Vùng thượng Kỳ Anh nguy cơ mất mùa sắn do một loại bệnh lạ chưa từng gặp

(Baohatinh.vn) - Gần 2 tuần nay, hàng trăm ha sắn nguyên liệu ở các xã vùng thượng huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) bị một loại bệnh lạ gây hại. Bệnh lây lan nhanh, nếu không kịp thời phòng trừ thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và sản lượng cây trồng trên diện rộng.

Vùng thượng Kỳ Anh nguy cơ mất mùa sắn do một loại bệnh lạ chưa từng gặp

Những luống sắn của ông Nguyễn Văn Đoàn (xã Kỳ Sơn) bị bệnh lạ gây hại, cây xoăn lá, thân bị lùn

Năm 2019, gia đình ông Nguyễn Văn Đoàn (xóm 3 Sơn Bình, xã Kỳ Sơn) sản xuất trên 1 ha sắn nguyên liệu có ký hợp đồng với Nhà máy chế biến tinh bột sắn Kỳ Sơn. Theo ông Đoàn, sau một thời gian trồng, cây sắn bắt đầu phát triển thì có hiện tượng bị xoăn lá, thân bị lùn và lây lan nhanh ra các cây khác.

“Năm ngoái, một vài cây có triệu chứng xoăn lá nhưng không lây lan nhiều như năm nay. Nhổ cây sắn đi hỏi khắp nơi nhưng sắn của nhiều người cũng bị như thế mà không ai biết bệnh gì. Vì vậy, tôi không biết phải mua thuốc gì để phun, trong khi đó sắn bị bệnh vẫn tiếp tục lây lan nhanh nên hết sức lo lắng” – ông Đoàn cho biết.

Vùng thượng Kỳ Anh nguy cơ mất mùa sắn do một loại bệnh lạ chưa từng gặp

Lãnh đạo Phòng No&PTNT huyện Kỳ Anh kiểm tra diện tích sắn bị bệnh của gia đình ông Đoàn

Không chỉ diện tích sắn của gia đình ông Đoàn mà là thực trạng chung của người trồng sắn tại các xã vùng thượng huyện Kỳ Anh, kể cả diện tích sắn nguyên liệu của Nhà máy chế biến tinh bột sắn xã Kỳ Sơn. Đến thời điểm này, toàn huyện có trên 200 ha sắn đã được xác nhận có cùng triệu chứng.

Sau khi phát hiện cây sắn bị nhiễm bệnh lạ trên diện rộng, huyện Kỳ Anh đã kịp thời báo cáo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ cây trồng vật nuôi Hà Tĩnh cùng Trung tâm Bảo vệ thực vật (BVTT) vùng Khu 4 về lấy mẫu phân tích và khẳng định, sắn đã bị nhiễm bệnh khảm lá, một loại bệnh mới trên cây sắn ở Hà Tĩnh.

Vùng thượng Kỳ Anh nguy cơ mất mùa sắn do một loại bệnh lạ chưa từng gặp

Giám đốc Trung tâm BVTV vùng Khu 4 cùng các chuyên gia khảo sát để xác định bệnh trên cây sắn ở các xã vùng thượng Kỳ Anh

Theo kỹ sư Nguyễn Tuấn Lộc - Giám đốc Trung tâm BVTV vùng Khu 4 - Cục Trồng trọt & BVTV, bệnh khảm lá sắn có nguồn gốc từ châu Phi, với tên khoa học là Sri Lanka Cassava Mosaic Virus, bệnh lan truyền qua môi giới là bọ phấn trắng và qua hom giống lấy từ cây bị bệnh; đây là bệnh rất nguy hiểm và khó phòng trừ. Bệnh gây thiệt hại rất lớn, khi cây còn nhỏ, nếu bị nhiễm sẽ không cho thu hoạch, khi cây lớn nhiễm bệnh, năng suất, chất lượng đều giảm. Hiện bệnh này đang bùng phát rất mạnh trên diện tích sắn của các tỉnh phía nam.

Về các biện pháp phòng trừ, kỹ sư Nguyễn Tuấn Lộc cho biết, là bệnh do vi-rút nên hiện chưa có thuốc đặc trị đối với bệnh khảm lá sắn. Khi xuất hiện bệnh, chỉ có cách rà soát, xác định tỷ lệ cây bị bệnh; nếu số cây bị bệnh trên 70% diện tích thì cần tiến hành tiêu hủy 100%. Nếu dưới 70% thì tiêu hủy từng cây bị bệnh. Về lâu dài, để tránh bùng phát bệnh khảm lá, người trồng sắn tuyệt đối không lấy hom giống từ các vùng đã bị bệnh, đồng thời chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật để cây sắn phát triển khỏe, tăng sức đề kháng…

Vùng thượng Kỳ Anh nguy cơ mất mùa sắn do một loại bệnh lạ chưa từng gặp

Một trong những vườn sắn có tỷ lệ cây bị bệnh cao

Ông Lê Văn Trọng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kỳ Anh cho biết: Trước thực trạng bệnh khảm lá sắn lần đầu tiên bùng phát và lây lan, một mặt huyện phối hợp chặt chẽ với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ cây trồng vật nuôi Hà Tĩnh; Trung tâm BVTV vùng Khu 4 để tìm giải pháp phòng trừ, mặt khác, triển khai tuyên truyền, phổ biến, nhằm giúp người dân nhận diện loại dịch bệnh mới này để có khả năng ứng phó trong các vụ sản xuất tới.

Vùng thượng Kỳ Anh nguy cơ mất mùa sắn do một loại bệnh lạ chưa từng gặp

Giống sắn KM 140 (đọt trắng) có tỷ lệ lây nhiễm bệnh rất cao...

Điều đặc biệt là trong 2 giống sắn đang được người dân huyện Kỳ Anh và Nhà máy chế biến tinh bột sắn Kỳ Sơn trồng gồm: giống KM 94 (đọt đỏ) và KM 140 (đọt trắng) thì duy chỉ có giống KM 140 là bị bệnh. Đây cũng chính là yếu tố cần quan tâm trong quá trình lựa chọn giống sắn để hạn chế thấp nhất nguy cơ thiệt hại.

Vùng thượng Kỳ Anh nguy cơ mất mùa sắn do một loại bệnh lạ chưa từng gặp

... thì giống KM 94 (đọt đỏ) hầu như không bị nhiễm bệnh

Đến thời điểm hiện tại, trong hơn 200 ha sắn ở các xã vùng thượng huyện Kỳ Anh bị nhiễm bệnh khảm lá, thì có hàng chục ha bị nhiễm 70% - mức cần phải tiêu hủy 100% diện tích. Trong điều kiện nắng nóng tiếp tục hoành hành, bệnh khảm lá sắn lại càng trầm trọng thêm. Nếu không có giải pháp kịp thời thì nguy cơ thiệt hại nặng nề sẽ hiện hữu đối với trên 1.600 ha sắn nguyên liệu tại các xã vùng thượng huyện Kỳ Anh.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast