Bảo vệ môi trường để phát triển KT - XH bền vững

Phát triển kinh tế gắn liền với hoạt động bảo vệ môi trường bền vững là yêu cầu mang tính cấp bách trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá hiện nay.

Hiện tại, trên địa bàn Hà Tĩnh có 2 Khu kinh tế: Vũng Áng và Cầu Treo, 13 cụm CN-TTCN và nhiều làng nghề truyền thống đã và đang được đầu tư hoàn thiện để phát triển sản xuất. Những năm qua, tại các khu kinh tế và làng nghề trên địa bàn đã triển khai thực thi chính sách pháp luật về môi trường để đảm bảo các yếu tố phát triển bền vững, chung tay giảm thiểu những sự biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng.

Đoàn giám sát của UBTV Quốc hội cùng lãnh đạo tỉnh đi thực tế kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại Khu kinh tế Vũng Áng.
Đoàn giám sát của UBTV Quốc hội cùng lãnh đạo tỉnh đi thực tế kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại Khu kinh tế Vũng Áng.

Nhằm đảm bảo thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tại các địa phương, các cơ quan, ban ngành liên quan đã hướng dẫn các đơn vị, cơ sở sản xuất, làng nghề tiến hành xây dựng cam kết bảo vệ môi trường và thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, bên cạnh những măt tích cực thì môi trường tại các làng nghề và khu kinh tế vẫn còn một số bất cập, tồn tại cần được giải quyết.

Thực hiện các chính sách, quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, UBND tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan, BQL khu kinh tế Vũng Áng, BQL khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo và UBND các huyện thị, thành phố trong tỉnh tăng cường công tác kiểm tra bảo đảm tất cả các cơ sở đang hoạt động trong các KKT, khu công nghiệp và cụm công nghiệp đều đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) hoặc lập bản cam kết bảo vệ môi trường theo quy định.

Tại các khu kinh tế, đến thời điểm nay, Sở TN&MT và BQL các KKT đã tổ chức thẩm định và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt 43 bản báo cáo ĐTM, cấp giấy xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường cho 27 cơ sở sản xuất và phê duyệt 1 đề án bảo vệ môi trường. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng về công tác bảo vệ môi trường đã và đang triển khai trong khu kinh tế.

Môi trường ở dự án xây dựng Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng được thực hiện tốt
Môi trường ở dự án xây dựng Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng được thực hiện tốt

Việc thực hiện các quy định của pháp luật về trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhìn chung tương đối tốt; hầu hết các cơ sở sản xuất kinh doanh trong các KKT đã thực hiện các cam kết tương đối nghiêm túc theo quy định. Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở chưa chấp hành nghiêm, xả thải nước thải vượt Quy chuẩn ra môi trường; chưa thực hiện quan trắc môi trường định kì, chưa đăng kí nguồn chất thải nguy hại, chưa thực hiện việc cấp giấy phép xả thải và khai thác nguồn nước...

Qua công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng, một số cơ sở sản xuất khi thực hiện dự án đầu tư do khó khăn về nguồn vốn nên không xây dựng hoặc có xây dựng song không đảm bảo đầy đủ các hạng mục, các công trình xử lý môi trường theo văn bản cam kết, như: Công ty TNHH tư vấn chuyển giao công nghệ Việt Anh chi nhánh tại Hà Tĩnh; Nhà máy chế biến gỗ Thuỳ Dương, Xí nghiệp sản xuất đá Hương Thịnh, Xí nghiệp khai thác đá Hồng Sơn…

Đối với các làng nghề, hầu hết các cơ sở sản xuất thành lập và hoạt động mang tính tự phát, với quy mô hộ gia đình là chủ yếu, công nghệ lạc hậu, ý thức chấp hành luật bảo vệ môi trường có nơi còn chưa được chú trọng nên ô nhiễm môi trường là điều khó tránh khỏi. Ô nhiễm môi trường tại các làng nghề chủ yếu: bụi trong không khí, hơi dung môi hữu cơ do sấy, hấp sản phẩm; rác thải rắn; tiếng ồn và nước thải từ sản xuất chưa qua xử lý. Điển hình như ở làng nghề mộc Thái Yên, do không gian sản xuất chật hẹp nên trong quá trình làm nhẵn các sản phẩm đã tạo ra một lượng bụi lớn vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,3 - 1,4 lần; sử dụng các dung môi hữu cơ cũng làm cho nồng độ các chất hữu cơ có trong không khí vượt tiêu chuẩn cho phép. Làng nghề chế biến hải sản xã Cẩm Nhượng hàng ngày thải ra một lượng lớn nước thải từ quá trình sản xuất, lượng nước này chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn nên gây ô nhiễm môi trường khu vực xung quanh.

Theo ông Nguyễn Hùng Mạnh - Phó Giám đốc Sở TN&MT, hầu hết các khu kinh tế, các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề mới được hình thành, đã và đang được đầu tư để hoàn thiện và phát triển sản xuất nên chưa xảy ra các vụ việc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, các chỉ tiêu quan trọng về môi trường đều nằm trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng các khu kinh tế, cụm công nghiệp, làng nghề chưa được đầu tư đồng bộ, hầu hết đều chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý rác thải, nước thải tập trung nên tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường về lâu dài. Trong thời gian tới, vấn đề quan tâm nhất là công tác bảo vệ môi trường không khí tại Khu kinh tế Vũng Áng khi nhà máy nhiệt điện Vũng Áng và nhà máy luyện gang thép đi vào hoạt động.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast