Thuế suất về 0%, doanh nghiệp xuất khẩu dăm gỗ Hà Tĩnh vẫn khốn khó

(Baohatinh.vn) - Hiệp định CPTPP có hiệu lực từ ngày 14/01/2019 cũng là lúc các doanh nghiệp xuất khẩu dăm gỗ được hưởng ưu đãi thuế quan. Tuy nhiên, doanh nghiệp Hà Tĩnh vẫn chưa mặn mà tận dụng ưu đãi vì những rào cản…

Thuế suất về 0%, doanh nghiệp xuất khẩu dăm gỗ Hà Tĩnh vẫn khốn khó

Tàu vào "ăn hàng" dăm gỗ tại cảng Vũng Áng

CPTPP “mở lối” cho dăm gỗ

Ngày 8/3/2018, Việt Nam đã cùng 10 nước gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru và Singapore chính thức ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Đến ngày 12/11/2018, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Nghị quyết về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP và các văn kiện có liên quan. Hiệp định có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14/1/2019. Từ đây, Việt Nam mở cửa thị trường và cùng các nước tham gia ký kết Hiệp định CPTPP hưởng nhiều ưu đãi trong xuất nhập khẩu, nhất là về thuế suất.

Thuế suất về 0%, doanh nghiệp xuất khẩu dăm gỗ Hà Tĩnh vẫn khốn khó

Thuế suất dăm gỗ giảm từ 2% xuống còn 0% khi xuất khẩu sang các nước tham gia CPTPP như: Nhật Bản, Singapore...

Theo đó, cùng với nhiều sản phẩm khác, dăm gỗ khi xuất khẩu sang các nước tham gia CPTPP sẽ được loại bỏ thuế quan (thuế suất về 0% thay vì 2% như trước - PV). Đây là cơ hội lớn để doanh nghiệp xuất khẩu dăm gỗ của Việt Nam nói chung và Hà Tĩnh nói riêng có cơ hội phát triển, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.

Tại Hà Tĩnh hiện có 5 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu dăm gỗ, chủ yếu là đi thị trường: Nhật Bản, Singapore (thuộc CPTPP) và Đài Loan, Trung Quốc (không thuộc CPTPP). Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp này đã xuất khẩu hơn 260.568 tấn dăm gỗ, qua đó nộp ngân sách nhà nước hơn 16,3 tỷ đồng (thấp hơn cùng kỳ năm 2018 gần 2 tỷ đồng).

Ông Cao Đức Thắng – Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Vũng Áng cho biết: “Hiện nay, đơn vị đang hướng dẫn các doanh nghiệp hoàn thành hồ sơ, thủ tục nhằm đủ điều kiện để hưởng ưu đãi theo Hiệp định CPTPP. Và, những chuyến hàng xuất từ 14/01/2019 đến nay nếu đầy đủ điều kiện (bao gồm: hồ sơ mở tờ khai nhập khẩu ở nước bạn và hóa đơn vận tải) sẽ được hoàn thuế 100%”.

Được loại bỏ thuế quan - doanh nghiệp lại gặp khó

Có mặt tại Công ty Trồng rừng và sản xuất nguyên liệu giấy Hanviha (Khu kinh tế Vũng Áng), chúng tôi chứng kiến không khí kém phần sôi động. Hơn 1 tháng nay, bạn hàng ngừng hợp tác nên sản phẩm dăm gỗ chất từng đống.

Anh Lê Hữu Sơn – Kế toán trưởng công ty cho biết: “Giá dăm gỗ hồi tháng 5, tháng 6 đạt 139 USD/tấn nhưng sang tháng 7 thì chỉ còn 127 USD/tấn. Không chỉ bị các đối tác ép giá, hơn 1 tháng nay, công ty không xuất được chuyến hàng nào. Tháng 9 tới, công ty cũng chưa có kế hoạch xuất hàng đi”.

Thuế suất về 0%, doanh nghiệp xuất khẩu dăm gỗ Hà Tĩnh vẫn khốn khó

Công ty Trồng rừng và sản xuất nguyên liệu giấy Hanviha tạm dừng sản xuất vì chưa có đơn hàng xuất khẩu

Giá xuất khẩu thành phẩm giảm đột ngột nên Công ty Trồng rừng và sản xuất nguyên liệu giấy Hanviha buộc lòng phải hạ giá thành mua đầu vào nguyên liệu để tránh lỗ. Cụ thể, giá mua nguyên liệu từ 1,3 triệu đồng/tấn (tháng 6) giảm xuống còn 1,1 triệu đồng/tấn (tháng 7). “Giá mua nguyên liệu giảm nên bà con nông dân găm hàng không bán. Vì vậy, chúng tôi có muốn sản xuất theo kế hoạch đã xây dựng từ đầu năm cũng khó vì thiếu nguyên liệu” – anh Lê Hữu Sơn cho biết thêm.

Với thị trường truyền thống là Nhật Bản, Công ty TNHH Sản xuất nguyên liệu giấy Việt Nhật Vũng Áng đón nhận tin vui khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực. Nếu đủ điều kiện, công ty sẽ được hoàn hơn 6 tỷ đồng tiền thuế đã đóng nộp từ đầu năm đến nay.

Mặc dù vậy, khi được đề cập về việc mở rộng phát triển sản xuất để tận dụng ưu đãi, chị Hồng Nga – Kế toán trưởng công ty tỏ ra e ngại: “Nguyên liệu không chỉ thiếu mà còn bị hao hụt rất lớn. Công ty muốn mua nguyên liệu từ gốc đến ngọn nhưng gần đây, người dân thường cắt phần gốc bán cho các doanh nghiệp ngoài Bắc. Mà mua phần ngọn thì nguyên liệu sẽ hao hụt mạnh. Tính ra hưởng ưu đãi thuế nhưng bị ép giá và khó thu mua nguyên liệu nên công ty cũng chưa có định hướng mở rộng sản xuất để tận dụng ưu đãi về thuế quan”.

Chủ đề Công nghiệp, Tiểu thủ Công nghiệp, xây dựng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast