Hồng Lĩnh trong gió mới

Sau 20 năm đổi mới, từ một thị xã nhỏ bé, hoang sơ nằm dưới chân núi Hồng, TX Hồng Lĩnh đang từng ngày bừng lên những sắc diện tươi mới… Bằng những hoạch định mang tầm chiến lược, Hồng Lĩnh đang trở thành điểm hút của du lịch, công nghiệp và tạo đà cho nông nghiệp, dịch vụ thương mại phát triển.

Thị xã Hồng Lĩnh. Ảnh: Đình Thông
Thị xã Hồng Lĩnh. Ảnh: Đình Thông

“Non xanh nước biếc tha hồ dạo...”

“Có lẽ nhắc tới TX Hồng Lĩnh là nhắc tới núi Hồng và sông Lam. Thị xã này tuy đất không rộng, người không đông nhưng bù lại là núi và sông đều gắn với những huyền thoại ngàn đời và những mốc son lịch sử của dân tộc. Chính vì thế, một tầm nhìn mới trong định hướng làm ăn và đưa thị xã có vị thế lớn là phải biết khai thác nhuần nhuyễn cả tiềm năng kinh tế và văn hóa” - Bí thư Thị ủy Nguyễn Văn Quảng đã tâm sự với tôi như thế trong dịp đầu Xuân Quý Tỵ...

Dẫu chiến tranh binh lửa đã tắt lâu rồi nhưng sông Lam vẫn còn đó, vẫn dòng nước biêng biếc xanh ngày đêm âm thầm đổ ra bể… Núi Hồng vẫn còn đây, một dáng núi uy nghi, “dẫu vật đổi sao dời” vẫn thế, không mất đi những kho báu huyền thoại giấu trong lòng. Đỉnh cao vời vợi ấy được nhân lên từ tình yêu con người. Điều kỳ diệu là, con người sinh ra ở xứ sở này, qua mọi thời đại đã biết dựa vào hình sông, thế núi để nhân thêm sức mạnh trí tuệ, tạo nên bức tranh đa sắc. Chuyện xưa kể lại rằng: Đô đài Bùi Cầm Hổ thời nhà Lê (đã từng giữ chức Ngự sử triều đình) khi trở lại quê xã Đậu Liêu đã có sáng kiến ngăn khe từ ngọn núi để tưới cho hàng trăm mẫu ruộng, cứu được dân sinh thoát cảnh hạn hán, mất mùa. Đô đài Bùi Cầm Hổ đã trở thành “linh hồn thiêng” của TX Hồng Lĩnh. Tri ân với người đã khuất chính là hiểu được giá trị những gì họ đã làm, lớp hậu duệ phải biết kế tục và phát triển. Hồng Lĩnh đã nhận diện quá khứ để nỗi khát vọng của người xưa không hóa thành rêu phong cỏ úa.

Giữa lồng lộng gió xuân của TX Hồng Lĩnh hôm nay, khách lên núi chơi được núi “cõng” lên bằng con đường thảm nhựa và thả mình theo di chỉ người xưa. Lên núi tắm suối Tiên, lên núi vãn cảnh chùa, lên núi để nghe núi kể về huyền thoại “Chim phượng hoàng”... Ngàn Hống đã trở thành duyên nợ của du khách mỗi lần đặt chân đến đây. Với những cư dân sinh sống ở TX Hồng Lĩnh, Ngàn Hống đã trở thành điểm tựa vững chãi trong cuộc sống thường ngày. Trong mênh mang của núi, còn nhiều những khoảnh đất trống mà thiên nhiên ban tặng để con người mở hướng làm ăn. Người dân đã biết tận dụng tiềm năng để khai khẩn cho đất sinh sôi, nuôi nấng con người.

Đổi mới hạ tầng cùng những chính sách thông thoáng

Sau 20 năm vật lộn cùng bao khó khăn, không ai có thể phủ nhận được rằng, TX Hồng Lĩnh từ manh nha trứng nước, đang trở thành một đô thị đẹp và bề thế về không gian, sạch về môi trường. Theo Chủ tịch UBND TX Hồng Lĩnh Nguyễn Văn Hổ thì: tiềm năng là núi, là đất, là trí tuệ và sức mạnh của nhân dân. Ba thế đứng “chân kiềng” đã trở thành bệ phóng cho Hồng Lĩnh vươn cao. Trong mục tiêu của Hồng Lĩnh: núi phải trở thành điểm hẹn hấp dẫn của khách thập phương. Đất bốn hướng của Hồng Lĩnh không chỉ rười rượi lúa xanh mà phải mọc thêm nhiều nhà máy mới, nhiều cụm công nghiệp mới... Đường lối đúng, hướng đi cụ thể nhưng điều quyết định mọi thắng lợi phải bắt đầu từ nhân dân. Vì vậy, “những việc cần làm ngay” của TX Hồng Lĩnh là công tác an dân. Khi lòng dân đã thuận thì mọi việc đều xuôi chèo mát mái. Không phải bây giờ mà ngay cả thời kỳ mới sinh thành nên thị xã, chuyện xây dựng một con đường, quy hoạch khu chợ lớn đều dấy lên không khí dân chủ và đổi mới. Dân tự nguyện góp tiền, góp công cùng với nguồn vốn tỉnh và Trung ương đầu tư, những hình mẫu qua đồ án thiết kế lần lượt được trình diễn. Chưa có nước sạch sinh hoạt cho dân phải tìm lấy nước. Nguồn nước thiên nhiên tinh khiết ở hồ Thiên Tượng qua lắng lọc của nhà máy nước công suất 8.000m3/ ngày đã về với mỗi gia đình. Điều đáng nói là những chương trình hành động của địa phương đều “được dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Hồng Lĩnh trong gió mới ảnh 2
Núi Hồng Lĩnh

Thiên thời - địa lợi - nhân hòa, cùng với cung cách làm ăn mới trong chuyển dịch sản xuất nông nghiệp, thị xã Hồng Lĩnh mùa tiếp mùa, liên tục phát triển những cánh đồng lúa năng suất cao. Năm 2012 là một năm làm ăn vất vả, khi người nông dân phải đối mặt với giá phân bón, vật tư tăng cao, rét đậm và rét hại kéo dài nhưng TX Hồng Lĩnh vẫn gieo cấy 2.562 ha và đạt sản lượng 12.630 tấn. Không ít những nông dân từ phường Bắc Hồng, Nam Hồng đến Đức Thuận đã trở thành những “kiện tướng” chăn nuôi giỏi, đưa giá trị chăn nuôi cả thị xã lên 62 tỷ 230 triệu đồng… Trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều hộ dân đang “say” với lập trang trại chăn nuôi lợn, xây dựng gia trại nuôi hươu, nuôi dê quy mô lớn.

Đi lên từ cơ chế mở

Nhờ có cơ chế thông thoáng, TX Hồng Lĩnh đã có sức hút đối với mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư làm ăn. Công ty CP Vật liệu xây dựng Thuận Lộc... là một minh chứng điển hình cho tính hiệu quả của việc đầu tư SXKD trên địa bàn thị xã. Sản phẩm gạch Thuận Lộc tồn tại qua 3 thời kỳ phát triển của đất nước và đều phát triển hưng thịnh trong những thời điểm khó khăn nhất của nền kinh tế. Thành công nhất của đơn vị, đó là đã xây dựng được một làng công nhân và mọi lợi ích về chính sách người lao động đều được đáp ứng đầy đủ. Thời gian qua, mặc dù phải cạnh tranh gay gắt trên thị trường, đồng thời các công trình xây dựng bị cắt giảm mạnh nhưng nhờ có thương hiệu và uy tín lớn, gạch Thuận Lộc vẫn được khách hàng tìm tới.

Kết thúc một năm kinh tế toàn cầu khủng hoảng, trên địa bàn TX Hồng Lĩnh đã có 42 doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực thương mại và hàng ngàn hộ kinh doanh cá thể. Sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp xuất hiện thêm 25 doanh nghiệp mới, thành lập 5 HTX, GQVL cho 4.250 lao động. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 580 tỷ đồng. Hồng Lĩnh cũng đã có thêm nhiều doanh nghiệp trẻ, năng động: Hoành Sơn, Hưng Thịnh, Việt Cường... Mỗi doanh nghiệp ra đời trong mỗi hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều biết vượt lên chính mình, biết tận dụng tiềm năng và cơ chế để tồn tại và phát triển.

Làng rèn Trung Lương truyền thống, vẫn rộn ràng, tất bật tiếng búa, tiếng đe; vẫn những người thợ lưng trần lấm lem than bụi, nhưng tôi nhận rõ cung cách làm ăn của họ đã tiến những bước dài hơn xưa. Cụm làng công nghiệp Trung Lương ra đời khi dự án JBIC được thực hiện, theo đó, sản phẩm của nghề rèn đúc truyền thống được tốt hơn, càng được người tiêu dùng tin cậy hơn... Sức sống mới của cụm công nghiệp Trung Lương cũng như các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn, đã góp thêm sinh khí cho TX Hồng Lĩnh càng ngời xuân sắc.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast