chung một hồn quê sâu lắng dân ca Ví, Giặm.

Núi Hồng – sông Lam. Ảnh: Quang Vinh

Núi Hồng – sông Lam. Ảnh: Quang Vinh

Dân ca Ví, Giặm là gì, bắt nguồn từ đâu? Nhiều câu trả lời, nhưng có một điều không ai chối cãi, dân ca Ví, Giặm là tiếng nói yêu thương của người dân lao động “một nắng, hai sương”. Ví, Giặm được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Cùng với bầu sữa căng tròn, người mẹ đã mớm cho con, thổi vào hồn con ngay từ thuở nằm nôi hình ảnh con cò chao trắng muốt trên cánh đồng xanh vời vợi, cây đa làng “bóng ngả xiêu xiêu”. Một tiếng gọi đò trong đêm vắng, một ánh trăng tà buốt lạnh giọt sương khuya, một tiếng gà xao xác gọi bình minh thức dậy.

Mảnh đất tạo hóa nên những cảnh vật quen thuộc và hồn hậu ấy để dắt con người tới từng cung bậc tình cảm, trước hết là đạo làm con: Con ơi muốn nên thân người. Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha. Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể. Anh em như thể tay chân. Tình mẫu tử, tình phụ tử, tình huynh đệ không chỉ thắp sáng trong hồn dân nước Việt, mối tình bất diệt ấy còn thắp sáng trong hàng trăm câu dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh để mỗi cậu bé, cô bé hiểu được sâu sắc nền tảng văn hóa, nền tảng về đạo đức.

Dân ca Ví, Giặm truyền cho con người không phải là thứ ngôn ngữ bác học, không phải là những lời giáo huấn bằng triết lý khô khan, đó là thứ ngôn ngữ bình dân, mộc mạc, dễ hiểu nhất nhưng nghe xong thì ứa nước mắt vì yêu thương, vì xúc động, vì lỗi lầm mình vấp phải để trở lại đích thực hai chữ thiêng liêng “con người”. Những người sáng tạo dân ca Ví, Giặm đâu dám nghĩ sẽ có một ngày sản phẩm của mình được thế giới công nhận là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại, được thế hệ sau lưu truyền, gìn giữ. Khát vọng lớn nhất của họ là thứ “văn học truyền miệng” ấy có trở thành “mầm cây”, có được “đơm hoa kết trái” trong tâm hồn, có trở thành sức mạnh lay chuyển được ý thức hệ trong con người không?

Không ai biết được bài Giặm Phụ tử tình thâm ra đời vào ngày, tháng, năm nào, nhưng từ bao nhiêu thập kỷ đã thân thuộc với người dân Nghệ An và Hà Tĩnh như cơm ăn, nước uống. Phụ tử tình thâm như lời răn của cha, lời khuyên của mẹ và chính là “cẩm nang” sống cho mỗi thế hệ, dầu họ lớn lên ở đâu, làm gì cũng không quên được đức sinh thành và nơi “chôn rau, cắt rốn”.

Nhà thơ Huy Cận viết: Tình Xứ Nghệ không mau/ Nhưng bén rồi sâu lắng, thì dân ca Ví, Giặm Xứ Nghệ cũng vậy, không réo rắt như cung đàn, không êm ả, mượt mà như dân ca quan họ, cái chất của dân ca Ví, Giặm Xứ Nghệ đó là sự chân thực, bộc bạch, cởi mở như đức tính người Xứ Nghệ yêu thật bụng, thương thật lòng. Dân ca Ví, Giặm thời ấy được cất lên ngay trong lúc cầm cày thúc trâu trên đồng, khi khom lưng cấy mạ, khi chèo thuyền khoan thai trên sông nước và cả những lúc mỏi gối, chồn chân trèo hái củi giữa non xanh. Ai biết rằng, giọt mồ hôi của người lao động đã kết tinh thành những hạt ngọc này. Chúng ta nghe trong sâu thẳm thời gian tiếng đồng vọng của ông cha thuở ấy: Khoan khoan... đợi với ơ... phường. Trên vai gánh nặng dưới đoạn đường khó đi.

Chúng ta nhìn rõ mồn một hình ảnh người nông dân vất vả làm lụng trong ca dao: Cày đồng đang buổi ban trưa. Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày. Ai ơi bưng bát cơm đầy. Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần. Dẫu đắng cay muôn phần, nhưng đằng sau chuỗi cay đắng này, trí tuệ của con người được khám phá, kinh nghiệm được đúc rút. Càng khám phá dân ca Ví, Giặm Xứ Nghệ, càng thấy muôn mặt của đời thường. Dân ca Ví, Giặm đã truyền cho con người tình yêu lao động, kinh nghiệm sản xuất. Khi hạn trắng đồng, thiếu nước cấy, biết sử dụng gầu dai tát nơi ruộng thấp, biết sử dụng gầu sồng tát nơi ruộng cao. Rồi quanh năm nông vụ chí kỳ, người dân Xứ Nghệ chạy đua cùng thời tiết, từ kinh nghiệm quý báu ấy đã truyền cái khôn cho người đời bằng ca dao, dân ca.

Dân ca Ví, Giặm như một hơi men của rượu khi nói về tình bạn, tình yêu. Tình bạn trong Ví, Giặm là sự keo sơn bền chặt, sự tương tri, tương ngộ, trong sáng như pha lê, đẹp như ánh trăng rằm. Tình yêu là sức mạnh vô hình không gì lay chuyển nổi Ví dù thầy mẹ em có đánh đập em chín chục một trăm. Đập rồi em lại dậy vẫn nhất tâm em yêu chàng.

Còn gì lãng mạn hơn trong mênh mông dòng chảy của sông Lam thơ mộng ngày ấy, bao nhiêu cuộc du thuyền bằng những câu Ví, Giặm giao duyên bên nam và bên nữ. Cuộc giao duyên đối đáp đã làm cạn cả ánh trăng khuya, nhưng chẳng bên nào muốn bỏ cuộc chơi. Bắt đầu cuộc chơi, người con trai “đánh tiếng” bằng những lời tỏ tình rất tế nhị và người con gái lên tiếng đối đáp ngay. Để rồi, hai người lại tiếp tục bộc lộ tâm tư, hoàn cảnh, duyên cớ của mình. Thuở ấy, không ít cuộc chơi đã nên nhân, nên nghĩa, nên bạn tình và xe duyên chồng vợ.

Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh ngàn đời, dầu ở mỗi thời đại, mỗi hoàn cảnh lịch sử khác nhau đều hàm chứa những vui, buồn, thương, giận. Lời tương phùng, tương ngộ, lời tri ân, lời giã biệt... Nhưng tất cả những cung bậc trầm bổng, sảng khoái, bi thương ấy đều hướng con người tới: chân - thiện - mỹ, tới ước mơ và khát vọng về tương lai.

Còn gì đẹp hơn khi hàng ngàn dân công kĩu kịt vai gánh, vai gồng, miệng vẫn không ngớt câu hò dân ca Nghệ Tĩnh khi qua đèo Lũng Lô, vượt dốc Pha Đin để bước chân mình thêm sức gió tiến nhanh tới chiến trường Điện Biên Phủ! Còn gì đẹp hơn khi dân ca Xứ Nghệ được truyền lửa cho những cô gái mở đường Trường Sơn, cho anh bộ đội ngồi trên mâm pháo, cho người chiến sĩ giữa bưng biền Đồng Tháp! Ánh mắt họ sáng lên khi được nghe Bạn tình ơi, Giận thương, Phong thư sông Lam... những làn điệu dân ca được truyền tải từ Đài Tiếng nói Việt Nam, được các diễn viên đoàn văn công trực tiếp hát giữa chiến trường. Mỗi khúc dân ca Xứ Nghệ là hình bóng quê nhà, hình bóng người thân và hồn thiêng Tổ quốc, giục giã tay súng.

Đất nước reo vui khúc khải hoàn, dân ca Ví, Giặm Xứ Nghệ lại reo vui náo nức với hơi thở của thời đại mới. Bao nhiêu hoạt cảnh dân ca, bao nhiêu nghệ sĩ tài năng và đam mê dân ca được “bung”, được hát thỏa sức trên sân khấu. Con thuyền vẫn biết về bến cũ, sông quê; con người Xứ Nghệ vẫn biết tìm về quá khứ để phục hồi những gì đã mai một, để hồn dân ca sâu lắng hơn, tươi trẻ hơn, làm đẹp thêm những gì người xưa gửi gắm.

Chớ than phận khó ai ơi. Còn da lông mọc, còn chồi nẩy cây. Người Xứ Nghệ như vậy đấy: Bao giờ Hồng Lĩnh hết cây. Sông Lam hết nước đó đây hết tình. Cây không bao giờ hết, nước không bao giờ cạn, thì dân ca Ví, Giặm Xứ Nghệ vẫn như dòng sông xanh chảy mãi tới vô cùng,,.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast