Xây dựng NTM vùng ven đô Thạch Hạ: "Cái khó bó cái khôn"

Hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn, hạ thấp tỷ lệ hộ nghèo một cách bền vững, xây dựng làng văn hoá theo các tiêu chí chuẩn của ngành... là những khó khăn cơ bản trong lộ trình xây dựng nông thôn mới tại xã Thạch hạ hiện nay. Là một xã ven đô của TP Hà Tĩnh, địa phương này đang phải đối mặt với không ít áp lực để hoàn thành các tiêu chí còn lại vào năm 2013.

Có mặt tại xóm Hạ - một xóm phần lớn là giáo dân tại xã Thạch Hạ, chúng tôi không khó để tìm ra những gia đình đông con từ 5 đến 6 đứa con. Chị Nguyễn Thị Hiếu là người đầu tiên mà chúng tôi gặp. Hơn 40 tuổi đầu, nét lam lũ, vất vả thể hiện rõ trên gương mặt của chị. Nhà có 13 khẩu, 10 đứa con kể cả bố mẹ và đứa cháu ngoại chưa đầy ba tuổi... tất cả đều tá túc trong căn nhà chật chội và thiếu thốn mọi vật dụng cần thiết. Anh chạy việc từng ngày, nhẩm công kiếm thu nhập; chị tất bật ngược xuôi với chuyện chợ búa qua ngày... Chị bảo: vất vả là thế nhưng chưa bao giờ họ thấy chán nản với chuyện con cái đông đúc. Quan niệm của họ là tôn trọng quy luật tự nhiên, trời sinh voi ắt trời sinh cỏ, đông con hơn đông của, đó là cái phúc của mỗi nhà...

Việc xóa nghèo bền vững tại Thạch Hạ vẫn còn nhiều khó khăn
Việc xóa nghèo bền vững tại Thạch Hạ vẫn còn nhiều khó khăn

Là một địa phương có đến 6600 dân, trong đó có hơn 60% số dân là đồng bào theo đạo. Trong việc xây dựng làng văn hoá, mặc dù các vấn đề liên quan đến văn hoá cộng đồng như cơ sở vật chất, sân chơi bãi tập, các thiết chế liên quan đều cơ bản đảm bảo. Tuy nhiên, đến thời điểm này, hơn 10 năm phát động phong trào, vẫn có đến 5/12 thôn chưa đạt làng văn hoá. Nguyên nhân căn bản vẫn là chuyện sinh đẻ thiếu kế hoạch, tình trạng nhiều gia đình sinh con thứ 3, thứ 4, vẫn còn diễn ra khá thường xuyên. Bà Phan Thị Liễu – Bí thư chi bộ xóm hạ - Thạch hạ cho biết them: Từ 2004, xóm tôi phấn đấu làng văn hóa mãi mà vẫn chưa được. Đường làng ngõ xóm, môi trường, cơ sở vật chất đều ổn … nhưng nói thật, chỉ vì đẻ nhiều quá mà vẫn không đạt làng văn hóa. Vì vậy giới muốn xây dựng nông thôn mới cũng còn khó khăn…

Để mở được những con đường rộng như thế này, việc hiến đất ở Thạch Hạ đòi hỏi sự vào cuộc của toàn thể nhân dân
Để mở được những con đường rộng như thế này, việc hiến đất ở Thạch Hạ đòi hỏi sự vào cuộc của toàn thể nhân dân

Mục tiêu của xây dựng NTM là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Do vậy, hầu hết các địa phương đều xác định dù khó khăn đến mấy cũng phải quyết tâm thực hiện thành công theo từng lộ trình, giai đoạn. Tuy nhiên, trong vấn đề này, muốn để chính bản thân người dân hiểu và cùng tham gia, tự nguyện thực hiện các biện pháp giảm sinh nhằm nâng cao chất lượng dân số là không hề đơn giản. Nông thôn mới với những ngôi nhà chật chội, những đứa con nheo nhóc, những người bà, người mẹ lam lũ... nên còn nhiều thử thách với một vùng ven thành phố như Thạch Hạ...

Sinh con đông, việc làm không ổ định còn kéo theo hệ luỵ của nó là việc cái nghèo vẫn còn khá thường xuyên. Hiện tại, Thạch Hạ còn đến 228 hộ nghèo, chiếm 15,4%. Theo lộ trình, muốn hoàn thành việc xây dựng nông thôn mới, đến 2013, Thạch Hạ phải giảm được tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 5%, điều này tương đương mỗi năm phải xoá nghèo bền vững đến 80hộ. Nhiều giải pháp được đưa ra như tạo việc làm, tăng thu nhập, huy động nhiều nguồn để có chính sách hỗ trợ làm nhà ở giúp họ có điều kiện ổn định cuộc sống.... Sự giúp đỡ của cộng đồng đã đành nhưng ý chí của gia đình là vô cùng quan trọng.

Ông Trương Công Trung – CT UBND xã Thạch Hạ - TP Hà Tĩnh: Biết lộ trình còn dài nhưng để hoàn thành các tiêu chí cũng không đơn giản. Tại Thạch Hạ, rất nhiều cuộc họp nhằm triển khai từng bước việc xây dựng nông thôn mới, đặc diệt là chú trọng công tác tuyên truyền, dân vận để phát huy nội lực sức dân vẫn luôn diễn ra tại xã và các cụm dân cư. Mỗi cán bộ, đặc biệt là cán bộ thôn xóm được xem là “chốt”, là “nguồn” để giải mã dần mọi thắc mắc trong quần chúng nhân dân.

Có thể nói, sự gia tăng dân số, áp lực giảm tỷ lệ hộ nghèo là lực cản không chỉ với Thạch Hạ mà còn với nhiều địa phương khác trong lộ trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, điều mà chính quyền xã Thạch Hạ hiện nay đang trăn trở nhất vẫn là chuyện vận động nhân dân hiến đất mở đường. Mặc dù, đã có không ít hộ dân đã tự nguyện hiến hàng chục mét vuông đất khi xã vẫn chưa có chủ trương cắm mốc mở rộng đường với cách nghĩ rất khoáng đạt, thoải mái của những đảng viên “đi đầu bước trước”...Tuy nhiên trong điều kiện là một xã ven đô, lại nằm gần tỉnh lộ 9 – giá đất có thời điểm lên lên đến 3 triệu đồng một mét vuông, để vận động được bà con tự nguyện hiến đất là điều không dễ. Thạch Hạ còn đến 15 km đường trục chính yêu cầu phải mở rộng bình quân mỗi bên ít nhất là 5m, tính ra giá trị tiền tương đương lên đến gần 30 tỷ đồng. Huy động sức dân là điều chắc chắn nhưng để bà con đồng bộ vào cuộc là điều không dễ.

Đông con là một lực cản để người dân Thạch Hạ tự nâng cao chất lượng cuộc sống
Đông con là một lực cản để người dân Thạch Hạ tự nâng cao chất lượng cuộc sống

Tại cuộc làm việc gần đây với Thạch Hạ, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự - Trưởng ban chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh đã từng nhấn mạnh việc xây dựng nông thôn mới ở xã Thạch Hạ phải được tính toán theo hướng đô thị hóa; đồng thời phải chỉ ra được tiềm năng lợi thế của địa phương để phát triển Thạch Hạ thành một khu dịch vụ, hậu cần cho thành phố Hà Tĩnh. Đây thực sự là một yêu cầu và cũng là một thách thức khi trong thực tế, thời gian không còn dài, bước đi còn nhiều khó khăn, các tiêu chí còn lại càng không hề đơn giản. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực không nhỏ của đảng bộ, chính quyền và mỗi người dân nơi đây.

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast