Tìm lại tổ ấm sau tan vỡ

(Baohatinh.vn) - Xã hội ngày nay có quan niệm thoáng hơn về vấn đề hôn nhân. Trong nhiều trường hợp, người sau ly hôn vẫn tìm được hạnh phúc mới.

Chị Minh Thùy (thị trấn Phố Châu, Hương Sơn) và người chồng hiện tại đều thất bại trong hôn nhân lần đầu. Thông qua mai mối của một người bạn, anh chị đã gặp gỡ, tìm hiểu rồi nảy sinh tình cảm và đi đến hôn nhân. Chị có 2 con trai, còn anh có 1 con gái.

Ảnh minh họa từ internet
Ảnh minh họa từ internet

Trước ngày cưới, 2 người đã lường tính và bàn với nhau rất kỹ về những mâu thuẫn có thể nảy sinh khi sống chung, vấn đề con cái, kể cả cách nhường nhịn nhau... Do đã thống nhất quan điểm rõ ràng ngay từ đầu, nên 8 năm qua, gia đình mới của anh chị rất êm ấm, các con đều đã trưởng thành. Nhìn vào mái ấm của chị Minh Thùy, không ai nghĩ rằng đây là một gia đình “rổ rá cạp lại”. Những gia đình có hoàn cảnh như thế trong xã hội hiện nay không hiếm.

Trên thực tế, sau khi ly hôn, cả 2 phía thường kết hôn vội vàng vì những lý do như: cần người chăm sóc nhà cửa, con cái, muốn cho người cũ… “sáng mắt”! Vậy là họ đồng ý đi đến hôn nhân khi chưa thật sự yêu thương người mới. Đây là những quyết định sai lầm và rất dễ dẫn đến hệ lụy xấu. Theo các chuyên gia tâm lý, nếu chưa có tình yêu sâu đậm thì đừng vội kết hôn. Bởi cuộc hôn nhân thứ 2 cũng đầy rắc rối và thất vọng không kém, mà có khi còn hơn cả cuộc hôn nhân thứ nhất. Chỉ có tình yêu thực sự mới xây nên cuộc sống mới hạnh phúc.

Điều quan trọng là người trong cuộc phải có cái nhìn tích cực về cuộc hôn nhân mới, không bi quan, hằn học, quan niệm không tốt về mối quan hệ “rổ rá cạp lại” hay vấn đề con chung, con riêng, soi xét quá khứ... Hãy rút kinh nghiệm từ những sai lầm của cuộc hôn nhân trước để xây đắp hạnh phúc lần 2.

Vấn đề nan giải của các gia đình “rổ rá cạp lại” là những rắc rối phát sinh từ sự xuất hiện của những đứa con chung, con riêng. Lẽ thường, ai cũng yêu thương con ruột của mình hơn con người khác, nhưng nên đối xử công bằng và quan tâm dạy bảo các con như nhau.

Theo các chuyên gia tâm lý, cả nam giới và phụ nữ khi tái hôn đều mắc phải “bệnh” so sánh người mới với người cũ. Nếu không thật sự thông cảm, hay kể lể, đối chiếu các chi tiết sinh hoạt trong đời sống hiện tại với cuộc sống, con người trước đó thì tình cảm dễ bị rạn nứt. Muốn có hạnh phúc, đôi bên phải độ lượng, khoan dung với nhau và với con cái, chấp nhận những hạn chế và khiếm khuyết của bạn đời, dần tạo sự hòa hợp về tâm, sinh lý, đạo đức và lối sống.

Khi “cơm không lành, canh chẳng ngọt”, mỗi người không nên đưa quá khứ của nhau ra bình luận, so sánh. Hôn nhân, dù là “tập một” hay “tập hai”, vợ chồng phải luôn cảm thông, chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ, có như thế gia đình mới hạnh phúc.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast