Cẩm Xuyên chạy đua với tiến độ thu hoạch lúa hè thu

Dự báo một đợt không khí lạnh mới lại tràn về. Trên những cánh đồng Cẩm Xuyên, công việc thu hoạch lúa hè thu dường như rộn ràng, tất bật hơn. Những âm thanh quen thuộc của mùa gặt lại vang lên pha lẫn giọt mồ hôi lăn dài trên má, bà con nông dân đang chạy đua với thời gian để giành lấy chút nắng cuối cùng…

Mới hơn 1 h chiều, cả cánh đồng vẫn hầm hập như có lửa nung, tuy vậy có vẻ công việc đồng áng của người nông dân đã bắt đầu từ rất lâu trước đó. Người gặt lúa, người đội lúa lên bờ; có nơi lại rộn rã tiếng máy gặt, máy tuốt. Không ai bảo ai, mọi người đều bận rộn, tất bật với sự phân công của mình.

Bà Nguyễn Thị Vạn, thôn Đông Nam lộ (Cẩm Thành) đẩy nhanh tay cào mẻ lúa phơi trên sân nhà cho biết: “Gia đình tôi làm 9 sào, tất cả đều là giống ngắn ngày nên bây giờ đã hoàn tất thu hoạch với năng suất 2,4 tạ/sào. Vụ hè thu phụ thuộc phần lớn ở thời tiết, tính không khéo, mưa đến là mất trắng cả mùa làm ăn như chơi. Bởi thế, theo hình thức cuốn chiếu, gặt đến đâu là tôi cho phơi phong khô khén, đóng bì đến đấy để giành diện tích phơi cho lứa lúa sau”.

Cũng cùng suy nghĩ, ông Đặng Đình Nam, tổ dân phố 6 (Thị trấn Cẩm Xuyên) chia sẻ: “Nhờ các giống lúa ngắn ngày nên năm nay chúng tôi bước vào vụ thu hoạch sớm hơn mọi năm 7- 10 ngày. Tranh thủ chạy đua với trời, tôi đã bỏ tiền thuê máy gặt tay với giá 50 nghìn đồng cho mỗi sào ruộng. Cả mẫu ruộng mà chỉ 5 ngày là thu hoạch xong, bây giờ chỉ mong trời cho thêm vài buổi nắng nữa để lúa được khô khén”.

Tranh thủ mọi thời gian, bà con Thị trấn Cẩm Xuyên thu hoạch lúa hè thu

Tranh thủ mọi thời gian, bà con Thị trấn Cẩm Xuyên thu hoạch lúa hè thu

So với mọi năm, vụ thu hoạch lúa hè thu ở Cẩm Xuyên năm nay đến sớm, giành vị trí nhất tỉnh về diện tích thu hoạch. Đến thời điểm này, toàn huyện đã hoàn tất trên 4.000 ha, đạt 50% tổng diện tích toàn huyện, chủ yếu tập trung vào trà lúa ngắn ngày: PC6, VTNA-2, Th3-3, QR1, Khang dân, Gia Lộc 102 và Nếp. Dự kiến năng suất lúa hè thu năm nay của Cẩm Xuyên sẽ đạt 50- 52 tạ/ha.

Ông Lê Ngọc Hà, Trưởng phòng Nông nghiệp Cẩm Xuyên cho biết: “Quá trình sinh trưởng của cây lúa không bị đứt quãng bởi những biến động của thời tiết, sâu bệnh cộng với nguyên tắc tận dụng triệt để công tác điều hành nước nên từ thời vụ xuống giống đến thu hoạch đảm bảo đúng kế hoạch và khá tập trung. Thêm vào đó, cơ giới hóa nông nghiệp đã rút ngắn thời gian thu hoạch trên cánh đồng, chủ động phòng tránh thời điểm bất lợi nhất trong sản xuất”.

Được biết, hiện nay toàn huyện Cẩm Xuyên có tất cả 19 máy gặt đập liên hợp (giá từ 200- 250 triệu đồng/máy) với công suất trên 2 ha/ngày. Đó là chưa kể loại máy gặt do nông dân tự đầu tư, tính trung bình cứ mỗi xã có đến 5- 7 máy gặt tay; còn máy gặt cơ giới thì phải đến hàng chục. Chẳng thế mà, từ Cẩm Bình, Cẩm Thành vào đến Cẩm Thăng, Cẩm Nam, từ Thị trấn Cẩm Xuyên xuống Cẩm Phúc, Cẩm Dương, lúa rơm đã phơi đầy đường. Thỉnh thoảng, chúng tôi lại gặp những chiếc máy tuốt chạy ù ù đặt ngay bên chân ruộng phun rơm hết công suất.

Yên tâm đóng bì đưa lúa về nhà trước đợt không khí lạnh sắp tới

Yên tâm đóng bì đưa lúa về nhà trước đợt không khí lạnh sắp tới

Ông Chu Thành Vinh, Chủ tịch UBND xã Cẩm Thăng cho biết: “Quan điểm chỉ đạo của xã là nhanh, gọn và chớp lấy thời cơ. Ngay khi có nước về, chúng tôi đã chỉ đạo bà con lấy nước đủ cho chân ruộng, đồng thời hỗ trợ kinh phí để làm đất bằng máy 100%. Với 4 máy GĐLH, 10 máy cơ giới, trong vòng 10 ngày kể từ 1/9, xã đã thu hoạch xong 90% diện tích lúa hè thu. Thu hoạch bằng máy đã trở thành thói quen của người dân ở đây”. Kể cả như gia đình ông Phan Trung Cần ở xóm 5, Cẩm Thăng, nhà chỉ trông chờ vào 1 mẫu ruộng. Thế nhưng, trước ngày thu hoạch, ông vẫn quyết định thuê máy về ruộng nhà: “Tính ra mỗi sào phải bỏ ra 270 nghìn đồng thuê công máy và công người. Được cái, gặt xong là có máy tuốt phục vụ ngay tại chân ruộng nên chúng tôi chỉ cần đổ lúa vào bì đưa về nhà nữa thôi. Chỉ nốt hôm nay nữa là nhà tôi gặt xong cả 1 mẫu ruộng, năng suất chắc chắn đạt 2,5 tạ/sào”.

Thu hoạch sớm, tiến độ nhanh là những đột phá của Cẩm Xuyên trong vụ hè thu 2012. Không chỉ vậy, vựa lúa lớn thứ hai của tỉnh này còn tạo điểm nhấn ở tính định hướng hàng hóa. Hàng loại giống lúa thuộc dòng chất lượng cao được đưa vào khảo nghiệm, thử nghiệm như: RVT, PD211, TH3-3, QR1… Đặc biệt là cánh đồng mẫu 434 ha giống lúa VTNA- 2 tại Cẩm Bình (chiếm 97% diện tích gieo cấy toàn xã). Hiện, lúa đã bắt đầu cho thu hoạch với năng suất dự kiến đạt 54 tạ/ha. Điều quan trọng, mô hình là minh chứng rõ ràng cho việc tập quán canh tác của bà con nông dân đã thay đổi từ sản xuất thuần túy sang sản xuất hàng hóa, có sự liên kết chặt chẽ giữa "4 nhà".

Bài học của vụ thu hoạch hè thu 2011 chắc hẳn còn thấm thía đến bây giờ đối với không ít nông dân Cẩm Xuyên. Càng về chiều gió càng thổi mạnh, vài vệt mây đen đã vắt qua bầu trời. Chạy đua với thời gian, ai nấy đều đẩy vội tay liềm, gặt nốt những ruộng lúa vàng rộm vào độ chín. “Xanh nhà hơn già đồng” còn hơn “cho thấy mà chẳng cho ăn”…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast