Đột phá trong sản xuất đông xuân ở Can Lộc

Tạo bước đột phá trong cơ cấu trà lúa và cơ cấu giống là điểm nhấn của vụ sản xuất đông xuân 2011-2012 ở Can Lộc. Trong nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo, chỉ đạo sản xuất đông xuân và đề án sản xuất, lần đầu tiên trên diện tích 7.862 ha lúa, huyện quyết định chỉ đạo không sản xuất trà xuân sớm; cơ cấu 50% diện tích trà xuân trung và 50% diện tích trà xuân muộn...

Cùng với đó, huyện đặt quyết tâm bỏ hẳn giống lúa IR1820 - một loại giống truyền thống từng bộc lộ nhiều nhược điểm nhưng đã ăn sâu vào thói quen sản xuất của người nông dân. Hơn 3.500 ha lúa cơ cấu chủ yếu giống IR1820 ở các vụ đông xuân trước, nay sẽ được chuyển sang trà xuân trung với 4 loại giống mới được lựa chọn là: PC29, Xi 23, NX30 và P6.

Ra quân sản xuất đông xuân ở Can Lộc. Ảnh: Nguyễn oanh

Sự thay đổi về cơ cấu trà lúa và giống lúa ở Can Lộc gắn với việc hướng người dân tập trung sản xuất các giống lúa ngắn ngày, có năng suất cao, chất lượng tốt. Mỗi gia đình chỉ bố trí 1-2 loại giống lúa và mỗi xã chỉ sản xuất 3-4 loại giống. Mục tiêu này sẽ được Can Lộc thực hiện trước hết với việc xây dựng 5 cánh đồng mẫu ở 5 xã thuộc các vùng sản xuất khác nhau. Cánh đồng Xuân Lộc, Nga Lộc, Tùng Lộc sẽ cấy giống lúa BTE1; Trung Lộc và Quang Lộc sử dụng giống QR1. Các cánh đồng mẫu có diện tích tập trung 10 ha, chỉ sản xuất 1 loại giống chất lượng cao và sẽ tiến hành cùng xuống giống một ngày và áp dụng quy trình thâm canh tiên tiến. Đây chính là việc áp dụng hình mẫu của huyện Yên Thành (Nghệ An), một địa phương thực hiện rất thành công mô hình “ba trong một” (một giống, một đồng, một ngày). Trưởng phòng Nông nghiệp huyện - Phan Văn Cường cho biết: “Để chuyển đổi được tư duy của người nông dân trong một thời gian ngắn như thế này là cả một thử thách lớn. Nhưng đây là hướng đi đã được kiểm chứng là thành công và cũng vì cuộc sống của bà con nên chúng tôi quyết tâm làm và phải làm quyết liệt”. Để bà con yên tâm sản xuất, huyện đã trích kinh phí hỗ trợ tối đa khâu giống gần 2 tỷ đồng. Ngoài ra, các xã, thị trấn cũng được chỉ đạo trích ngân sách hỗ trợ thêm cho bà con, đảm bảo đủ giống mới khi không sản xuất lúa IR1820. Bên cạnh đó, gần 1,4 tỷ đồng được dành để hỗ trợ tập huấn quy trình kỹ thuật, trang bị máy gặt đập liên hợp, mua giống hươu… Đặc biệt, huyện hỗ trợ toàn phần kinh phí mua nilon che phủ mạ.

Để cách làm mới đi đến thành công, điều cốt yếu là phải có sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết tâm của đội ngũ cán bộ cơ sở. Bởi vậy, năm nay công tác chỉ đạo sản xuất đông xuân 2011-2012 được huyện hết sức coi trọng. Đề án sản xuất với tư tưởng chỉ đạo mới, giải pháp kỹ thuật mới được quán triệt từ đội ngũ lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể cấp huyện đến tận cấp ủy, chính quyền và đội ngũ bí thư, xóm trưởng các xã, thị trấn. Các cuộc họp này được xem là “Hội nghị Diên Hồng” để khơi thông tư tưởng của mọi người và đi đến thống nhất chung: dù khó mấy cũng phải thực hiện bằng được. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo từ huyện đến cơ sở sẽ phải chịu trách nhiệm về kết quả sản xuất ở địa phương mình. Đặc biệt, gia đình các cán bộ, đảng viên sẽ phải tiên phong thực hiện tư tưởng chỉ đạo của huyện, tuyệt đối không để mất lòng tin của nhân dân. Đồng chí Bí thư Huyện ủy Bùi Đức Hạnh cho rằng: “Những giải pháp chỉ đạo dù có “mạnh tay” nhưng nếu không quyết tâm đổi mới phương thức sản xuất thì không thể mang lại những thành quả mới được. Can Lộc chấp nhận đối mặt với khó khăn, thách thức và sẽ quyết tâm, kiên trì vận động, hướng dẫn, hỗ trợ người nông dân thay đổi tập quán sản xuất, tạo nên giá trị mới trong thâm canh”. Cuộc cách mạng trên đồng ruộng của Can Lộc đang được bắt đầu từ vụ sản xuất đông xuân 2011-2012.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast