Ngàn Sâu, lại nỗi lo đất lở

Nhiều ngày qua cuộc sống của hàng chục hộ dân ở xóm Yên Thọ xã Đức Lạng (Đức Thọ) và Gia Phố (Hương Khê) lại bị lo lắng bao phủ. Trận lũ vừa qua tiếp tục làm sạt lở và cuốn trôi hàng ngàn khối đất cát và nhiều diện tích cây trồng của người dân ở khu vực này.

Đất sản xuất hoa màu của người dân xã Đức Lạng (Đức Thọ) đang bị sông Ngàn Sâu nuốt dần sau mỗi lần mưa lũ.
Đất sản xuất hoa màu của người dân xã Đức Lạng (Đức Thọ) đang bị sông Ngàn Sâu nuốt dần sau mỗi lần mưa lũ.

Tuyến đường độc đạo để vào được với xóm Yên Thọ ngày xưa rộng đến 5 m bây giờ chỉ còn lại khoảng hơn 1m, nhiều điểm nước sông Ngàn Sâu đã lấn sâu vào và có thể cuốn trôi đường bất cứ lúc nào... Đã có không ít hộ dân thường xuyên phải sống trong cảnh thấp thỏm lo âu vì sạt lở làm mất đất mất vườn.

Trong tổng số chiều dài 4, 2 km sông Ngàn Sâu chạy qua xã Đức Lạng thì có đến 4km bị sạt lở. Cứ mỗi trận lũ đi qua thì dòng chảy của sông lấn vào khu vực dân cư từ 4 đến 5 m. Đã có hàng chục ha đất sản xuất nông nghiệp của nhân dân Đức Lạng bị nước sông cuốn trôi. Trước thực trạng sạt lở nghiêm trọng này chính quyền địa phương đã có nhiều giải pháp để hạn chế mức độ thiệt hại tuy nhiên chỉ là tạm thời. Bởi thực tế mức độ sạt lở hàng năm qúa lớn trong khi đó nguồn kinh phí của địa phương thì lại quá eo hẹp.

Ông Lê Văn Hiệp, Chủ tịch UBND xã Đức Lạng cho biết: "Địa phương đã đầu tư nhiều lần để mở trường tránh lũ và tổ chức di dời nhiều hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm tuy nhiên mức độ sạt lở lớn quá nên đã gây khó khăn cho địa phương nhất là kinh phí để di dời và làm kè, làm đường mới để cho nhân dân đi lại".

Không chỉ ở xã Đức Lạng huyện Đức Thọ mà nhiều địa phương của huyện Hương Khê cũng

sống chung với tình trạng sạt lở. Xã Gia Phố là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất của hiện tượng sạt lở. Bởi khu vực này là nơi giao nhau của sông Tiêm và sông Ngàn Sâu. Chỉ một trận mưa vừa cũng có thể làm sạt lở cuốn trôi nhiều diện tích đất của người dân. Từ năm 2006 đến nay chính quyền địa phương đã thường xuyên trồng hàng loạt cây tre để phòng chống sạt lở và hạn chế tối đa thiệt hại, đồng thời tiến hành gì dời hàng chục hộ dân ở bên bờ sông ra khỏi vùng nguy hiểm. Thế nhưng càng ngày dòng chảy càng lấn sâu vào, uy hiếp đến tính mạng và tài sản của nhiều hộ dân .

Ông Nguyễn Văn Cầm, Chủ tịch UBND xã Gia Phố nói: "Mấy năm trước xã đã di dời đến 20 hộ và làm đường tránh chạy xung quanh nhưng bây giờ dòng sông đã ăn sâu vào tận đường cái. Chỉ cần một trận lũ xẩy ra nừa là không những nhà dân mà ngay cả tuyến đường trục chính của xã cũng sẽ bị nước lũ cuốn trôi...

Ông Hoàng Hữu Diện, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết: Trong vài năm trở lại đây do biến đổi của dòng chảy do khai thác cát, thêm vào đó là nước lũ trên ngàn đổ về ngày càng dữ hơn nên tình trạng sạt lở trên địa bàn huyện Hương Khê rất nghiêm trọng. Không chỉ ở xã Gia phố mà còn rất nhiều xã trên địa bàn nằm sát 2 bên sông Ngàn Sâu như: Hương Trạch, Phúc Trạch Phương Mỹ… đều bị sạt lở nghiêm trọng. .

Mặc dù trong những năm gần đây đã có nhiều dự án với nguồn vốn hàng chục tỷ đồng đầu tư xây dựng kè phòng chống sạt lở hai bên bờ sông. Tuy nhiên trên thực tế số diện tích được kè chưa được là bao. Và cứ mỗi mùa lũ về người dân sống dọc hai bên bờ sông lại tiếp tục sống trong nỗi thấp thỏm lo âu vì sạt lở...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast