Tiếng khóc

Chồng hy sinh ở chiến trường Quảng Trị khi chị Dần mới trên 30 tuổi. Lúc này, thằng Cần, con trai út của chị, chưa dầy 1 tuổi. Còn Nhân, chị của Cần cũng mới lên 4. Tuổi còn trẻ, khỏe mạnh, đôi mắt sáng, mái tóc dài và nụ cười có duyên nên không ít chàng trai trong làng, ngỏ lời yêu đương, muốn kết duyên vợ chồng với Dần. Bao đêm chị trằn trọc nghĩ ngợi trong nỗi cô đơn. Nhưng lòng thương con, muốn lo cho con nên người để trả nghĩa cho người chồng hết lòng thương yêu vợ, chỉ gần gũi được mấy ngày cưới và những ngày nghỉ phép trước lúc vào chiến trường chiến đấu, nên chị đành từ chối tất cả.

Hai đứa con lớn lên trong vòng tay mẹ, thông minh, học giỏi và ngoan ngoãn. Ngoài giờ học, hai con biết giúp mẹ chăn bò, hái củi và làm bao công việc lặt vặt để đỡ đần cho người mẹ chịu thương, chịu khó một nắng hai sương trên cánh đồng cát bạc, như con cò lặn lội hôm sớm tìm mồi, nuôi con. Từ cấp 1 đến cấp 3, hai con chị đều là học sinh giỏi cấp huyện và cấp tỉnh. Hai con luôn nghĩ về người bố đã hy sinh cho Tổ quốc và người mẹ đã bỏ cả tuổi xuân để chăm lo nuôi con học tập. Nhìn lên mái tóc mẹ, đâu còn dày và đen như thuở trước và những vết nhăn đã hiện dần hai bên khóe mắt, Nhân luôn tự nhủ mình và dặn em phải hết sức cố gắng thi đậu đại học để mẹ vui lòng. Ý nguyện ấy của Nhân đã trở thành hiện thực. Chị rồi em đều đưa nhau vào đại học.

Ngoài những giờ học ở trường, Nhân còn làm gia sư dạy tiếng Anh cho con em một số gia đình để có tiền ăn học và trợ giúp thêm cho em nhằm đỡ phần đóng góp của mẹ. Sau bốn năm học tập, Nhân trở về làm giáo viên cấp 3 ở trường huyện, gần nhà, có điều kiện chăm sóc mẹ hơn. Còn cậu em, sau tốt nghiệp đại học được chọn vào làm việc ở một doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài. Anh đã cưới vợ và mua được căn hộ tập thể khá khang trang. Lòng thương nhớ mẹ luôn đập nhịp trong trái tim anh. Một ngày, anh về thăm mẹ và bàn với mẹ ra ở cùng để vợ chồng anh được chăm sóc, tĩnh dưỡng tuổi già sau gần một đời lam lũ. Người mẹ nhìn lên mái nhà tranh nhỏ nhắn, mảnh vườn đầy rau xanh, cây quả và chiếc bàn thờ có bức ảnh và tấm bằng Tổ quốc ghi công của bố,nói với anh: Con cố làm ăn, thỉnh thoảng về thăm mẹ là được. Mẹ còn bận ở nhà để chăm thờ cúng bố. Hơn nữa, có chị lấy chồng ở gần nhà, luôn về thăm viếng mẹ. Xa căn nhà và mảnh vườn này - nơi các con đã lớn khôn, trưởng thành - mẹ nhớ lắm! Cần nằn nỉ mãi nhưng mẹ vẫn không chịu ra đi. Cuối cùng, mẹ nói với anh: Thôi, con cứ yên tâm làm việc, lúc nào các con cho mẹ đứa cháu, thì mẹ sẽ ra phố ở với các con. Mà các con lấy nhau đã hơn ba năm rồi , sao chưa có cháu cho mẹ bồng ?

Cần đành trở về và hai vợ chồng bàn nhau phải cố gắng sinh cháu để đón mẹ. Hơn một năm sau, đứa con trai bụ bẫm đầu tiên ra đời, đem lại niềm vui khôn xiết cho bà Dần. Đã mấy lần bà tay xách, nách mang quà quê ra thăm cháu. Trước lời mời tha thiết của dâu con, bà đành gửi lại cửa nhà, vườn tược cho người bà con láng giềng và ra ở hẳn với vợ chồng Cần. Suốt ngày bà ẵm cháu trên tay. Lời ru con của bà ngày nào được cất lên ru cháu. Tuy chẳng còn trong sáng, vút cao như xưa, nhưng nó lại như cung đàn trầm ấm áp, đưa đến cho đứa trẻ những giấc ngủ nồng say và căn nhà trở nên ấm cúng. Mỗi lần đi làm về, thấy bà ôm cháu nở nụ cười đầy yêu thương, Cần cảm thấy cuộc đời thật đẹp và cuộc sống gia đình mình thật ngọt ngào, hạnh phúc.

Còn vợ Cần khi nhìn mẹ ẵm cháu, thấy tã lót lười thười, có lúc còn ướt cả nước tiểu của cháu thì không thể nào chịu nỗi. Cô lại bên mẹ giành ẳm lấy con rồi thay tã , lấy nước ấm rửa cho con, vạch vú cho con bú và lên lời giảng giải cho mẹ về cách vệ sinh chăm sóc trẻ con. Bà mẹ lẳng lặng không nói một lời, cảm thấy mình cũng có lỗi rồi đi vào bếp, cắm nồi cơm, rửa mớ rau hoặc làm những việc lặt vặt của bếp núc. Nhưng đôi mắt con dâu luôn chú ý tới những việc làm của mẹ . Khi cô nhắc mẹ đổ nước vừa, kẻo cơm nhão như mấy hôm trước, hoặc nhớ luộc rau cho xanh, xào rau nhớ đừng cho mỡ nhiều... Có lúc cô đặt con xuống giường để giành lấy việc rán cá, kho tôm. Đứa bé khóc thét lên, bà mẹ lại vội vàng ẵm cháu ru hời. - Mẹ ơi, đừng bồng bế nhiều thế nó quen. Cứ để mặc nó khóc, trẻ con khóc chẳng hại gì !..

Hàng ngày, mỗi khi dâu con về nhà là bà thấy mình như một người thừa, muốn động tay chân làm gì cũng ngại. Còn Cần thì quá “vô tư”. Được mẹ ra ở cùng là anh vui, chẳng biết gì đến mối quan hệ giữa nàng dâu và mẹ chồng. Trưa làm về, ăn cơm xong là anh lăn ra ngủ một giấc rồi đi làm. Chiều xong việc, anh lại ra sân quần vợt đến 8 - 9 giờ đêm mới về, ăn cơm rồi ngồi xem Tivi. Đã một số lần, anh nghe vợ phàn nàn là mẹ quá nông dân, chăm cháu rất mất vệ sinh, nấu thức ăn thì lúc mặn, lúc nhạt, em không thò tay vào là không xong… Cần cũng đã khuyên vợ, cần hiểu rõ hoàn cảnh của mẹ, chỉ là bà mẹ thôn quê vất vả, bây giờ mới ra thành phố. Hơn nữa, vợ chồng mình đi làm, mẹ ở nhà còn biết bao công việc, em cần phải gánh vác việc giặt giũ, nấu nướng và hướng dẫn thêm cho mẹ chứ ! - Anh tưởng tôi rảnh việc lắm à ! Sao anh không làm giúp mẹ mà cứ đổ lên đầu tôi! Vợ Cần to tiếng cãi lại. Những cuộc cãi lộn như thế, diễn ra thường xuyên hơn, vẳng đến tai mẹ già.

Bà mẹ ngày càng trở nên trầm lắng, gò má hóp dần, mái tóc bạc nhiều hơn. Cô con gái ở quê ra, thấy mẹ gầy yếu hơn. Chị đã biết rõ nguyên nhân vì sao sức khỏe mẹ kém sút, nên đã ngỏ lời với vợ chồng đứa em, để cho mẹ về quê một thời gian sống cho yên tĩnh. Chị sẽ cố chăm sóc mẹ. Vợ Cần không nói gì nhưng Cần thì nhất định giữ mẹ lại và hứa với chị sẽ chăm mẹ tốt hơn... Người chị liếc mắt về phía vợ Cần, nói: "Chị biết các em lo cơm cháo cho mẹ đầy đủ, sướng hơn ở quê nhiều. Nhưng có những điều mà các em không hiểu hết và không xử lý được, nên mẹ đâm ra gầy mòn, đau yếu! Thôi các em cứ để mẹ về ở với chị một thời gian”. Bà mẹ bồng lấy đứa cháu đang quậy khóc trên giường rồi nói với cô con gái:.- Thôi con đừng lo lắng gì cho mẹ, để một thời gian cháu khôn lớn thêm rồi mẹ sẽ về. Bà nâng trên tay đứa bé, ấp cháu vào lòng mình. Đứa cháu thích chí áp người vào lòng bà rồi quay ra nhìn mọi người cười, nhe mấy chiếc răng sữa thật đáng yêu.

Cuộc sống cứ trôi đi trong bao việc thường ngày không tên. Bà mẹ già không một phút nghỉ tay. Ngoài việc bồng chăm cháu, giặt giũ, những buổi vợ chồng Cần đi làm về muộn đã có sẵn cơm canh trên bàn, chỉ có những món ăn ngon thì mẹ chờ đến tay con dâu. Nàng dâu ít nói thành lời, nhưng trong cặp mắt của nàng bao giờ cũng lộ vẻ dò xét, soi mói. Nàng cho rằng mẹ chồng đã tỷ tê những điều không tốt của nàng đối với chồng nên đã làm cho tình yêu giữa vợ chồng nàng nhiều lúc căng thẳng. Điều đó được thể hiện trên khuôn mặt trầm tư, nặng nề của hai con. Bà mẹ cảm nhận rõ điều này, muốn hòa giải để đem lại hạnh phúc cho các con. Nhưng quả thật, bà lúng túng như dẫm phải bãi lầy, không tìm ra lối gỡ. Vì vậy, bà chỉ biết im lặng làm việc như một người giúp việc mẫn cán trong nhà. Lòng thương mẹ làm Cần không chịu được nên nhiều khi lại rầy la vợ. Không khí trong nhà càng trở nên nặng nề, bức bách .

Một chiều, khi vợ chồng Cần làm việc về thì chẳng thấy mẹ đâu! Hai người chạy tìm khắp nhà thì thấy mẹ nằm sóng soài trong toilet. Cần vội bế xốc mẹ dậy và gọi xe đến bệnh viện. Cơn xuất huyết não nặng đã làm mẹ đổ gục. Mẹ nằm ở phòng cấp cứu, thở oxy, trái tim chỉ còn đập thoi thóp. Vợ chồng Cần luôn túc trực bên giường bệnh mẹ. Vợ Cần nhìn khuôn mặt mẹ trắng bệch, hốc hác, cảm thấy dào lên một niềm yêu thương, xa xót. Chỉ mấy ngày mẹ nằm đây mà cửa nhà, bao công việc cứ chồng lên, bộn bề. Đứa cháu nhớ bà khóc, đòi tìm bà suốt ngày. Cô phải gửi nó về cho bà ngoại... Sang ngày thứ tư, bỗng nhiên bà mở mắt nhìn. Thấy vợ chồng Cần đứng bên giường, tay bà quờ quạng, mắt chớp chớp, có ý tìm đứa cháu nội. Cần hiểu ý mẹ, bảo: "Mẹ ơi, cháu đang đợi nội ở nhà". Bỗng mẹ vẫy hai vợ chồng lại gần, rồi cầm tay hai người đặt vào nhau. Đôi mắt mẹ nhòa lệ rồi lả dần, tắt thở.

Đám tang mẹ được tổ chức ở quê nhà. Bà con hàng xóm đến rất đông để tiễn đưa một bà mẹ suốt một đời nhẫn nhục, nhân hậu, đối xử với bà con xóm làng một bằng, một bát, ai cũng mến cũng thương. Người chị gái của Cần ôm lấy quan tài của mẹ khóc như mưa gió. Vợ Cần, cũng vừa khóc vừa kể lể công ơn của mẹ. Tiếng khóc của chị thật bi thương, thảm thiết. Bỗng bờ vai của người con gái hích vào người em dâu và một câu nói rất nhanh: “Mong em vắn tắt đi cho”. Người con dâu mở choàng khăn chùm đầu, nhìn chị, với đôi mắt đầy lệ, tỏ vẻ hối lỗi. Rồi chị lại trùm kín đầu, gào khóc thê thảm. Tiếng khóc như rút từ nỗi lòng, quặn thắt trái tim, làm người nghe ai cũng phải chảy nước mắt .

Tôi đi sau quan tài bà mẹ, tiếng khóc cứ nhói vào lòng. Quả thật, đây là tiếng khóc bi thương, ai oán của lòng thương yêu và hối hận, không thể nào khác được. Nhưng sự hối hận của chị đã quá muộn màng!

Truyện ngắn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast