Phó thủ tướng: ''Yên tâm làm đường sắt cao tốc''

Không nằm ngoài dự đoán, vấn đề đầu tư siêu dự án 56 tỷ USD tiếp tục được các đại biểu đem ra chất vấn thành viên cấp cao nhất của Chính phủ đăng đàn tại kỳ họp Quốc hội lần này.

Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng. Ảnh: Hoàng Hà

Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng. Ảnh: Hoàng Hà

Dự án đường sắt cao tốc được Chính phủ trình xin ý kiến Quốc hội tại đầu kỳ họp và dự kiến thông qua vào ngày 19/6. Trong các ý kiến tranh luận trực tiếp tại Quốc hội, tỷ lệ ủng hộ đang tăng lên, song vẫn còn không ít đại biểu băn khoăn về hiệu quả đầu tư, khả năng vay nợ và cân đối ngân sách để thực hiện dự án.

Trong phiên chất vấn Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng sáng qua, chỉ hai đại biểu đặt câu hỏi liên quan đến chủ trương đầu tư dự án đường sắt cao tốc, song đều là các câu hỏi xoáy, sắc và thậm chí có thể khiến người nghe tái mặt nếu không đủ bản lĩnh.

"Tôi muốn biết Phó thủ tướng có yên tâm với dự án đường sắt cao tốc hay không. Trong khi nhiều cái nhỏ ta chưa làm được, đầu tư cái lớn sẽ ra sao?", đại biểu Đặng Như Lợi hỏi xoáy, ám chỉ tới phiên chất vấn Bộ trưởng Giao thông Hồ Nghĩa Dũng, tại đó người đứng đầu ngành thừa nhận không thể giải quyết ngay tình trạng dự án thi công chậm trễ, hay thiếu cầu để người dân phải đu dây vượt sông.

"Tôi yên tâm. Yên tâm rằng phải làm. Yên tâm cùng Chính phủ xin Quốc hội chủ trương để làm. Yên tâm là Quốc hội và Chính phủ tính được bài để làm", Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng không ngại ngần nêu thẳng quan điểm cá nhân về chủ đề nhạy cảm này. Ông đưa ra nhiều lý do giải thích tại sao cần làm dự án, tại sao đường sắt cao tốc của Việt Nam dài đến vậy.

Và, bằng hiểu biết, kinh nghiệm của người từng đảm đương chức vụ Bộ trưởng Tài chính, ông trình bày cặn kẽ bài toán vay mượn, cân đối ngân sách để trả nợ cho dự án. Theo số liệu Phó thủ tướng công bố, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam năm nay ước đạt 106 tỷ USD. Với đà tăng trưởng hiện nay, đến 2020, GDP sẽ đạt gần 300 tỷ USD; 2030 là 700 tỷ USD; 2040 đạt 1.200-1.400 tỷ USD và đến 2050 sẽ gấp đôi số đó. GDP bình quân đầu người đến 2050 dự kiến lên 20.000 USD, thay vì mức hơn 1.000 USD hiện nay. Nếu cứ lấy ngưỡng an toàn vay nợ là 50% GDP, đến 2020, Việt Nam có thể vay 150 tỷ mà vẫn an toàn.

"Với mức vay nợ như vậy, chúng ta có thể làm được. Mà thưa các đồng chí, có phải chúng ta làm ngay ngày mai đâu. Còn tính toán, cân lên đặt xuống và xin ý kiến Quốc hội nhiều lần nữa trước khi triển khai", ông nói chắc nịch, sau khi rành mạch công bố một loạt số liệu mà chỉ nhầm một chút về ước tính GDP 2040 của Việt Nam (thay vì 1.200-1.400, nói nhầm thành 1,2-1,4 triệu tỷ USD).

Là người chất vấn cuối cùng, đại biểu Dương Trung Quốc không hỏi về hiệu quả đầu tư hay tính kinh tế của dự án. Ông quan tâm đến thể diện dân tộc khi cứ mãi phải lệ thuộc vào đồng vốn ODA, thứ mà ông coi chỉ là nguồn lực nhất thời.

"ODA là khoản vay có điều kiện của nước giàu đối với nước nghèo, thực chất là phương thức đầu tư tài chính, công nghệ và chính trị mang lại lợi ích cho chủ nợ. Việc vay vốn ODA là cần thiết, nhưng chỉ nên coi là nhất thời, giống như đứa trẻ cần bú sữa mẹ, vú nuôi hoặc xin sữa hàng xóm. Các nước đều nỗ lực giảm vay ODA, giống như đứa trẻ cứng cáp cần cai sữa mẹ. Chính phủ đã có kế hoạch cai ODA hay chưa?", ông Quốc vẫn giữ cách hỏi ví von, đầy ẩn ý khi biết ODA là phần vốn quan trọng để triển khai dự án đường sắt cao tốc.

Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng không mấy khó khăn để trả lời câu hỏi sốc này. Giữ nét mặt điềm tĩnh, tươi tắn và thỉnh thoảng cười hóm hỉnh, ông khẳng định Việt Nam không chấp nhận các dự án mà nhà tài trợ có động cơ, mục đích chính trị đằng sau. Tuy nhiên, ông thừa nhận Việt Nam chịu một số ràng buộc về kinh tế và công nghệ khi vay ODA.

"Bú sữa hàng xóm đúng là khó đấy. Vay ODA mà họ cho mình tự quyết thì tốt hơn. Chúng ta vay thực tế có chịu ràng buộc và có thiệt về kinh tế. Song tính chung lại, đánh giá các mặt cho thấy sử dụng vốn ODA là có hiệu quả. Năm vừa rồi mặc dù thế giới khó khăn mà họ vẫn cam kết cho mình vay với mức kỷ lục", ông nói. Tuy nhiên, theo Phó thủ tướng, trong điều kiện hiện nay, Việt Nam vẫn phải tranh thủ nguồn ODA càng dài càng tốt.

Cùng với câu chuyện đường sắt cao tốc, điện là vấn đề được nhiều đại biểu đặt ra. Cả ba đại biểu đứng lên chất vấn Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng trong nửa phiên sáng qua đều xoáy vào câu chuyện thiếu điện, cắt cúp điện tràn lan đang gây bức xúc trong dư luận và thiệt hại sản xuất kinh doanh.

Trách khéo Chính phủ không đưa vấn đề điện vào báo cáo giải trình, đại biểu Lê Văn Cuông cho biết câu chuyện này đã được đem ra chất vấn tại nhiều kỳ họp nhưng không cải thiện, thậm chí còn căng thẳng hơn. Theo ông, tình trạng cắt điện luân phiên xảy ra phổ biến và trên diện rộng, đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân, nhất là trong những ngày hè oi bức.

Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết tốc độ tăng trưởng của ngành điện đạt 13-14% mỗi năm, thời gian tới phấn đấu nâng lên 16% để dự phòng. Theo ông, tốc độ tăng trưởng như vậy là cao nếu so với các nước, song vẫn thiếu điện do đầu tư phát triển còn chậm, công tác quản lý đầu tư và quan hệ giữa người đầu tư và người cung ứng điện, bán điện chưa triệt để.

Phó Thủ tướng còn nêu hàng loạt nguyên nhân chủ quan và khách quan như chậm đổi mới thiết bị, vẫn sử dụng các trang thiết bị lạc hậu mà tốn điện, chưa giảm được thất thoát điện năng và đặc biệt là ý thức tiết kiệm của người tiêu dùng, công sở và nơi công cộng.

"Các đồng chí hỏi trách nhiệm thiếu điện ở đâu? Ở Chính phủ, Thủ tướng, các đồng chí giúp việc cho Thủ tướng và trực tiếp là trách nhiệm của Tập đoàn Điện lực (EVN). Thủ tướng đã liên tục kiểm điểm vấn đề này", ông nói.

Sự thẳng thắn của Phó thủ tướng vẫn chưa làm thỏa mãn người hỏi. Các đại biểu Lê Văn Cuông, Ngô Văn Minh và Vũ Quang Hải tiếp tục đứng lên căn vặn tại sao thiếu điện, chất lượng dự báo và quy hoạch.

"Trong khâu quản lý có quá nuông chiều EVN, để đến nỗi khi cần tăng giá điện thì kêu lỗ, nhưng khi cần thưởng thì báo lãi, dân chưa kịp đóng tiền điện thì phạt, nhưng cắt điện của dân thì chẳng chịu trách nhiệm gì... Người dân cả đêm nóng nực, ngày xưa có thể dùng quạt mo, nay thì không thể quay lại. Không biết các đồng chí trên Trung ương có hiểu rõ cái nhọc nhằn của người dân?", đại biểu Lê Văn Cuông bức xúc.

Đã đến giờ giải lao, song trước bức xúc của đại biểu, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng xin phép trả lời ngay. Theo ông, điện là một trong 3 điểm yếu mà Chính phủ nêu ra và ưu tiên giải quyết. "3 điểm yếu của chúng ta có 2 cái nhanh và một cái chậm. Nhập khẩu tăng nhanh, giá và lãi suất tăng nhanh. Nhưng điện thì giải quyết chậm. Chính phủ chẳng nuông chiều chút nào. Ngành điện làm chưa tốt đã phải kiểm điểm", ông nói.

Phó Thủ tướng thừa nhận khâu phối hợp giữa nhà sản xuất và bán điện còn bất cập và yêu cầu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng ghi nhận ý kiến của các đại biểu. Ông tuyên bố đảm bảo nguồn điện là mục tiêu quan trọng của Chính phủ và ngành điện từ nay đến cuối năm.

Dù là phiên chất vấn Phó thủ tướng, song sáng nay các câu hỏi của đại biểu rất thẳng và sắc. Có đại biểu truy đến cùng khi thấy Phó thủ tướng trả lời lệch so với thực tế. Hay như đại biểu Đặng Như Lợi, còn "mát mẻ" nói về chuyện mất kỷ cương trong dự toán, quyết toán thu chi ngân sách. Ông đề xuất giải pháp để Chính phủ quyết dự toán ngân sách, rồi Quốc hội kiểm tra sau, bởi đằng nào cũng thế, như hiện nay Quốc hội quyết song vẫn xảy ra tình trạng tiền trảm hậu tấu, chi vượt xa so với dự toán.

Đại biểu Dương Trung Quốc khi nêu câu chuyện cho nước ngoài thuê đất rừng dài hạn, đã đề cao vai trò phản biện, can gián của các cán bộ lão thành cách mạng và báo chí. Ông đề nghị nhân dịp này Chính phủ nên có lời tri ân với các cán bộ lão thành cách mạng và khích lệ báo chí, đặc biệt là sắp đến ngày kỷ niệm báo chí 21/6. "Nếu làm như vậy cho thấy Chính phủ biết điều và biết lắng nghe", ông Quốc nói.

PhóThủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã không trả lời cho đề nghị của ông Quốc, một phần vì thời gian của phiên chất vấn hạn hẹp. Ông là thành viên cấp cao nhất và là thành viên cuối cùng của Chính phủ trả lời chất vấn tại Quốc hội kỳ này.

Nguồn: VnExpress

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast