“Nóng” tỷ lệ gia tăng dân số ở Đức Thọ

Cùng với một số địa phương trên địa bàn tỉnh, năm 2012, Đức Thọ trở thành “điểm nóng” trong công tác DS/KHHGĐ khi hầu hết các chỉ tiêu đều không đạt. Đặc biệt, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, chênh lệch giới tính trên địa bàn tăng cao so với năm 2011.

Chị Phạm Thị Hồng Thanh – Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Đức Thọ than thở: “Cả năm miệt mài với công việc, vậy mà kết quả gần như là con số không. Thật đáng buồn!”. Ngược thời gian, năm 2011, được xem là năm thành công lớn đối với những người làm công tác dân số ở Đức Thọ. Công tác giảm sinh, đặc biệt là việc giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh đạt được kết quả ngoài mong đợi. Từ một huyện có tỷ lệ chênh lệch giới tính cao nhất tỉnh, Đức Thọ trở thành điển hình của ngành trong việc thực hiện mô hình giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Thế nhưng, niềm vui cũng qua đi nhanh chóng bởi những yếu tố thiếu bền vững trong công tác dân số.

Giờ kể chuyện của cô và cháu trường mầm non tái định cư xã Kỳ Trinh

Giờ kể chuyện của cô và cháu trường mầm non tái định cư xã Kỳ Trinh

Theo số liệu của Trung tâm Dân số huyện, năm 2012, việc thực hiện các chỉ tiêu giảm sinh và dịch vụ KHHGĐ đều không đạt kế hoạch. Cụ thể, tỷ suất sinh trong năm là 13,5% (tăng 1,45%), tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên là 19,5% (tăng 4,6% so với năm 2011); tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh 117 bé trai/100 bé gái (năm 2011 là 105 bé trai/100 bé gái). Đặc biệt, một số xã tuy tỷ lệ sinh không cao nhưng tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh cũng ở mức đáng báo động như: Đức Châu 400 bé trai/100 bé gái; Đức Long 200/100; Đức Quang 180/100, Đức Yên 169/100...

Với mong muốn góp phần ổn định quy mô, nâng cao chất lượng dân số, trong năm qua, Trung tâm Dân số huyện đã tập trung nguồn lực cho các hoạt động tuyên truyền giáo dục, chuyển đổi hành vi, đảm bảo hậu cần, đẩy mạnh tiếp thị xã hội và cung cấp đầy đủ, kịp thời các phương tiện tránh thai. Ngoài các hoạt động lồng ghép, nói chuyện chuyên đề, tư vấn nhóm, tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh, cung cấp hàng nghìn tờ rơi, hàng trăm cuốn tạp chí về tại địa bàn 28 xã, thị trấn..., các CLB không sinh con thứ 3 trên toàn huyện cũng đã tổ chức hơn 100 buổi sinh hoạt về vấn đề DS/KHHGĐ. Thế nhưng, “điểm nóng” ngày nào nay lại tiếp tục “tăng nhiệt”.

Theo những người làm công tác dân số trên địa bàn, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này chủ yếu là do một số cấp ủy đảng, chính quyền xã chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và còn xem nhẹ công tác DS/KHHGĐ, do sự nới lỏng về quy định xử phạt đối với những trường hợp cán bộ, đảng viên vi phạm... Bên cạnh những khó khăn đó, lý do muôn thuở vẫn là tư tưởng mong muốn có con trai nối dõi tông đường còn đè nặng trong suy nghĩ của không ít người dân.

Giám đốc Trung tâm Dân số huyện chia sẻ thêm: “Ở những vùng khó khăn, ngoài công tác tuyên truyền, vận động bằng mọi hình thức, đặc biệt là trước, trong và sau chiến dịch..., chúng tôi còn lồng ghép tuyên truyền về thực trạng, nguyên nhân, hậu quả của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, nhưng chưa có chuyển biến. Một số người còn nói với cộng tác viên, chuyên trách của chúng tôi rằng, các cô cứ hay lo xa, trời sinh voi ắt trời sẽ sinh cỏ...”.

Dẫu có lao tâm khổ tứ trong việc đa dạng các hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, nhưng nếu không có sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền, sức mạnh tổng hợp của các ban, ngành đoàn thể, sự gương mẫu của những cán bộ, đảng viên…, chắc rằng, công tác DS/KHHGĐ ở Đức Thọ nói riêng và các địa phương khác nói chung sẽ còn gặp nhiều khó khăn và con đường đến với mục tiêu ổn định quy mô dân số vẫn còn xa vời vợi.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast