Trần gian có lắm thứ nghề (Bài 1): Nối dài sự sống cho bệnh nhân HIV

(Baohatinh.vn) - Con đường nhỏ, sâu hun hút ở góc cuối Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh dẫn chúng tôi đến Khoa Truyền nhiễm - nơi có các bệnh nhân HIV đang từng ngày, từng giờ chống chọi bên lằn ranh sinh tử. Với đặc thù công việc, những y, bác sĩ ở đây làm điểm tựa cho bệnh nhân không chỉ trong chuyên môn mà cả trong chuyện đời, chuyện người và ti tỉ nỗi lòng của những người mang “án tử”. Vượt lên tất cả mọi khó khăn, họ sống với nghề, gắn bó với bệnh nhân HIV/AIDS bởi mệnh lệnh từ… trái tim.

Không khí yên ắng, quạnh quẽ và vắng lạnh ở đây tạo cho chúng tôi cảm giác như thời gian ngưng đọng. Chậm hơn để các bệnh nhân mang trong mình căn bệnh thế kỷ có thêm chút thời gian chiêm nghiệm cuộc đời, để yêu thương nhiều hơn cuộc sống; chậm hơn để họ được sống trong sự chăm sóc tận tình của đồng loại. Không ít lần, chúng tôi bắt gặp những người mang “án tử” hướng ánh nhìn xa xăm, vô định vào khoảng không mênh mông. Trong không gian đầy sức gợi đó, vẫn nổi bật lên những điều tươi đẹp. Đó là khi chúng tôi được chứng kiến một ngày làm việc của các y, bác sĩ chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS…

Trần gian có lắm thứ nghề (Bài 1): Nối dài sự sống cho bệnh nhân HIV ảnh 1

Ở Khoa Truyền nhiễm BVĐK Hà Tĩnh, khoảng cách giữa thầy thuốc và bệnh nhân dường như không tồn tại

Ở đây, khoảng cách giữa thầy thuốc và bệnh nhân dường như không tồn tại. Ánh mắt thiện cảm, cái động chạm an toàn khi tiếp xúc với các vết thương đang mưng mủ… tất cả nói lên một điều: “Niềm khao khát được sống thêm bất kể 1 ngày, 1 tháng hay lâu hơn nữa đối với tôi trở nên mãnh liệt hơn bao giờ hết chính là nhờ sự chăm sóc tận tâm của các y, bác sĩ ở đây” anh Nguyễn Đức N. (36 tuổi - bệnh nhân HIV giai đoạn cuối) trải lòng.

7h sáng, xe thuốc bắt đầu lăn bánh đến các phòng. Trong không gian hoang hoải, lạnh lẽo, những lời hỏi thăm của bác sĩ như nguồn sinh khí vực dậy sau một đêm chờ sáng đầy “căng thẳng”, đó vừa là lời chào ngày mới, vừa là “tín hiệu” để người bệnh biết mình thêm một ngày có mặt trên đời… Những bệnh nhân có “H” nằm bất động trên giường, gầy rộc với vô số vết lở loét. Có vết sưng tấy, đỏ bầm, có vết đã được chữa trị, bôi thuốc màu xanh. Nhìn vào những cơ thể khẳng khiu, lỗ chỗ vết lở mưng mủ đang nằm dán mình xuống giường, tôi cứ nghĩ sự sống đã ra đi. Chỉ đến khi bác sĩ Nguyễn Xuân Bảo - Phó khoa Truyền nhiễm cùng các điều dưỡng viên lại gần thăm khám mới thấy tia sáng của sự “khát” sống bừng lên trong ánh mắt của mỗi bệnh nhân.

Bệnh nhân Nguyễn Đình N. mở lời đầy khó nhọc: “Lần đầu tiên anh được chứng kiến tận mắt bác sĩ Dung (Trưởng khoa - PV) dùng tay nặn mủ từ vết lở loét của bệnh nhân. Hình ảnh đó đã tiếp thêm sức mạnh để anh đến đây chữa trị sau gần 15 năm tự bỏ mặc mình. Không những được điều trị mà còn được an ủi về tinh thần, đó là liều thuốc quý giá nhất với anh lúc này”.

Anh N. là một trong số ít trường hợp có nhân thân rõ ràng; còn phần lớn bệnh nhân đến đây từ các trại cai nghiện, trại giam giữ phạm nhân nên mối nguy lây nhiễm cũng như tính mạng những người thầy thuốc có thể bị đe dọa bất cứ lúc nào. Nhớ về những kỷ niệm không thể nào quên, bác sĩ Nguyễn Xuân Bảo cho hay: “Không ít lần vì quá kích động nên đang truyền nước, bệnh nhân rút dây truyền rồi vấy máu khắp phòng; hoặc đang tiêm thuốc thì quay mũi tiêm về bác sĩ”.

Vất vả và nguy hiểm nhưng tất cả cán bộ của khoa này đều khẳng định, công việc đó hết sức bình thường, họ chọn cách vừa trò chuyện để bệnh nhân quên đau, vừa nhẫn nại quan sát, khám ở cự ly gần nhất với vết thương đang hở miệng mà không chút nề hà. Bữa cơm của y, bác sĩ, điều dưỡng thường kéo dài nhiều tiếng đồng hồ. Bởi, có khi chưa kịp ăn, các anh chị phải luôn tay vì yêu cầu cần kíp của bệnh nhân. Một điều dưỡng cho biết, những ngày mới vào nghề, chị không thể nào nuốt nổi cơm. Nhưng về sau, khi đã quen, đã hiểu những đau đớn mà bệnh nhân chịu đựng, chị đã cùng với những người đi trước an ủi, xoa dịu nỗi đau, chia sẻ và lắng nghe để thấu hiểu bệnh nhân.

Rất nhiều bệnh nhân chịu sự ruồng rẫy của chính gia đình, người thân. Với sức khỏe ngày càng suy kiệt, họ không thể làm những công việc cá nhân hằng ngày. Lúc này, các y, bác sĩ vừa là thầy thuốc, vừa là người chăm sóc và cũng là những người lo hậu sự khi bệnh nhân ra đi. Công tác tại khoa hơn 6 năm nhưng không biết bao lần bác sĩ Nguyễn Xuân Bảo chứng kiến những cái chết đầy day dứt của bệnh nhân. Nhiều bệnh nhân không có người nhà thăm nom nhưng những ngày cận kề cái chết luôn dán ảnh gia đình quanh giường ngủ và cầu nguyện cho họ được bình an. Có bệnh nhân trẻ tuổi “khát” sống đến sục sôi và hoảng loạn cực độ khi biết mình không thể tiếp tục sống. Nhiều đám tang của bệnh nhân HIV không có một giọt nước mắt của người thân. Có chăng chỉ là lòng trắc ẩn của những người từng chăm sóc họ.

Gần 600 lượt khám và điều trị cho bệnh nhân mỗi năm, các y, bác sĩ Khoa Truyền nhiễm đã tiếp thêm động lực để bệnh nhân có “H” không sợ hãi bệnh tật. Mỗi bệnh nhân là mỗi cuộc đời khác nhau nhưng cùng chung cảnh ngộ. Dẫu biết rằng, với những bệnh nhân này, sự sống khó có thể kéo dài, nhưng tập thể y, bác sĩ đã giúp họ có thêm nhiều ngày sống bằng trách nhiệm, tình người và tấm lòng bao dung, nhân ái. Chia tay các anh chị, tôi vẫn nhớ mãi câu nói giản dị của một hộ lý: “Chúng tôi không chỉ rửa vết thương trên cơ thể bệnh nhân mà còn rửa vết thương lòng cho họ, để họ sống những ngày đáng sống…”.

(Còn nữa...)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast